Nước Nga có phải thường xuyên lựa chọn giữa châu Âu và châu Á hay không? Vai trò của Nga trong thế kỷ XXI trên trường quốc tế là gì?
Cuộc gặp gỡ của Đức Cha Phranxixcô và Đại giáo chủ Matxcơva và Toàn Nga Kirill. Ngày 12/2/2016 Ảnh: Max Rossi / Reuters
Về vấn đề này chúng ta sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia: Tiến sỹ Lịch sử Andrei Andreyev- Giáo sư Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva (MGU); ông Dmitry Trenin – Giám đốc Trung tâm Carnegie; Tiến sỹ kinh tế George Toloraia- Giáo sư Trường Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva (MGIMO).
Ý kiến các chuyên gia trong webinar (Hội thảo trực tuyến – ND) “Tại sao Nga luôn luôn phải lựa chọn giữa Đông và Tây?” do tạp chí “Nước Nga trong chính sách toàn cầu” cùng với Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng (SWAP) và Khoa kinh tế thế giới và chính trị thế giới của Trường Đại học kinh tế Quốc dân đồng tổ chức.
Tổng biên tập tạp chí “Nước Nga trong chính sách toàn cầu” Fyodor Lukyanov- Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng đã chủ trì cuộc thảo luận.
Andrew Mozzhukhin- Phóng viên “Lenta.ru” đã ghi lại những luận điểm chính trong bài phát biểu của các chuyên gia.
Người thừa kế Byzantium, không có phương Đông nào khác ngoài chính Nga
Dmitri Trenin: Việc luôn phải lựa chọn giữa Đông và Tây luôn tiềm ẩn trong chính chúng ta, bởi vì chúng ta (Nga) đang cố gắng để tìm một vị trí cân bằng trên thế giới.
Trong thế kỷ XX, nước ta (Liên Xô) với tư cách là một siêu cường và có tham vọng để lãnh đạo thế giới, và sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, Nga đã tìm cách hội nhập vào phương Tây đang rộng mở.
Trong kịch bản buộc phải lựa chọn này có sự tập hợp xung quanh nước Nga giống như là vây quanh hạt nhân Á-Âu của cả không gian hậu Xô Viết.
Các sự kiện xảy ra trong hai năm gần đây đã đặt dấu chấm hết cho tất cả các kế hoạch này. Rõ ràng là nước Nga không thể hòa nhập một cách đầy đủ vào bất kỳ phần nào của thế giới.
Trong chừng mức nào đó, Nga buộc phải thừa nhận vị trí lệ thuộc của mình trong mối quan hệ với Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc.
Tất nhiên, cả hai phương án này đều không thể chấp nhận được đối với nước Nga- vì ở đây sẽ bị “Tính huyết thống Nga” ngăn cản, vì vậy Nga không có sự lựa chọn nào khác ngoài cách bơi một mình giữa biển cả của chính trị toàn cầu. Thực tế điều đó không có gì là tồi tệ.
Để học hỏi được những kiến thức, công nghệ và thực hành tiên tiến không nhất thiết phải trở thành một phần của một hệ thống nào đó (ví dụ như phải gia nhập Liên minh phương Tây chẳng hạn).
Do đó, sự lựa chọn của Nga – chính là bản thân nước Nga, đất nước có thể trở thành một quốc gia có đầy đủ khả năng tự cung tự cấp. Hiểu được điều này sẽ đặc biệt hữu ích, nhất là đối với những đồng minh thân cận nhất của Nga – từ Belarus, Armenia cho đến Kazakhstan, Kyrgyzstan – đều dõi theo sự trỗi dậy của chính sách Nga trong không gian Á – Âu.
Người ta không nên chờ vào sự suy giảm nhanh chóng của phương Tây: vì trong vài chục năm gần đây nó vẫn là khu vực mạnh nhất, tiên tiến nhất, hấp dẫn nhất trên thế giới.
Andrey Andreev: đất nước Nga quá rộng lớn cho nên khó có thể hội nhập hoàn toàn với ai đó. Khi chúng ta nói về sự lựa chọn của Nga giữa Đông và Tây, trước hết chúng ta phải hiểu ý nghĩa của các từ ngữ này.
Nếu quan niệm phương Đông là khu vực địa lý từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cho đến Tokyo (Nhật Bản) thì do những nguyên nhân lịch sử, nước Nga ít có sự liên hệ với khu vực này, ví dụ như đầu thế kỷ XVIII thì thực tế giữa Nga với các nước này hầu như không có sự giao lưu với nhau.
Kể từ thời điểm đó, tất cả những va chạm của Đế quốc Nga với không gian Á – Âu chỉ được coi như phản ứng trước những thách thức bên ngoài.
Ví dụ, sự gia nhập của Trung Á trong nửa cuối thế kỷ XIX đối với nước Nga là một sự bắt buộc – một phản ứng đáp lại sự bành trướng của Vương quốc Anh.
Do đó, cái gọi là “Phương Đông vĩ đại” chưa bao giờ được Nga quan tâm tới một cách nghiêm túc.
