“Không chỉ lấy đi những khách hàng quen của Việt Nam, Myanmar còn lấn sang nhiều thị trường lớn, sẵn sàng trở thành số 1 về xuất khẩu gạo”.
Đó là khẳng định chắc chắn của GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực trồng lúa với báo Đất Việt, khi nói về chiến lược lấy lại vị thế xuất khẩu gạo của Myanmar.
Đường đi bài bản của Myanmar
PV:- Thưa ông, Myanmar đang cố gắng lấy lại vị thế của nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Tập đoàn nông nghiệp chính phủ Myanmar (MAPCO) hiện đi đầu trong các nỗ lực cải tổ ngành nông nghiệp nước này.
Cụ thể, MAPCO đã lên kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy xay xát gạo tập trung để cải thiện chất lượng gạo. Đồng thời, tập đoàn này cho nông dân thuê nhiều máy nông nghiệp với mức phí ưu đãi chỉ từ 8,5 đến 38 USD/tháng tùy loại máy để giúp nông dân nâng cao năng suất.
Đồng thời, xây dựng hệ thống đường xe lửa mới để vận chuyển gạo tại thủ đô Naypyitaw. Là một chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu cũng những cách thức hành động của Myanmar? Với những bước đi như vậy, ông đánh giá như thế nào về khả năng thành công của họ?
GS.TS Võ Tòng Xuân: – Myanmar có diện tích đất gấp 3 lần Việt Nam, chất lượng lại tốt hơn Việt Nam, có hệ thống sông ngòi để cung cấp thủy lợi rất tốt. Cùng với đó là chi phí giá nhân công cũng như đầu vào cho nông nghiệp ít hơn nên sản phẩm cạnh tranh.
Hiện nay, phần lớn nông dân Myanmar đều trồng giống lúa mùa, tức là lúa chất lượng cao, giống như bên Thái Lan, Campuchia, năng suất thấp nhưng giá thành cao.
Quy trình để dành vị trí hàng đầu trong xuất khẩu gạo của Myanmar rất bài bản, đầu tiên, họ chọn lọc những giống lúa tốt nhất, có thể cạnh tranh được với gạo Thái Lan, Campuchia, rồi sau đó, họ sản xuất giống.
Tôi biết, hiện nay họ đang tuyển chọn lại 3 giống lúa có chất lượng của Thái Lan, Campuchia, tất cả đều là giống lúa mùa, dài ngày, ngon cơm, năng suất thấp khoảng 3 tấn, nhưng khi trồng loại lúa này thì ít phải cạnh tranh. Chính vì thế, họ hơn Việt Nam ở chỗ lúa sạch, ngon, năng suất thấp hơn, nhưng hiệu quả cao.
Còn Việt Nam năng suất 5-6 tấn, nhưng chất lượng không ngon, nên giá bán thấp. Sau khi chọn được giống họ bắt đầu lo đến việc hỗ trợ cho người nông dân tiếp cận với công nghệ, sử dụng máy móc cải tiến, hạn chế sức người, nâng cao năng suất.
Cuối cùng là công nghệ hỗ trợ sau thu hoạch, đó là tập trung xây dựng hệ thống các nhà máy xay xát tại từng vùng. Myanmar đang đi đúng quy trình làm thương hiệu gạo ngon.
Bên cạnh đó, Myanmar có lợi thế hơn Việt Nam về nguồn nước, vì không bị ảnh hưởng bởi đập thủy điện của Trung Quốc, cũng như chuyển dòng nước của Thái Lan như Việt Nam.
Nước ta chỉ hơn về giống lúa cao sản, rẻ tiền, nhưng tới giống chất lượng cao như của Thái Lan, Myanmar, Campuchia chúng ta không làm được, vì nông dân không thích trồng giống năng suất 3 tấn, mất 150 ngày, chỉ thích trồng giống năng suất 5-6 tấn, 95 ngày. Do đó, chất lượng gạo Việt Nam không thể nào bằng 3 nước còn lại.
Với hướng đi trên, chắc chắn gạo Myanmar sẽ là số 1 thế giới, vượt qua cả Thái Lan. Tức là họ không làm ồ ạt mà làm gạo có thương hiệu và giá trị cao. Không như Việt Nam làm ra gạo chất lượng thấp, khối lượng cao mà giá trị không đáng là bao nhiêu.
Khi Myanmar bước vào thị trường chắc chắn sẽ lấy đi một số khách hàng của Thái Lan và Việt Nam. Về lâu dài, Myanmar có tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu vì đất đai màu mỡ và chưa được khai thác hết và họ đủ khả năng nâng cao chất lượng để sản xuất gạo cấp cao.
Hiện nay, Myanmar đang mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, nhất là Liên minh châu Âu (EU), bên cạnh đó là kế hoạch tới Kuwait, các nước Trung Đông và châu Phi.
