Washington chỉ có một lựa chọn: đứng lên cùng Philippines và đồng minh khu vực để bảo vệ các giá trị phổ quát và niềm tin rằng một nước lớn không có nghĩa sẽ có quyền đứng trên luật pháp.
Tàu tấn công đổ bộ USS Peleliu đi qua Biển Đông.
Trong một bài viết trên tờ National Interest bàn về ý nghĩa của phán quyết PCA hôm 12/7, ông J. Randy Forbes – Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng và Sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về các tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc đã mở ra con đường tươi sáng hơn cho cả khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Vị quan chức này nhấn mạnh, việc làm thế nào để buộc Trung Quốc chấp nhận tuân thủ phán quyết, sẽ là điều kiện giúp xác định được trật tự an ninh châu Á và trật tự quốc tế trong những thập kỷ tới.
Theo ông Randy, kể từ sau Chiến tranh thế giới II, Mỹ và các đối tác toàn cầu của nước này đã nỗ lực củng cố một khuôn khổ quốc tế mà mọi vấn đề tranh chấp được giải quyết hòa bình, tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế, bác bỏ việc sử dụng vũ lực cưỡng chế để nhằm đạt được mục tiêu.
Trật tự này, được tạo ra từ đống tro tàn của hai cuộc chiến tranh thế giới, một trong những yếu tố góp phần mãnh liệt vào sự lớn mạnh của Trung Quốc và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sau này, cũng như góp phần giảm thiểu xung đột giữa các siêu cường trong hơn 70 năm qua.
Mặc dù Trung Quốc liên tục tuyên bố muốn trở thành một “quốc gia có trách nhiệm” trên thế giới nhưng hành vi gần đây của nước này trong khu vực đang được coi là một trong những vấn đề gây căng thẳng lớn trên toàn cầu nhiều năm trở lại đây.
Bắc Kinh nâng tầm ảnh hưởng về mặt kinh tế, mở rộng sức mạnh và khả năng tiếp cận quân sự, nhưng lại khăng khăng cho rằng mình luôn là nạn nhân trong mọi hoàn cảnh và trở thành thách thức lớn trên toàn cầu.
Thách thức này trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong việc phân định tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng. Từ Biển Hoa Đông cho đến Biển Đông, hay tranh chấp biên giới với Ấn Độ, Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch có hệ thống nhằm biến đổi thực tế theo hướng có lợi cho mình thông qua các hành vi cưỡng chế.
Từ việc tăng cường quân sự hóa, xây dựng bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông, tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông hay có động thái khiêu khích ở khu vực Arunachal Pradesh biên giới Ấn Độ, Trung Quốc đang ngang ngược cho cả thế giới thấy triết lý “kẻ mạnh là kẻ đúng” của nước này, ông J. Randy Forbes nhấn mạnh.
Ông Randy Forbes cho rằng phán quyết của PCA là một lời khiển trách cơ bản đến Bắc Kinh, nó không chỉ đơn giản trong việc phơi bày trần trụi những luận điệu sai trái của Trung Quốc mà còn cả cách thức hành xử của nước này.
Quyết định đưa vụ kiện lên tòa án quốc tế của Philippines và phán quyết của Tòa Trọng tài là bước đi phù hợp với các nguyên tắc và giá trị đã được các cường quốc thế giới gây dựng từ thời hậu chiến, theo ông Randy.
Một quốc gia nhỏ đang phát triển như Philippines đã thành công khi dùng pháp luật và các chuẩn mực quốc tế để giành chiến thắng trước một cường quốc lớn như Trung Quốc, một sự phản bác mạnh mẽ đối với câu nói nổi tiếng của cựu Bộ trưởng ngoại giao Dương Khiết Trì của Trung Quốc khi từng tự cao rằng: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác chỉ là nước nhỏ”.
Nếu Trung Quốc lựa chọn chối bỏ phán quyết này, nó cũng đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có thể từ bỏ mọi cam kết của mình trong vai trò một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra điều này cũng sẽ đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đến vị thế của chính Trung Quốc trên thế giới: nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và một quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu đã công khai bác bỏ trật tự quốc tế tự do trong việc hướng tới giải quyết hòa bình trong tranh chấp.
Hậu quả đối với an ninh quốc tế sẽ rất sâu rộng, và phản ứng của Bắc Kinh sẽ được theo dõi chăm chú bởi Tehran và Bình Nhưỡng.
Sau phán quyết, đây là lúc Mỹ khẳng định lại quyết tâm của mình và chuẩn bị cho phản ứng có thể làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc, trong đó có thể tìm kiếm một giải pháp quân sự giúp đỡ Manila. Sự rục rịch tiến vào Biển Đông của hai cụm tàu sân bay chủ lực của Mỹ được coi là một phản ứng thích hợp cho đến lúc này.
Quyết định của tòa án là một bước ngoặt trong kế hoạch trỗi dậy của Trung Quốc ở Biển Đông. Làm nổi bật cho một cuộc đụng độ đáng chú ý nhất kể từ năm 1945 khi không đi theo các chuẩn mực của trật tự quốc tế. Với căng thẳng leo thang từ Trung Quốc, quyết định nào là phù hợp nhất vào lúc này với Mỹ?
Theo ông Randy Forbes, Washington chỉ có một lựa chọn: đứng lên cùng Philippines và đồng minh khu vực để bảo vệ các giá trị phổ quát và niềm tin rằng một nước lớn không có nghĩa sẽ có quyền đứng trên luật pháp.
Tuy vậy ngay sau phán quyết, để bồi đắp cho quan điểm bác bỏ tính pháp lý của Tòa Trọng tài, giới học giả Trung Quốc cũng lên tiếng ám chỉ Mỹ “nấp” sau Philippines, cố tình khuấy động những rắc rối ở Biển Đông chỉ để ngăn chặn Trung Quốc và cải thiện quan hệ quân sự và sự hiện diện ngoại giao trong khu vực.
“Chúng ta có thể thấy rằng Washington một quốc gia chưa bao giờ ký vào Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển đã đứng đằng sau khuyến khích và hỗ trợ Manila thực hiện vụ kiện ngay từ đầu”, Tao Wenzhao, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết và nói thêm rằng các luật sư hàng đầu Manila thuê là công dân Mỹ.
Và nếu tình hình ở Biển Đông ngày càng căng thẳng, Mỹ sẽ có thêm cớ để tăng triển khai quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một phần quan trọng của chính sách tái cân bằng của nước này, ông Tao nói thêm.