Sau khi có thông tin cho rằng ngày 7/7 tới, Toà Trọng tài thường trực (PCA) thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, Trung Quốc đã có nhiều động thái nhằm phản bác tính pháp lý của Tòa và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp trả.
Ảnh: Báo “Tinmoi.vn”
Thứ nhất, Trung Quốc công khai tuyên bố lập trường phản đối vụ kiện. Trung Quốc (19/2/2013) đệ trình Công hàm “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Nam Trung Hoa” từ chối tham gia vụ kiện và trả lại bản Thông báo của Philippines. Đến ngày 7/12/2014, Trung Quốc lại đưa ra “Tuyên bố về Lập trường của Trung Quốc đối với vụ kiện của Philippines trước Toà Trọng tài”, trong đó nhấn mạnh rằng Tòa không có thẩm quyền xét xử vụ kiện. Vì, một là Trung Quốc cho rằng bản chất vụ kiện của Philippines là các tranh chấp về chủ quyền. Vấn đề chủ quyền không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS, do vậy, không thể vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Hai là, theo quy định của Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), Hiệp ước Hợp tác hữu nghị Đông Nam Á (TAC), các tuyên bố chung, biên bản cuộc họp, trao đổi, tham vấn giữa hai quốc gia…, các bên chỉ sử dụng duy nhất phương pháp đàm phán để giải quyết vấn đề Biển Đông. Việc Philippines đơn phương khởi kiện là phá vỡ cam kết với Trung Quốc và các nước ASEAN. Ba là, Trung Quốc và Philippines chưa có trao đổi cụ thể, thực chất về tranh chấp, vậy nên “nghĩa vụ trao đổi quan điểm” – một điều kiện tiền đề để vận dụng cơ chế tài phán của UNCLOS – chưa được hoàn thành, do đó Philippines không thể sử dụng biện pháp trọng tài. Bốn là, Trung Quốc đã tuyên bố loại trừ thẩm quyền của Tòa theo Điều 298 UNCLOS nên Trung Quốc không phải tham gia vào vụ kiện và không bị ràng buộc bởi phán quyết của Tòa Trọng tài.
Ngày 8/6/2016, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục ra “Tuyên bố về việc kiên trì giải quyết tranh chấp Nam Hải giữa Trung Quốc và Philippines thông qua đàm phán song phương trực tiếp”, trong đó nhấn mạnh lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, phản đối, cho rằng Philippines đơn phượng kiện Trung Quốc ra Tòa là đi ngược lại các tuyên bố, nhận thức chung và thỏa thuận song phương, vi phạm quy định của UNCLOS; khẳng định Trung Quốc và Philippines “chưa từng” tiến hành đàm phán về việc Philippines sẽ kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài.
Thứ hai, chính giới của Trung Quốc, đặc biệt là lực lượng Đại sứ của Trung Quốc ở nước ngoài tích cực trả lời phỏng vấn, đăng các bài viết tuyên truyền về lập trường, chủ trương của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông nói chung và trong vụ kiện của Philippines nói riêng. Nhìn chung, các bài phỏng vấn, bài viết của Đại sứ Trung Quốc đều xoay quanh việc bác bỏ thầm quyền xét xử của Tòa, chỉ trích Philippines đơn phương kiện Trung Quốc là vi phạm các tuyên bố, thỏa thuận song phương với Trung Quốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định của khu vực cũng như quan hệ song phương; lên án một số nước can thiệp vào tranh chấp Biển Đông khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn; thậm chí một số Đại sứ Trung Quốc còn có những bình luận, nhận định mang tính khiêu khích, hiếu chiến khi đe dọa Philippines “đừng chơi với lửa ở Biển Đông”. Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh (9/6) bịa đặt rằng vụ kiện của Philippines trong thực tế là một nỗ lực đơn phương để hợp pháp hóa các đảo và rạn san hô chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa; Trung Quốc đã “phản ứng bằng sự kiềm chế tối đa, nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán và tham vấn”, kêu gọi “gác lại tranh chấp, cùng hợp tác khai thác”; đồng thời cho rằng cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã đánh giá sai tình hình quốc tế, “hành động như một con tốt trong chiến lược địa chính trị của một nước bên ngoài khu vực và đã chọn đối đầu với Trung Quốc”, cho rằng Chính phủ Philippines nên từ bỏ ảo tưởng về vụ kiện và quay trở lại con đường đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp.
Thứ ba, Trung Quốc tích cực sử dụng tổng hợp các biện pháp ngoại giao, kinh tế, quân sự để lôi kéo, ép buộc các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc (14/6) cho biết, hiện có khoảng 60 nước và nhiều chính đảng trên thế giới tuyên bố ủng hộ lập trường của Chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó, một số hãng truyền thông uy tín và chuyên gia hàng đầu trên thế giới đã đưa ra phân tích, nhận định cho rằng danh sách 60 nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc thực chất là “danh sách ma”, do Trung Quốc tự bịa đặt và tuyên truyền. Hãng BBC (17/6) có bài phân tích chỉ ra rằng, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 8 – 9 quốc gia công khai bày tỏ thái độ ủng hộ lập trường của Trung Quốc, hầu hết đều là những nước nhỏ ít có ảnh hưởng hoặc không có biển. Trước đó, ông Ankit Panda (Biên tập viên phụ trách các vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương của tờ The Diplomat) cho biết, kể cả “Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không thể kể tên 60 quốc gia ủng hộ Trung Quốc”. Đáng chú ý là một số nước đã chỉ trích Trung Quốc cố tình viện dẫn sai lệch và “hiểu sai” quan điểm của họ về vấn đề Biển Đông.
Thứ tư, giới chuyên gia Trung Quốc tích cực tham gia các hội thảo trong nước và quốc tế để tìm cách biện minh cho lập trường “không tham gia, không tiếp nhận, không thừa nhận và không thực thi phán quyết” của Chính phủ Trung Quốc. Điều đáng nói ở đây là, các chuyên gia Trung Quốc, chủ yếu là những Giáo sư, Tiến sỹ hàng đầu về luật pháp của Trung Quốc hiểu rõ luật và các quy trình tố tụng của Tòa trọng tài, song tìm mọi cách để bác bỏ thẩm quyền của Tòa một cách vô lý và nực cười. Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển và An ninh biển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á – Âu” (9 – 10/2016), đại biểu Trung Quốc cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có quyền từ chối tham gia Toà trọng tài để xem xét vụ kiện của Philippines, khẳng định Trung Quốc sẽ không thực hiện phán quyết vì Toà trọng tài đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc, đi ngược lại nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, các lập luận này đều bị các chuyên gia, học giả quốc tế chỉ trích, cho rằng Trung Quốc đã cố ý hiểu sai và áp dụng sai UNCLOS.
Thứ năm, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã có sự thay đổi “ngoạn mục” khi đưa tin về vụ kiện. Trong giai đoạn đầu, khi Philippines mới đệ trình hồ sơ kiện lên Tòa trọng tài, số lượng các bài viết liên quan vụ kiện trên báo chí, phương tiện truyền thông của Trung Quốc có thể đếm trên đầu ngón tay. Đến khi Tòa chuẩn bị ra phán quyết, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc lại liên tục đăng các bài viết, nhận định, đánh giá của chuyên gia, học giả Trung Quốc về vụ kiện. Có thể nói, số lượng các bài viết tăng đột biến, khiến vấn đề Biển Đông nói chung và vụ kiện nói riêng đã trở thành “món ăn” hàng ngày, hàng giờ trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc. Tuy nhiên, nội dung các bài viết đều mang đậm “phong cách Trung Quốc”, trắng trợn bác bỏ thẩm quyền của Tòa (trong khi Tòa đã đưa ra các lập luận, tuyên bố khẳng định có thẩm quyền thụ lý vụ kiện), chỉ trích Philippines cũng như các bên liên quan ở Biển Đông, ca ngợi các nước “ủng hộ” Trung Quốc. Ngoài ra, giới truyền thông Trung Quốc cũng đang tích cực sử dụng các chiêu trò, thủ đoạn gây rối dư luận trước khi Tòa trọng tài ra phán quyết và “đầu độc” thông tin đối với cộng đồng quốc tế bằng cách lợi dụng ưu thế về số lượng các bài viết, phân tích của học giả Trung Quốc để gây ngộ nhận trong cộng đồng quốc tế về những gì Trung Quốc tuyên truyền.
