Saturday, July 27, 2024
Trang chủBiển nóngGiải pháp nào cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (Kỳ...

Giải pháp nào cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (Kỳ II)

Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng đi vào bế tắc. Giới chuyên gia, học giả quốc tế và khu vực đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với mong muốn thúc đẩy giải quyết tranh chấp giữa các nước liên quan. Tuy nhiên, tất cả các giải pháp đều lâm vào bế tắc vì chủ trương cứng rắn, vô lý và lòng tham của Trung Quốc. Vậy, đâu sẽ là biện pháp khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay?

Bãi cạn Scarborough, đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippine

Biện pháp tài phán quốc tế: Philippines (22/1/2013) đã gửi hồ sơ kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Liên hợp quốc theo Phụ lục VII. Tuy nhiên, Tòa tuyên bố chỉ có thẩm quyền xem xét 7/15 điểm trong hồ sơ kiện của Philippines, gồm: Bãi cạn Scarborough không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây và đá Xu Bi là những kết cấu nửa nổi nửa chìm không được hưởng quy chế về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; đá Gaven và đá Ken Nan (bao gồm Đá Hu Gơ) là các thực thể nửa nổi nửa chìm không tạo ra lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tuy nhiên, ngấn nước triều thấp trên các thực thể này có thể được sử dụng làm đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn; đá Gạc Ma, đá Châu Viên và đá Chữ Thập không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; Trung Quốc đã có hành vi bất hợp pháp khi ngăn chặn ngư dân Philippines kiếm sống, bằng cách can thiệp vào các hoạt động đánh bắt cá truyền thống tại bãi cạn Scarborough; Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Công ước bảo vệ và bảo tồn môi trường biển tại bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây; Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo UNCLOS bằng việc cho phép tàu chấp pháp Trung Quốc thực hiện các hành vi nguy hiểm, gây ra nguy cơ va chạm lớn với tàu Philippines di chuyển trong vùng lân cận bãi cạn Scarborough. Tòa cũng tuyên bố rằng 7 điểm khác đang trong giai đoạn xem xét đánh giá tính hợp lý và 1 điểm đang bảo lưu, yêu cầu Philippines làm rõ thêm về điểm này.

Biện pháp quân sự: Trước các hành động ngày càng bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và Vùng đặc quyền kinh tế với Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ những tuyến đường biển, cầu cảng cũng như các đường biên giới biển quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu, cung cấp nhiên liệu. Tuy khả năng xảy ra xung đột vũ trang quy mô lớn là không cao, song không thể loại trừ việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự để xâm chiếm các đảo, đá ở Biển Đông và ép các nước, trong đó có Việt Nam phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, phần lớn các nước ASEAN tập trung mua sắm vũ khí hiện đại, đáp ứng cho hoạt động phòng không và phòng vệ trên biển như tàu chiến, tàu tuần tra, hệ thống radar, máy bay chiến đấu, tàu ngầm và tên lửa chống hạm. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tổng kim ngạch mua sắm vũ khí của các nước ASEAN lần đầu tiên vượt qua Liên minh Châu Âu (EU). Năm 2015, ASEAN đã chi 35,5 tỷ USD vào việc mua sắm vũ khí và có thể đạt 40 tỷ USD trong năm 2016. Chuyên gia phân tích Công nghiệp Quốc phòng Châu Á Thái Bình Dương Jon Grevatt (tạp chí IHS Jane’s) nhận định, “bảo vệ chủ quyền là mục tiêu hàng đầu của chính phủ các nước trong khu vực. Rõ ràng các hoạt động của Trung Quốc đã làm gia tăng vấn đề về bảo vệ lãnh thổ”. Cùng quan điểm trên, ông James Hardy, chuyên gia phụ trách Châu Á Thái Bình Dương của Jane’s Defence cho rằng “sự phát triển kinh tế đang giúp các nước Đông Nam Á có thêm động lực và khả năng để đầu tư cho quốc phòng nhằm bảo vệ các hoạt động đầu tư của họ, những tuyến đường biển và các vùng đặc quyền kinh tế. Xu hướng lớn nhất hiện giờ là đầu tư vào các hoạt động do thám và tuần tra hàng hải”.

Thông qua ASEAN: Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ASEAN và Trung Quốc ký ngày 4/11/2002 tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 ở Phnom Penh (Campuchia) là văn kiện chung đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc trực tiếp liên quan vấn đề Biển Đông. Việc ký kết DOC là một bước tiến quan trọng trong đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN lien quan vấn đề Biển Đông, góp phần tránh được các xung đột ở Biển Ðông, giữ ổn định và có lợi cho toàn khu vực. Ðể thúc đẩy thực hiện đầy đủ các quy định trong DOC, ASEAN và Trung Quốc đã lập 2 cơ chế là Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN – Trung Quốc về DOC (SOM ASEAN – Trung Quốc) và Nhóm Công tác chung ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC (ACJWG). Thời gian qua, DOC thực sự là một văn kiện có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Tuy nhiên, do nhiều lý do, trong đó có cả sự khác biệt về quan điểm, lợi ích, nên một số biện pháp dự tính trong DOC chưa được triển khai, như: tìm kiếm các biện pháp xây dựng lòng tin; tìm kiếm các biện pháp hợp tác trong những lĩnh vực ít nhạy cảm và căng thẳng ở khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, gây ra quan ngại và quan tâm sâu sắc của khu vực và cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, DOC còn quá nhiều hạn chế để đảm bảo an ninh, ổn định ở Biển Đông hiện nay. DOC không mang tính ràng buộc pháp lý nên dẫn đến việc các bên tham gia thiếu quyết tâm chính trị, chưa thống nhất trong vận dụng các điều khoản; chưa xác định được phạm vi áp dụng về mặt địa lý; chưa xây dựng được cơ chế giám sát, xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Trong khi đó, Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vẫn đang bế tắc.