Tiếp theo sẽ là Úc, Ukraine, Bangladesh, Nam Phi, Ấn Độ, Singapore và Malaysia.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Myanmar có tiềm năng để trở thành một “mặt trận” phát triển kinh tế mới ở châu Á nếu tận dụng được các tiềm lực về tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động trẻ và sự gần gũi với hai quốc gia tiêu thụ hàng hóa hàng đầu là Trung Quốc cùng Ấn Độ.
PV:- Trên thực tế, những bước đi như trên cũng được các chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo gợi ý cho Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng, thay đổi thói quen mua rẻ bán rẻ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn gần như dậm chân tại chỗ. Thưa ông, có thể lý giải điều này như thế nào? Liệu có phải Việt Nam đang quá tự tin về ưu thế sản lượng gạo nên vẫn chưa có những thay đổi cần thiết hay không?
GS.TS Võ Tòng Xuân: – Điều này không quá khó hiểu, thứ nhất, là do nông dân chúng ta lỡ theo tập quán năng suất cao, ngắn ngày, mà không để ý tới vấn đề chất lượng. Thứ hai, sản xuất buôn bán chộp giật như chúng ta, tất cả thân ai nấy làm, chất lượng không được kiểm soát. Trong khi, các nước khác chất lượng gạo được kiểm soát bởi nhà nước, không đúng loại gạo thì không được xuất.
Nói như vậy, không phải nhà nước chúng ta không có tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng, chúng ta có nhưng việc thi hành tiêu chuẩn lại được buông lỏng. Chúng ta chạy theo năng suất cao, nên bón phân, sử dụng thuốc trừ sâu nhiều, còn họ bón ít hoặc hạn chế, do đó, gạo của họ sạch.
Chính vì thế, gạo của họ có thể dễ dàng đi vào các thị trường khó tính như Mỹ, các nước EU, còn Việt Nam thì vẫn dậm chân tại chỗ với các thị trường quen thuộc, thậm chí thất thế ngay tại các thị trường quen thuộc. Ngay như bây giờ những người Việt Nam có điều kiện khá giả cũng mua gạo Thái Lan về ăn là chính.
Xảy ra việc này là do những người xuất khẩu gạo của chúng ta như Vinafood chỉ lo xuất khẩu chất lượng thấp, giá thành cao, sản lượng cao. Mua thì mua gạo của thương lái là phần lớn, không truy được nguồn gốc, thành ra trong gạo xuất đi bị kém thương hiệu, một số công ty nhỏ có thương hiệu nhưng không được xuất khẩu.
Đây là những việc tôi đã nói từ rất lâu rồi nhưng không thực hiện được, tại vì chính nhà nước buông lỏng, ai muốn làm gì thì làm, muốn trồng gì thì trồng, không kiểm soát chất lượng, nên không đi vào khuôn khổ nông nghiệp công nghệ cao được.
Bây giờ, tôi chắc chắn chúng ta không còn dám tự tin, nhưng sửa lại thì còn nhiều lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm chi phối, nên ít có thể bỏ được hình thức như hiện nay. Tư duy “bỏ ra là mất ăn”, tự sắp xếp là không được vì đụng đến lợi ích nhóm.
Phải giảm bớt sự phụ thuộc
PV:- Hiện Myanmar có hai loại gạo thơm là Lone Thwal Hmwe và Paw San. Trong số này Paw San được đánh giá là loại gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị Lúa gạo Thế giới diễn ra năm 2011 và giá xuất khẩu khoảng 900 USD/tấn. Với những biện pháp như trên, việc nâng cao sản lượng, vượt mặt Việt Nam trong chính ưu thế của Việt Nam có quá khó không? Xin ông phân tích cụ thể?
GS.TS Võ Tòng Xuân: – Không chỉ lấy đi những khách hàng quen của Việt Nam, Myanmar còn lấn sang nhiều thị trường lớn. Từ những thị trường xuất khẩu gạo chủ lực từ năm 2012 đến nay của Việt Nam là Trung Quốc, chiếm tới 1/3 lượng gạo xuất khẩu. Nhưng với sức mạnh của mình, Myanmar đang làm thị phần gạo xuất khẩu của Việt Nam, Pakistan, Thái Lan tại Trung Quốc hẹp dần.
Kèm theo đó, nếu quá trình cải cách tiếp tục phát triển thuận lợi, Myanmar có nhiều khả năng trở thành đối thủ mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gạo ở tương lai không xa, đây là việc không hề khó.
Không giống các nước khác trong khu vực hay bị thiên tai tàn phá, điều kiện thiên nhiên ở Myanmar rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Đất nước này có 19,39 triệu hecta đất nông nghiệp màu mỡ, có thể trồng hơn 60 loại cây nông nghiệp khác nhau.
Đặc biệt, họ vẫn lấy nông nghiệp làm nền tảng để phát triển các ngành kinh tế khác, nên luôn có nhiều chính sách để thúc đẩy lĩnh vực này.