Trung Quốc sẽ phải cân nhắc trước khi tuyên bố không thực thi phán quyết của Tòa trọng tài
Một là, phán quyết của Tòa trọng tài có tính ràng buộc. Căn cứ Điều 296 của UNCLOS về tính chất tối hậu và bắt buộc của các quyết định, quy định “các quyết định do Tòa án có thẩm quyền theo mục này đưa ra là có tính chất tối hậu và tất cả các bên tranh chấp phải tuân theo”. Theo đó, Trung Quốc dù tuyên bố không tham gia, không chấp nhận, không tuân thủ và không thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài, nhưng trên khía cạnh luật pháp quốc tế, Trung Quốc có nghĩa vụ thực hiện phán quyết. Do UNCLOS không có một cơ quan chuyên trách cưỡng chế thường trực, nên khi Trung Quốc không thực thi phán quyết, Philippines sẽ phải sử dụng các biện pháp khác mà luật pháp quốc tế cho phép để buộc Trung Quốc thi hành phán quyết. Philippines có thể sử dụng các biện pháp về chính trị, kinh tế, phối hợp với các nước khác, sử dụng các diễn đàn quốc tế và tổ chức quốc tế, tranh thủ dư luận quốc tế để tạo áp lực, khuyến khích và thúc đẩy việc thực thi phán quyết hoặc sử dụng phán quyết làm cơ sở để giải quyết tranh chấp.
Hai là, Trung Quốc đã cố tình viện dẫn, áp dụng các quy định của UNCLOS một cách máy móc, không đúng so với các quy định của Công ước. Vì tranh chấp được nêu trong đơn kiện của Philippines không phải là tranh chấp về chủ quyền mà là tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS. Ngoài ra, Điều 283, Điều 286 và Điều 287 của UNCLOS cũng quy định rõ về việc khi có tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước, các bên tranh chấp có nghĩa vụ tiến hành trao đổi quan điểm; Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trao đổi quan điểm mà tranh chấp vẫn chưa được giải quyết và giữa các bên không có thỏa thuận khác, thì cơ chế tài phán bắt buộc của UNCLOS sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp; Cơ chế tài phán của UNCLOS cho phép các bên được lựa chọn sử dụng một trong bốn cơ quan là Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) hoặc Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, hoặc Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VIII. Vì vậy, nếu Trung Quốc không thực thi phán quyết của Toà Trọng tài sẽ ảnh hưởng xấu đến hình tượng nước lớn có trách nhiệm, nhất là khi Trung Quốc là một thành viên của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, Trung Quốc cần thể hiện là một nước có trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc không tuân thủ, thực thi phán quyết sẽ đánh mất uy tín với tư cách là một thành viên của UNCLOS và phá hỏng hình ảnh một cường quốc thân thiện, hiền hòa, “cai trị bằng pháp luật” như những gì mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhiều lần tuyên bố. Ngoài ra, việc không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài cũng gây ảnh hưởng đến môi trường hòa bình xung quanh Trung Quốc, thậm chí là tác động xấu đến quan hệ ngoại giao, kinh tế, chính trị giữa Trung Quốc với một số nước có lợi ích ở Biển Đông.
Ba là, Trung Quốc không thể một mình “chống lại cả thế giới”. Nhiều nước và tổ chức quốc tế có lợi ích ở Biển Đông đã đưa ra cảnh báo Trung Quốc sẽ phải trả giá nếu không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài. Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Nam Á Amy Searight phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế cho biết Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc phải sẵn sàng làm rõ, phán quyết của Tòa có tính ràng buộc pháp lý, Trung Quốc sẽ phải trả giá nếu nước này không tuân thủ phán quyết của Tòa trong trường hợp thua kiện. Trong khi đó, Đại diện EU tại Mỹ Klaus Botzet cho biết, một khi các nước phương Tây và dư luận quốc tế thống nhất trong việc buộc Trung Quốc có nghĩa thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài sẽ là một thông điệp rất mạnh mẽ và khó có thể bỏ qua.
Bốn là, trong lịch sử giải quyết các vụ kiện, Tòa trọng tài đã xem xét và ra phán quyết khoảng 10 vụ liên quan đến tranh chấp, phân định biên giới và các bên liên quan đều chấp hành phán quyết của tòa. Phó Trợ lý phụ trách An ninh và an toàn biển, Bộ Điều phối Các vấn đề hàng hải Indonesia Basilio Araujo nhận định, nếu Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài, thì Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới có hành động như vậy và điều đó sẽ ảnh hưởng rất xấu đối với Trung Quốc. Hơn nữa, phạm vi hoạt động của Trung Quốc không chỉ ở Biển Đông, mà còn ở Bắc Băng Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Nếu họ không tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông, những quyền lợi quốc tế của họ trên những vùng biển khác sẽ không được tôn trọng và sẽ không còn ai đứng ra để bảo vệ họ.
Nhìn chung, hiện Trung Quốc vẫn tích cực sử dụng tất cả các biện pháp để tuyên truyền về lập trường của Chính phủ trong vấn đề Biển Đông cũng như trong vụ kiện. Song khả năng Trung Quốc tuân thủ và thực thi phán quyết của Tòa không cao. Trung Quốc sẽ tìm mọi cách bóp méo sự thật và chối bỏ trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.