Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNỗi vất vả của ông Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam

Nỗi vất vả của ông Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam

Tiếp sau vụ nhà máy giấy Lee&Man, Bộ trưởng Bộ TN&MT lại vừa phải chỉ đạo xử lý vụ Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường có hành vi “giết” sông Cẩm Đàn, Bắc Giang mà báo chí đang phản ánh…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam ngày 6/7 đã có Văn bản hỏa tốc số 2707/BTNMT-VP truyền đạt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về việc xử lý thông tin báo chí nêu.

Theo đó, trong ngày 06/7/2016, một số cơ quan báo chí đã có bài phản ánh thông tin về việc “Sơn Động – Bắc Giang: Ai cứu sông Cẩm Đàn?”. Nội dung các bài báo phản ánh việc Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường có trụ sở tại xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang nhiều lần bị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang lập biên bản, ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng vì hành vi xả trực tiếp nước thải không qua xử lý ra sông Cẩm Đàn. Tuy nhiên, Công ty Á Cường không những không chấp hành mà vẫn tiếp tục xả thải thẳng ra sông Cẩm Đàn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho dòng sông này.

Về việc này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo: Thứ nhất, giao Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Cảnh sát môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang… tổ chức kiểm tra toàn diện việc thực hiện, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về khoáng sản của Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường.

Bộ trưởng yêu cầu, căn cứ vào kết quả kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, môi trường bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng như báo chí phản ánh, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp: đình chỉ hoạt động; thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép xả nước thải; buộc khắc phục hậu quả… Bộ trưởng yêu cầu báo cáo kết quả kiểm tra sự việc trước ngày 20/7/2016.

Ngay trước đó ít ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đã phải giao Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang, Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Hậu Giang và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, xem xét và đánh giá việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Giấy Lee&Man. Đây là một công ty có 100% vốn của Đài Loan (Trung Quốc).

Đặc biệt nhất phải kể đến vụ cá chết hàng loạt bất thường ở miền Trung, bắt đầu xảy ra từ ngày 6/4/2016 tại tỉnh Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại các tỉnh: Quảng Bình ngày 10/4, Thừa Thiên – Huế ngày 15/4 và Quảng Trị ngày 16/4 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến tận ngày 4/5 và đỉnh điểm là việc báo chí đưa tin về một đường ống nghi là hệ thống xả thải từ dự án Formosa (của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh) đổ thẳng xuống đáy biển Vũng Áng.

Tiếp theo đó mới là quá trình vào cuộc của Bộ Tài nguyên và Môi trường với 84 ngày “cực kỳ căng thẳng” của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Như vậy, cả 3 vụ việc mà dư luận biết đến sự có mặt và hành động “quyết liệt” của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kể từ khi ông nhậm chức đều do báo chí phát hiện và lên tiếng trước. Trong khi đó, thời gian qua, dư luận hầu như không được biết đến những vụ việc vi phạm môi trường nghiêm trọng được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động kiểm tra, phát hiện và đưa ra công khai trước công luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới