Monday, December 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam tính kế huy động 500 tấn vàng trong dân?

Việt Nam tính kế huy động 500 tấn vàng trong dân?

Theo các nhà hoạch định chính sách, cần có những bước xem xét cẩn trọng nhằm hạn chế bớt những rủi ro khi thị trường vàng liên tục biến động.

Lượng vàng do người dân nắm giữ chiếm khoảng 10% GDP. (Ảnh minh họa: KT)

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Xuân Phúc giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu việc huy động vàng và tiền trong dân nhằm tạo nguồn vốn phục vụ tăng tưởng kinh tế quốc gia. Việc thực hiện Đề án này là cần thiết, nhưng theo các nhà hoạch định chính sách cần có những bước xem xét cẩn trọng nhằm hạn chế bớt những rủi ro khi thị trường vàng liên tục biến động. 

Theo ước tính của Hội đồng Vàng Thế giới, hiện có khoảng 350-400 tấn vàng, tương đương 16-18 tỷ USD đang được cất trữ trong dân chưa được đưa vào lưu thông. Nên nếu huy động được nguồn lực này, Chính phủ và doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, ngay sau khi công bố về việc huy động vàng từ người dân đã được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao trong thời điểm hiện nay.

Ông Ngô Trí Long nhận định: Việt Nam nằm trong 10 nước có trữ lượng vàng do người dân nắm giữ lớn và chiếm khoảng 10% GDP của nước ta. Do vậy, để huy động vàng được hiệu quả, cơ quan quản lý cần tính toán hợp lý các phương án huy động cũng như phòng tránh rủi ro từ việc huy động vàng. Đối với người dân, nếu thấy có lợi họ sẽ làm, song bên cạnh đó nhà nước phải đảm bảo sự an toàn đồng thời sử dụng nguồn lực đó vào phát triển kinh tế:

“Muốn thực hiện được đề án này, các chính sách kinh tế phải ổn định, phải kiểm soát được lạm phát và cần lập sàn vàng hoặc sở giao dịch để chống rủi ro. Khi đó nhà nước huy động bằng cách phát hành chứng chỉ vàng để cho người dân mang vàng vật chất đổi chứng chỉ vàng. Khi cần thiết chứng chỉ đó được thanh toán bất kỳ lúc nào. Với quan điểm đó không nên giao cho các Ngân hàng thương mại làm mà Ngân hàng nhà nước phải đứng ra phát hành chứng chỉ”, ông Ngô Trí Long cho biết.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, thời gian qua chúng ta đã thực hiện thành công chống vàng hóa và ổn định thị trường vàng. Do đó, ông Phúc đặt trách nhiệm huy động vàng từ người dân với Ngân hàng nhà nước Việt Nam là hợp lý, bởi Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý thị trường vàng nên sẽ nghiên cứu phân tích được lượng vàng trong người dân nắm giữ là bao nhiêu, làm sao để huy động số vàng đó để có lợi, vì đất nước đang cần mọi nguồn lực để phát triển kinh tế.

Cụ thể là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải có sự phân tích xem trong số lượng dân chúng đang giữ vàng là bao nhiêu? Bao nhiêu % trong đó có thể huy động được, người dân sẵn sàng gửi cho tổ chức trung ương hay tổ chức nào đó để lấy lãi.

“Đây là việc của Ngân hàng Nhà nước phải nghiên cứu, nếu có thì phải nghiên cứu làm sao huy động? ai là người huy động, nhà nước hay ủy nhiệm cho ngân hàng thương mại, cơ sở kinh doanh vàng đá quý? Sau đó ai là người đứng ra chịu trách nhiêm giữ, có phát hành chứng chỉ hay không? Tất cả đều phải tính toán, việc lưu giữ vàng như thế nào, sử dụng như thế nào, tất cả  phải nằm trong đề án chung của Ngân hàng nhà nước về vấn đề huy động vàng trong dân chúng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đặt hàng loạt câu hỏi.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ ý kiến lo lắng về giá vàng, thực tế cho thấy, giá vàng thế giới luôn biến động, vàng cũng luôn gây áp lực lên việc điều hành tỷ giá.

Mới đây nhất là sự kiện nước Anh rời EU, giá vàng trong nước tăng theo giá thế giới và nhanh chóng gần đạt mốc 40 triệu đồng/lượng, tăng gần 3 triệu so với trước đó. Vậy, bài toán đặt ra nếu người dân rút cùng lúc khi giá vàng tăng sẽ gây nên hệ quả khó lường với Ngân hàng nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Bộ Tài chính) lại có ý kiến cho biết không thấy khả thi trong đề án này. Bởi lẽ người dân có thói quen giữ vàng từ lâu nên không dễ gì từ bỏ trong ngày một ngày hai.

“Thực tế trong những năm vừa qua cho thấy, trong khoảng thời gian 5 – 7 năm giá vàng có thể tăng gấp đôi nên việc vay vàng không lợi bằng ngoại tệ  hay tiền VNĐ. Một vấn đề nữa là nhà nước vay vàng của dân sẽ dẫn đến phải trả lãi suất, khi đó vàng sẽ càng làm tăng tính hấp dẫn trong dân và khi đó nhiều người sẽ tích trữ vàng và làm cho tình trạng vàng hóa trầm trọng hơn”, ông Độ phân tích.

Từ tháng 5/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có đề án huy động vàng trong người dân nhưng tới nay phương án cụ thể huy động như thế nào vẫn chưa được thực thi do còn nhiều băn khoăn. Do đó, để đạt hiệu quả cao từ Đề án huy động 500 tấn vàng trong dân cần phải tính toán kỹ lưỡng các phương án, phòng chống rủi ro và có cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế nói chung.

RELATED ARTICLES

Tin mới