Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngGiải pháp nào cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (Kỳ...

Giải pháp nào cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (Kỳ III)

Tất cả các giải pháp cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đều lâm vào bế tắc vì chủ trương cứng rắn, vô lý và lòng tham của Trung Quốc

Trung Quốc và tham vọng độc chiếm Biển Đông

Thứ năm, các nước lớn có lợi ích ở Biển Đông chưa thực sự có các hành động cụ thể góp phần giải quyết tranh chấp. Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… mới chỉ đưa ra các cam kết đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, hỗ trợ các nước ven Biển Đông tăng cường năng lực quốc phòng, kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hoạt động leo thang căng thẳng và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Những hành động trên là đáng quý, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở khu vực, song chưa đủ để thúc đẩy Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán đa phương, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Thứ sáu, bản thân các quy định trong luật quốc tế chưa được hoàn thiện, còn sơ hở. Việc Trung Quốc bảo lưu Điều 298 UNCLOS về ngoại lệ của thủ tục giải quyết tranh chấp và các bên liên quan khác cũng chưa ký điều ước quốc tế có quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại ICJ[1]khiến việc giải quyết tranh chấp chủ quyền, phân định biển, hoạt động quân sự ở Biển Đông lâm vào bế tắc. Việt Nam cũng như các nước có tranh chấp hiện khó có thể khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế[2] để yêu cầu giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi đó, các biện pháp phi tài phán khác ngoài đàm phán như thương lượng; môi giới, trung gian, hòa giải; ủy ban điều tra và ủy ban hòa giải quốc tế; trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và biện pháp ngoại giao công chúng cũng là những biện pháp quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp, song chỉ là một trong các biện pháp bổ trợ cho biện pháp đàm phán.

Ngoài ra, còn một số yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông như: Sự thay đổi trong tính toán của một số nước về lợi ích chiến lược của các bên và cán cân sức mạnh giữa các quốc gia; các nước liên quan tranh chấp đều cho rằng. Mình có chủ quyền không thể tranh cãi và có đầy đủ cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các tranh chấp ở Biển Đông; sự cạnh tranh ảnh hưởng và tập hợp lực lượng giữa các nước lớn.

5. Để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, các bên liên quan cần thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp.

Trước hết, các bên liên quan tranh chấp cần tuân thủ các nguyên tắc nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS cùng các văn kiện, tuyên bố khác trong quan hệ giữa các quốc gia; tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán giữa các bên trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; kiềm chế khi thực hiện các hành vi có thể gây phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình ổn định, kể cả việc không đưa người đến ở trên những đảo, đá, bãi ngầm chưa có người ở.

Thứ hai, các bên liên quan cần đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa thông qua các hoạt động chung, như: nghiên cứu đại dương, hợp tác nghề cá, bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống cướp biển, chống khủng bố, tuần tra chung, tập trận chung; nghiêm cấm các hành động làm gia tăng xung đột, tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, tranh chấp Biển Đông là vấn đề lâu dài, phức tạp, các bên liên quan không được chủ quan, nóng vội trong đàm phán phân định biển để có thể tận dụng mọi khả năng cũng như cơ hội mà mình có được.

Thứ ba, cần thúc đẩy xây dựng COC: Xây dựng COC là việc làm cấp thiết, đem lại lợi ích không chỉ cho ASEAN và Trung Quốc mà cho tất cả các nước ở trong và ngoài khu vực. Tuy COC không thể là phương tiện để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ hay phân định biển ở Biển Đông, nhưng COC sẽ tiếp tục là một công cụ xây dựng lòng tin nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và khuyến khích hợp tác sử dụng, quản lý Biển Đông một cách hòa bình, tối ưu trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; các biện pháp thực hiện trong khuôn khổ COC sẽ không gây phương hại đến quá trình giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và vùng biển. Các bên tham gia ký kết COC phải bao gồm toàn bộ thành viên của ASEAN và Trung Quốc, có thể xem xét việc tham gia của các nước có lợi ích liên quan và COC phải là văn bản pháp lý tạo khuôn mẫu cho quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan trong bối cảnh ở Biển Đông đang tồn tại nhiều tranh chấp do lịch sử để lại và nhu cầu sử dụng biển của các quốc gia trong khu vực và quốc tế đang tăng lên; phát huy được vai trò chủ đạo của ASEAN trong vấn đề an ninh ở Biển Đông. Nội dung của COC và việc triển khai thực hiện COC phải tuân thủ nguyên tắc của UNCLOS, Hiệp ước thân thiện và hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á (TAC), SEANWFZ, 5 nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, kế thừa các quy định trong DOC và Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC, các nguyên tắc phổ biến của luật quốc tế đã được thừa nhận; phải thiết lập các nguyên tắc chung về việc không sử dụng bạo lực, tránh đe dọa, ngăn ngừa xung đột, đồng thời giúp giải quyết những va chạm trên biển xung quanh việc khai thác và đánh bắt cá, đảm bảo an toàn trên biển. Phạm vi áp dụng của COC phải được xác định rõ bao gồm tất cả các đảo và vùng nước bên ngoài ranh giới 200 hải lý tính từ đường cơ sở, lãnh hải của các quốc gia ven biển và các đảo ở Biển Đông. Cần phân định rõ khu vực tranh chấp và không tranh chấp, xác định rõ những hoạt động được phép và không được phép thực hiện tại khu vực tranh chấp; đặc biệt là tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển, quyền tự do và an ninh hàng hải, an ninh hàng không tại Biển Đông phù hợp với quy định của UNCLOS.