Trong khi họ tăng dần về sản lượng xuất khẩu, thì theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu của cả nước trong 10 tháng năm 2015 đạt 5,038 triệu tấn gạo, giảm gần 6% về lượng và giảm bình quân 24,03 USD/tấn về giá so với cùng kỳ năm trước.
Để thấy, dù là nước có ưu thế phát triển và xuất khẩu gạo đứng đầu châu Á trước đây, nhưng chúng ta càng làm nhiều thì càng lỗ nhiều, vì người nông dân làm không có lời, chỉ có mấy công ty lương thực có lợi, vì bán giá quá rẻ.
Tôi chắc chắn, Myanmar sớm muộn cũng vượt Việt Nam vì họ hội tụ quá nhiều những lợi thế, vì giống lúa tốt, đầy đủ điều kiện để có sản lượng cao. Họ đang bán 900USD/tấn, còn Việt Nam thì chỉ có 400USD/tấn, lại còn bị các thị trường ép giá rất nhiều.
PV:- Nếu mất thị trường xuất khẩu lúa gạo, Việt Nam sẽ chỉ còn lựa chọn gì? Điều này sẽ tác động như thế nào tới nền nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
GS.TS Võ Tòng Xuân: – Sản xuất lúa gạo của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có sự cải thiện mạnh về năng suất. Chỉ cần vài ba năm liên tiếp giá lúa suy giảm thì diện tích sẽ giảm rất nhanh và sau đó sẽ rất khó hồi phục.
Vấn đề Việt Nam phải đối mặt sau 15 năm nữa không phải là xuất khẩu bao nhiêu gạo mà có bao nhiêu gạo để dự trữ, đảm bảo cho trên 100 triệu dân trong tình hình biến đổi khí hậu và tác động của các con đập trên thượng nguồn ĐBSCL. Xuất khẩu vào lúc đó có thể chỉ còn là câu chuyện thứ yếu.
Khi đó, mục tiêu “nông nghiệp Việt Nam phải hướng đến sự phát triển bền vững hơn, lấy chất lượng để thay số lượng” và cách thức thực hiện “giảm bớt sự phụ thuộc vào tài nguyên như đất, nước, chuyển sang tăng cường chất xám, năng lực quản lý, thay đổi chính sách dành cho nông nghiệp.
Phải xóa bỏ sự phụ thuộc vào thiên nhiên, ở Miền Bắc trồng lúa phải chiến đấu chống 4 kẻ thù, Xuân – Hạ – Thu – Đông, 4 mùa đều chống, mùa Đông lo chống rét, mùa Hè chống hạn hán, mùa Thu thì chống úng, cả năm phải chống.
Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược phát triển các loại gạo đặc sản thế mạnh để tạo phân khúc thị trường có lợi cho mình. Chất lượng gạo phải là yếu tố chính để mở rộng xuất khẩu vào thị trường mới và thị trường khó tính.
Cùng với đó, cần phát huy thế mạnh của mình về cây ăn trái có thế mạnh, tổ chức một cách khoa học việc sản xuất tôm hoặc nuôi cá nước lợ, nước mặn.
Như miền Bắc thì có thể tận dụng không khí lạnh trồng các loại cây như khoai tây, khoai lang. Vì các nước kia đến tháng 2 là hết, khi đó chúng ta mới thu hoạch. Vải thiều, khoai tây, rau hoa vụ đông miền Bắc làm tốt, các doanh nghiệp đi mở thị trường bán thì chắc chắn sẽ giàu hơn miền Nam, vì đây là sản phẩm cao cấp.
Chỉ vì đầu óc của những nhà quản lý không dám đột phá, không nghĩ như thế sẽ làm giàu, chuyển hết qua diện tích lúa, nên nền nông nghiệp mãi dậm chân tại một điểm. Vì hiện nay gạo xuất khẩu giá rẻ, nên không cần phải thiết tha ngôi vị xuất khẩu gạo vì nếu không thay đổi thì sẽ không bao giờ làm được.
Hay dọc biển từ miền Trung trở vào, chúng ta vẫn đang tận dụng nuôi tôm, hiện nay chúng ta nuôi không có khoa học, nên mới thất bại, khi có tổ chức đứng ra hỗ trợ về cơ sở hạ tầng thì sẽ có vùng rất giàu vì tôm. Trên thế giới ai cũng ăn tôm mà chúng ta có lợi thế là có nước mặn.
Chỉ là, chúng ta đang thiếu các nhà doanh nghiệp biết xông xáo trong thế giới hội nhập, đi mở thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp.
Phải để nông dân chuyển từ cách làm ăn theo cổ truyền, nghèo nàn sang cách làm ăn theo kiểu nhà giàu, nó là một sự đổi đời, khi đó mới có thể thực sự thoát nghèo. Nếu không thay đổi thì sau 40 năm chúng ta vẫn sẽ mãi là nước nghèo, mãi mãi chúng ta đi sau các quốc gia khác cùng khu vực.
– Xin cảm ơn GS.TS đã chia sẻ với Đất Việt!