Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrật tự châu Á và kịch bản nguy hiểm từ Trung Quốc

Trật tự châu Á và kịch bản nguy hiểm từ Trung Quốc

Nhiều kịch bản về phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết của Tòa trọng tài liên quan đến vụ Philippines kiện Bắc Kinh được các chuyên gia đưa ra.

Nhiều kịch bản vụ Philippines kiện Trung Quốc sau phán quyết PCA được đưa ra.

Thử nghiệm mới với trật tự ở châu Á sau PCA

Ngày 10/7, The Straits Times dẫn lời Giáo sư Hugh White từ Đại học Quốc gia Australia nhận định, phán quyết của PCA ngày 12/7 về vụ Philippines kiện Trung Quốc sẽ là một thử nghiệm cho tất cả mọi người.

“Nó kiểm tra sự sẵn sàng của Trung Quốc hòng thách thức trật tự đã xác lập ở châu Á, sự sẵn sàng của Hoa Kỳ chống lại các thách thức đó, và sự tự nguyện của các thành viên ASEAN đứng lên chống lại sự phiêu lưu của Trung Quốc và ủng hộ Mỹ. Do đó căng thẳng sẽ gia tăng ở châu Á”, ông Hugh White nhấn mạnh.

Theo vị Giáo sư, căng thẳng sẽ gia tăng trên Biển Đông như thế nào phụ thuộc vào cách Trung Quốc phản ứng với phán quyết của PCA.

Bắc Kinh có thể leo thang manh động bằng cách xây dựng đảo nhân tạo ở Scarborough, hoặc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

“Nếu Trung Quốc hành động như vậy, căng thẳng sẽ leo thang rất nhanh và rất nguy hiểm giữa nước này với Hoa Kỳ”,vị Giáo sư nhận định.

Bên cạnh đó, Giáo sư Hugh White cũng khẳng định, rất khó giảm căng thẳng trên Biển Đông vì toàn bộ vấn đề này đã bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh sâu sắc hơn giữa Bắc Kinh và Washington về việc ai sẽ là đại diện chính ở châu Á trong những thập kỷ tới.

Phản ứng Trung Quốc sau phán quyết PCA

Trước thời hạn ngày 12/7, giới chuyên gia đều dự đoán Tòa trọng tài thường trực sẽ ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông của Philippines. Nhiều kịch bản về phản ứng của Bắc Kinh đã được đưa ra.

Chuyên gia Harry Kazianis, thuộc Trung tâm vì lợi ích quốc gia (Mỹ) đã đưa ra các khả năng Trung Quốc có thể chọn sau phán quyết của PCA về đường 9 đoạn vô căn cứ của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Đầu tiên, Trung Quốc sẽ im lặng phớt lờ phán quyết và ra tuyên bố rằng Biển Đông là vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Nếu lựa chọn cách này, Bắc Kinh có thể ngoài miệng tỏ ra tức giận với phán quyết nhưng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phi pháp.

Lựa chọn thứ hai có khả năng xảy ra cao nhất theo vị chuyên gia đó là Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận diện phòng không ADIZ trên Biển Đông.

Trung Quốc đã bắn tín hiệu thiết lập ADIZ từ nhiều tháng trước nhưng các quan chức nước này trong những tuyên bố chính thức đều nói rằng Bắc Kinh không có kế hoạch lập ADIZ và điều này còn phụ thuộc vào tình hình trên Biển Đông. Tuy nhiên phán quyết bất lợi từ PCA có thể là cơ sở để Trung Quốc thay đổi ý định.

Dù rằng Trung Quốc có thể không có khả năng lập một vùng ADIZ đầy đủ, tương tự như ở biển Hoa Đông, nhưng động thái này vẫn đủ thổi bùng căng thẳng tại Biển Đông và gây ra một cuộc khủng hoảng khu vực lôi kéo tất cả các bên vào cuộc. Trong trường hợp đó, Mỹ có thể phản ứng mạnh thay vì chỉ gửi một vài máy bay B-52.

Trong khi đó,  tờ The National Interest (TNI) của Mỹ đưa ra một giả thiết khác, đó là Trung Quốc sẽ tìm cách gây sự ở tất cả các điểm nóng ở châu Á.

TNI cho rằng, đây là một khả năng khác có thể xảy ra sau phán quyết của PCA sắp tới. Nếu cảm thấy AIDZ là chưa đủ, Bắc Kinh có thể đẩy vấn đề tới mức một dạng xung đột bằng cách gây sức ép tại tất cả các điểm nóng ở châu Á. Mục tiêu là nhằm chuyển trọng tâm chú ý ra khỏi Biển Đông.

Trung Quốc có thể tăng mạnh các cuộc tuần tra trên không và trên biển ở biển Hoa Đông nhằm chọc giận Nhật Bản. Hơn nữa, Bắc Kinh sẽ bắt đầu khai thác dầu và khí đốt tự nhiên ở khu vực này.

Trung Quốc cũng có thể sẽ cứng rắn hơn với Đài Loan bằng việc đưa ra hàng loạt quyết định như giảm mạnh lượng khách du lịch, giao dịch thương mai và đầu tư vào Đài Loan. Đây là những lĩnh vực mà hòn đảo tự trị này đang rất phụ thuộc vào Trung Quốc đại lục.

Theo TNI, ông Tập Cận Bình nắm trong tay rất nhiều “quân bài” để gây khó dễ cho Đài Loan. Đó cũng là một lợi thế lớn để Bắc Kinh chuyển trọng tâm chú ý khỏi Biển Đông.

Một khả năng nguy hiểm khác được giới phân tích chỉ ra là Bắc Kinh sẽ chiếm Bãi cạn Scarborough. Đây là hành động chứa nhiều rủi ro và tranh cãi nhất. Mỹ đã nhiều lần phát tín hiệu cho biết sẽ không để yên nếu như điều đó xảy ra.

Hôm 16/6, cựu Đô đốc Hải quân Mỹ Dennis Blair cảnh báo, Trung Quốc không nên có bất kì hành động gây hấn nào trên Bãi cạn Scarborough.

Ông còn khẳng định, Trung Quốc sẽ phải đối đầu quân sự với Mỹ nếu tiến hành bồi đắp trên Bãi cạn Scarborough. Theo ông, nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc chắc chắn sẽ thua cuộc.

Theo TNI, sau phán quyết của PCA vào ngày 12/7 tới, châu Á sẽ phải đối mặt với nguy cơ căng thẳng gia tăng nếu Bắc Kinh tiếp tục hành động ngang ngược bất chấp các quy định luật pháp quốc tế.

Một kịch bản khác cũng được đánh giá là ít có khả năng xảy ra hơn cũng được đưa ra, đó là Trung Quốc giả vờ chấp nhận phán quyết của PCA nhưng tiếp tục hành động ngang ngược

Trung Quốc có thể tiếp tục bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông, biến chúng thành các căn cứ quân sự, triển khai các loại vũ khí chống tàu sân bay, các loại máy bay chiến đấu và máy bay ném bom hiện đại, biến Biển Đông thành Khu vực từ chối tiếp cận/Chống thâm nhập (A2 / AD).

 

RELATED ARTICLES

Tin mới