4. Nguyên nhân khiến việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đi vào bế tắc.

Thứ nhất, do Biển Đông có nguồn tài nguyên phong phú và vị trí địa chiến lược quan trọng khiến các nước “không thể bỏ qua”. Biển Đông được xác định có trữ lượng dầu mỏ khoảng 7,7 tỷ thùng, với ước tính tổng khối lượng là 28 tỷ thùng. Trữ lượng khí tự nhiên được ước tính khoảng 7.500 km³, trong đó nhiều nguồn năng lượng mới được tìm thấy ở khu vực này, điển hình là băng cháy (với trữ lượng lớn và được dự báo là nguồn năng lượng của tương lai). Biển Đông cũng chiếm một phần ba toàn bộ đa dạng sinh học biển thế giới, vì vậy nó có vai trò rất quan trọng đối với hệ sinh thái biển. Ngoài ra, Biển Đông là tuyến đường hàng hải huyết mạch, có ý nghĩa chiến lược to lớn trong sự phát triển về mọi mặt của các quốc gia. Biển Đông hiện là đường hàng hải đông đúc thứ hai thế giới, trong khi nếu tính theo tổng lượng hàng hoá thương mại được vận chuyển qua hàng năm, hơn 50% đi qua eo biển Malacca, eo biển Sunda và eo biển Lombok. Hơn 1,6 triệu m³ (10 triệu thùng) dầu thô được vận chuyển qua eo biển Malacca hàng ngày. Mặt khác, Biển Đông cũng là vùng biển có giá trị to lớn về vị trí chiến lược quan trọng trong chiến lược phát triển an ninh – quốc phòng đối với các nước có tranh chấp trong khu vực.

Thứ hai, do việc giải thích, áp dụng sai các quy định về luật pháp quốc tế: Điển hình là việc Trung Quốc cố tình bóp méo, viện dẫn sai các quy định của UNCLOS về quy chế đảo, đá, vùng nước lịch sử; liên tục đưa ra các tuyên bố biện minh cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông” và rằng “Trung Quốc có đầy đủ chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và các vùng nước phụ cận”; Trung Quốc cũng cố ý viện dẫn sai các quy định trong UNCLOS, đặc biệt là quy định các nước ven biển có quyền hoạch định vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý.

Thứ ba, do Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa và có chủ trương vô lý trong việc giải quyết tranh chấp. Trung Quốc liên tục có các hoạt động phi pháp nhằm khẳng định chủ quyền ở Biển Đông như bắt giữ trái phép ngư dân các nước trong khu vực, phá hoại hoạt động của các tàu thăm dò dầu khí nước ngoài trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải dương 981 trong thềm lục địa của Việt Nam; tiến hành cải tạo, quân sự hóa phi pháp hàng loạt các bãi cạn, đá ở Trường Sa; triển khai các loại vũ khí tấn công ở Hoàng Sa; đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm ở Biển Đông; đẩy mạnh hoạt động phi pháp của các lực lượng quân sự và bán quân sự tại Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông thời gian gần đây. Ngoài ra, trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc luôn khăng khăng cho rằng Trung Quốc có “chủ quyền” không thể tranh cãi, chỉ tiến hành đàm phán, hiệp thương hòa bình trực tiếp song phương với từng bên liên quan đối với tranh chấp ở Trường Sa, khẳng định “Hoàng Sa không tồn tại tranh chấp, thuộc chủ quyền của Trung Quốc” và rằng Trung Quốc không tham gia, không chấp nhận, không tuân thủ bất cứ phán quyết hoặc vụ kiện nào liên quan giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Thứ tư, thiếu thống nhất trong nội bộ ASEAN và DOC không phải là văn kiện pháp lý để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. ASEAN tiếp tục bị chia rẽ liên quan cách ứng xử với Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông. Tuy tranh chấp Biển Đông là tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, song tranh chấp này có liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, trong đó lợi ích của ASEAN là rõ ràng và thiết thực nhất. Tuy nhiên, do Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao để lôi kéo, mua chuộc, thậm chí là ép buộc một số nước ASEAN phải nghe theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đưa ra các tuyên bố, hành động không phù hợp với lợi ích chung của ASEAN khiến nội bộ mất đoàn kết, cản trở việc đàm phán ký kết COC.

Trên thực tế, DOC là một văn kiện nửa chính trị nửa pháp lý và không có giá trị ràng buộc. Hiệu lực của văn bản này tùy thuộc vào thiện chí thi hành của các bên. Một số quy định của DOC quá chung chung, dẫn đến việc các nước có sự “vận dụng” khác nhau. Quan trọng nhất là quy định về việc các nước tự kiềm chế, không có các hành vi làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp hay ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực. Quy định của DOC về triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin quá “lỏng lẻo”, chỉ dừng ở mức các bên “tìm kiếm cách thức” xây dựng lòng tin.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới