Trong khi đang ráo riết tiến hành tập trận quy mô trên Biển Đông, Trung Quốc vẫn một mực cam kết hòa bình, ổn định.
Các tàu chiến của Trung Quốc – Ảnh: Reuters
Ngày 5/7, khi được hỏi về khả năng nổ ra xung đột trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định chính phủ Trung Quốc cam kết hòa bình.
“Trung Quốc sẽ làm việc với các nước ASEAN để đảm bảo hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Chúng tôi gần đây đã nhiều lần làm rõ rằng Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ quyết định nào của bên thứ ba đưa ra để làm giải pháp cho giải quyết tranh chấp, cũng như không chấp nhận bất kỳ kế hoạch tìm kiếm giải pháp nào mang tính ép buộc Trung Quốc”, Reuters dẫn lời ông Hồng Lỗi trong một cuộc họp báo.
Trước đó, Thời báo Hoàn Cầu – tờ báo có sức ảnh hưởng ở Trung Quốc, nhấn mạnh Trung Quốc nên chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự trên Biển Đông.
Bài xã luận bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh cáo buộc sự can thiệp của Mỹ đã làm phức tạp thêm tình hình các tranh chấp trên Biển Đông. Không những vậy, chủ quyền của Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa bởi phán quyết sắp tới của tòa trọng tài.
Tờ này kêu gọi Trung Quốc nên tăng cường năng lực răn đe quân sự, buộc Mỹ phải trả giá đắt nếu can thiệp vào khu vực: “Dù Trung Quốc không thể bắt kịp Mỹ về mặt quân sự trong ngắn hạn, song Bắc Kinh có thể buộc Washington phải trả một cái giá không thể kham nổi nếu Mỹ can thiệp vào tranh chấp Biển Đông bằng vũ lực”.
“Trung Quốc dù luôn hi vọng các tranh chấp có thể được giải quyết thông qua đối thoại, nhưng cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào. Đó là điều phổ biến trong quan hệ quốc tế”, Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục luận điệu Trung Quốc là kẻ yếu, bị buộc phải phản kháng.
Động thái của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rõ ràng mang tính chất xoa dịu trong bối cảnh căng thẳng giữa các bên tăng cao do những tranh chấp trên biển.
Dù vậy, trên Biển Đông, Trung Quốc vẫn đang tiến hành tập trận quy mô trên khu vực rộng hơn 100.000km2, bao trùm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bắt đầu từ ngày 5/7 và kết thúc vào ngày 11/7, một ngày trước khi Tòa Trọng tài thường trực của Liên hợp quốc (PCA) ra phán quyết về vụ kiện đường lưỡi bò.
Theo The Wall Street Journal, thời gian và địa điểm của cuộc tập trận lần này đặc biệt khiêu khích bởi nó trùng với cuộc tập trận RIMPAC mà Mỹ đang tổ chức ở Hawaii có sự tham dự của cả Trung Quốc, một phần của nỗ lực cải thiện quan hệ quân sự.
Cũng có ý kiến cho rằng, cuộc tập trận này của Bắc Kinh là một động thái nhằm gây sức ép với Hội đồng Trọng tài 5 thành viên thay mặt cho PCA xét xử vụ kiện và ra phán quyết ngày 12/7 tới đây.