Nếu nói về sự đối lập giữa Đông và Tây theo cách hiểu đích thực về mặt lịch sử thì phải nói đến sự chia rẽ giữa 2 dòng Kitô Giáo Tây phương của Rome (Cơ đốc giáo) và dòng Kitô giáo Đông phương Byzantine (Đạo chính thống giáo). Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để khắc phục, song sự rạn nứt này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Nước Nga là cường quốc cuối cùng cố gắng để thực hiện các di sản của Byzantine, và việc xoay về phía Đông đối với nước Nga có nghĩa là sự quay về với chính bản thân mình, bởi vì trong ý nghĩa văn hóa và lịch sử thì không có một phương Đông nào khác, ngoài chính nước Nga.
Đứa trẻ khó bảo ở châu Âu
George Toloraia: Khái niệm Phương Đông trong cuộc thảo luận chính trị của chúng ta trên thực tế không tồn tại. Các nước châu Á hiện đang kinh ngạc dõi theo sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Nga và họ gọi đó là sự “xoay trục về phía Đông”.
Nga là một phần không thể tách rời của nền văn minh Kitô- Do Thái giáo của châu Âu, mặc dù nó đặc biệt và hoàn toàn yên ổn.
Nước Nga là một loại enfant terrible (tiếng Pháp có nghĩa là “đứa bé khó chịu”) trong gia đình các quốc gia châu Âu – Người ta cảm nhận về nước Nga như vậy, ở cả phương Tây lẫn phương Đông.
Nền văn minh và văn hóa Nga không có gì chung với tinh thần Nho giáo cũng như Hindu giáo, cũng không dính dáng gì tới phong cách sống của vùng Trung Đông – đó chỉ là những người hàng xóm của chúng ta, không hơn không kém.
Nước Nga không cần phải xoay trục sang phía Đông mà phải giải quyết các vấn đề của Nga với phương Tây.
Đồng thời, chúng ta phải xây dựng mối quan hệ rõ ràng với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi trong tương lai đang có triển vọng phát triển nhanh chóng, nắm vai trò lãnh đạo thế giới trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và chính trị- quân sự.
Sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng sau khi chia tay với phương Tây, Nga sẽ được các nước phương Đông giang rộng vòng tay chào đón. Hôm nay, nhiệm vụ chính của chúng ta (Nga) là phải hội nhập với một thế giới phức tạp và thay đổi nhanh chóng.
Andreev: Các cuộc tranh luận về việc Nga có trở thành một bộ phận của phương Tây hay phương Đông hay không đã bắt đầu từ cuộc đối đầu giữa những người phương Tây và những người gốc Slavơ trong những năm 30 của thế kỷ XIX.
Trong tư tưởng xã hội của thế kỷ XVIII trước đó các tiêu chí này chưa từng tồn tại, mặc dù những đặc thù của tính cách dân tộc Nga đã được nói tới trong thời kỳ Catherine II.
Nguyên nhân nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về vị trí của Nga giữa phương Đông và phương Tây vào giữa thế kỷ XIX là sự phát triển của ý thức dân tộc và việc tìm kiếm bản sắc riêng của mình. Đó là kỷ nguyên của sự hình thành một quốc gia dân tộc, mà cho đến hôm nay vẫn chưa hoàn thành.
Ở nước Nga cũng hình thành hệ tư tưởng quốc gia độc lập, kế thừa truyền thống của thời trung cổ đối đầu với phương Tây Latinh và Byzantine theo đạo Chính thống. Nga tuyên bố mình là người thừa kế của đế chế Byzantine, vì vậy cuộc đối đầu với phương Tây đã trở thành nền tảng của tư tưởng dân tộc Nga.
Nét đặc trưng chủ yếu của chúng ta là sự kết hợp giữa tính đế chế với truyền thống dân tộc.
Nước Nga đã không trở thành một quốc gia dân tộc, và cũng không rõ, liệu nó có cần để trở thành quốc gia dân tộc hay không, bởi vì bất kỳ quốc gia dân tộc nào cũng đều nhìn thấy trước sự có mặt của một dân tộc thống trị trong đó.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov
tại cuộc họp quốc tế Nga – Ấn Độ – Trung Quốc ngày 18/4/2016 Ảnh: Maxim Zmeev / Reuters
Trenin: Đế chế Nga, mặc dù có một số điểm tiêu cực nhưng cũng đã đóng góp to lớn cho nền văn minh thế giới, nhưng thời kỳ đế chế trong lịch sử nước Nga đã thuộc về quá khứ.
Hiện nay Nga đã hoàn toàn có thể tự giải quyết được những vấn đề về biên giới, nhưng nước Nga cần phải được chuyển đổi từ nhà nước hậu Xô viết ngày hôm nay thành một quốc gia – với ý nghĩa dân tộc đầy đủ, không dựa trên chủng tộc, mà dựa trên nguyên tắc công dân.
Nói cách khác, nước Nga phải là một quốc gia mà tất cả người Nga, bất kể quốc tịch hay tôn giáo nào đều được coi là công dân tự do bình đẳng với nhau.
Để làm được điều này, nước Nga cần phải có một lớp người ưu tú của quốc gia hiện đại, rất tiếc là hiện nay chưa có.
Về chuyện nước Nga không còn là một đế chế và không còn là một siêu cường, không có gì là ghê gớm cả: chúng ta (Nga) vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế và có khả năng để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.
Gốc rễ Kitô giáo của phương Tây và Nga
Toloraia: Phương Tây với nền dân chủ tự do của nó là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử thế giới, dường như họ không đi chệch con đường chính mình đã vạch ra.
Tôi cho rằng sự xuất hiện ở châu Âu của thời trung cổ một xã hội mà trong đó con người đóng vai trò trung tâm, và bằng cuộc sống hạnh phúc, xã hội đó đã thay đổi toàn bộ số phận của nền văn minh nhân loại.
Nếu chúng ta nói về các đặc điểm của tinh thần phương Đông (chúng ta đang nói chủ yếu về Đông Á), thì trong đó bao gồm việc đặt quyền lợi nhà nước lên trên lợi ích cá nhân, sự phân cấp thứ bậc trong quan hệ xã hội hết sức chặt chẽ và uy quyền tuyệt đối thuộc về những bậc cao niên và có địa vị cao trong xã hội, tính mục đích và kỷ luật.
Trong tất cả các xã hội này, người ta rất ít chú trọng đến các vấn đề về tâm linh (theo quan niệm châu Âu) – tôn giáo là một tổ chức xã hội chứ không phải là một phương tiện để tự nhận dạng.
Hầu hết người châu Á trong sự hiểu biết của chúng ta (người Nga và châu Âu) là những người vô thần: họ thường quan tâm hơn đến các vấn đề cuộc sống và cái chết, chú ý đến việc thờ cúng tổ tiên hơn là sự cứu rỗi linh hồn mình.
Các xã hội châu Á đặc trưng bởi một xu hướng nhắm tới những công việc lao động đơn điệu kéo dài, thiếu sáng tạo. Điều thú vị là ngày nay nhiều công ty châu Á thường thuê các chuyên gia Nga và Mỹ vào các vị trí công việc đòi hỏi sự tiếp cận sáng tạo.
Các chuyên gia này sáng chế ra những sản phẩm mới, còn những người dân bản địa với sự kiên trì như bầy kiến sẽ đưa những ý tưởng của mình vào cuộc sống.
Andreev: Tất nhiên, xã hội chúng ta khác biệt rất nhiều so với những dân tộc thấm nhuần tinh thần tập thể theo kiểu Nho giáo như đã mô tả ở trên, và ở đây đức tin đóng vai trò chính.
Kitô giáo là tôn giáo duy nhất trên thế giới phải đối mặt trực tiếp với nhân cách của con người, đối diện với đặc tính của cá thể con người.
Bất kỳ một tín đồ Kitô giáo nào trong suốt cuộc đời chỉ quyết định mỗi vấn đề cứu rỗi cá nhân mình, và cái gốc ban đầu này đã trở thành cơ sở của tất cả nền văn minh Kitô giáo.
Ảnh: David W Cerny / Reuters
Điều này được thể hiện rõ nhất ở phương Tây, xã hội được xây dựng cơ bản trên ý tưởng của các quy tắc và chuẩn mực cùng tồn tại của hàng triệu cá thể.
Nếu chúng ta nói về các giá trị tự do của phương Tây, thì đó là sản phẩm của một sự phát triển lịch sử lâu dài, và bắt nguồn từ di sản Kitô giáo chung của chúng ta.
Về thực chất thì những giá trị này rất đơn giản và thực tế chúng dần dần hình thành và là kết quả của sự thỏa hiệp xã hội trải qua nhiều đau khổ trong quá trình đấu tranh ác liệt trong nhiều thế kỷ.
Việc tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật, ưu tiên cho giáo dục, tính tự quản và dân chủ – chính là những giá trị bất biến mà hiện thời phương Tây chưa đạt ngay được, nhưng chính những giá trị đó đã hình thành nên một phương Tây với diện mạo như ngày nay.
Đối với nước Nga, tất cả những điều nêu trên cho đến giờ vẫn chủ yếu là những điều kỳ lạ: Bản thân nước Nga cũng chưa xác định được có nên tiếp thu những giá trị này không. Chúng ta (Những người Nga) cần phải nhận ra những gì giống nhau và khác nhau so với phương Tây lịch sử, mà chúng ta cùng có chung nguồn gốc Kitô giáo.
Trenin: Chắc chắn là như vậy. Nga là một đất nước có nền văn hóa châu Âu. Quyết định chĩa mũi tên định hướng chính sách đối ngoại của mình sang Đông hay sang Tây, nước Nga không bao giờ thay đổi bản sắc của nó: Đây là vấn đề quan hệ với các nước láng giềng, chứ không phải là hình ảnh bản thân.
Câu hỏi “Chúng ta là ai?” đã có câu trả lời trong một thời gian dài: Nga là một đất nước có truyền thống văn hóa Đông Âu (nhưng không phải phương Tây).
Và mặc dù chúng ta có các yếu tố của các nền văn hóa và truyền thống khác, tất cả đều từ lâu đời và tự nguyện trở thành một phần của nền văn hóa thống trị Nga.