Thứ tư, các nước cần có tinh thần thượng tôn pháp luật, cân nhắc lợi ích giữa các bên để có thể đem đến một sự công bằng tương đối cũng như bảo vệ được lợi ích hợp pháp của nước mình; chủ động tiến hành đàm phán song phương nếu là tranh chấp giữa hai nước và đàm phán đa phương nếu là tranh chấp có liên quan đến lợi ích của các bên liên quan; việc đàm phán cần được tiến hành hết sức linh hoạt dựa trên điều kiện thực tế của việc giải quyết tranh chấp, không nên giữ quan điểm cứng nhắc; vận dụng và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ việc phân định biển của các nước khác, cần nhận rõ những thách thức, nắm bắt đúng thời cơ để vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh thực tại.

Thứ năm, các bên liên quan cần thường xuyên tổ chức các cuộc gặp, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, tăng cường mối quan hệ và hiểu biết lẫn nhau để có thể thông cảm và tạo điều kiện thuận lợi cùng nhau đi đến thống nhất chung; cần thỏa thuận các điều khoản là chế tài ràng buộc nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia ký kết.

Thứ sáu, Trung Quốc cần từ bỏ chủ trương vô lý và chấm dứt các hoạt động làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc các quy định của luật pháp quốc tế cũng như các tuyên bố, hiệp định ký kết với các nước liên quan. Trong đó, Trung Quốc phải từ bỏ ngay chủ trương về việc chỉ tiến hành đàm phán song phương trực tiếp với từng nước liên quan; Trung Quốc phải thừa nhận việc chiếm đóng phi pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, từ đó tiến hành đàm phán với Việt Nam để giải quyết tranh chấp.

Thứ bảy, các nước ASEAN cần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ khối trước khi tiến hành đàm phán với Trung Quốc để có lập trường thống nhất, đủ nặng buộc Trung Quốc phải tuân thủ các hiệp định, tuyên bố đã ký kết với ASEAN, trong đó có DOC và TAC; nhanh chóng thúc đẩy việc đàm phán, ký kết COC mang tính ràng buộc pháp lý nhằm góp phần giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Thứ tám, các nước lớn có lợi ích ở Biển Đông cần tích cực can thiệp sâu hơn vào tranh chấp Biển Đông, có các biện pháp cụ thể kiềm chế các hoạt động phi pháp của Trung Quốc nhằm làm thay đổi nguyên trạng ở Trường Sa và buộc Trung Quốc phải tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế.

Kết luận:

Việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sẽ diễn ra ngày càng quyết liệt, liên tục và lâu dài, do tính chất phức tạp và nhạy cảm của các tranh chấp này đã tác động trực tiếp đến sự ổn định chính trị trong khu vực và quốc tế. Để giải quyết được tranh chấp Biển Đông, điểm mấu chốt vẫn là ý chí trí chính trị và quyết tâm của lãnh đạo các nước liên quan, chỉ khi tất cả các nước cùng đồng thuận quan điểm, cách tiếp cận vấn đề thì mới tìm ra được biện pháp giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn và tranh chấp ở Biển Đông. Tất cả các bên liên quan cần nghiêm túc thực thiện các Hiệp định, Thỏa thuận song phương và đa phương đã ký kết, trong đó có UNCLOS và DOC nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông; không tiến hành các hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa các đảo, đá, bãi nửa nổi nửa chìm ở Biển Đông. Đặc biệt là Trung Quốc, nước lớn có trách nhiệm trên thế giới và là láng giềng hữu nghị với các nước ASEAN, cần thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình, đi tiên phong trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, từ bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý, nghiêm túc thực thi DOC, UNCLOS và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán song phương ở Hoàng Sa, đa phương ở Trường Sa hoặc thông qua cơ chế tài phán quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới