Philippines hôm nay 14/7 hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế và nói rằng sẽ đưa vấn đề này ra tại hội nghị Á – Âu (ASEM) diễn ra trong tuần này.
Trong thông báo phát đi hôm nay, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Ngoại trưởng Perfecto Yasay sẽ tham dự hội nghị Á – Âu (ASEM) kéo dài 2 ngày bắt đầu từ ngày mai 15/7 tại Mông Cổ.
“Trong khuôn khổ chương trình nghị sự của ASEM, Ngoại trưởng Yasay sẽ thảo luận về chính sách trên nguyên tắc hòa bình của Philippines ở Biển Đông cũng như yêu cầu các bên tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài”, tuyên bố cho biết.
Trước đó, Ngoại trưởng Yasay đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết của tòa sau khi tòa bác “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, song không đề cập đến chuyện hối thúc Bắc Kinh tuân thủ phán quyết mà chỉ kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.
Đây có thể coi là động thái cứng rắn nhất của Philippines kể từ sau phán quyết của tòa trọng tài bác yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 12/7. Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn ngang ngược nói sẽ không tuân thủ phán quyết của tòa và bóng gió chuyện lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông tùy vào việc có “bị đe dọa” hay không.
Hồi đầu tuần này, Trung Quốc cũng lớn tiếng hối thúc không đưa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông vào chương trình nghị sự ASEM. Hội nghị ASEM có sự tham dự của các đại diện đến từ châu Á và châu Âu, trong đó có cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.
Ngoài ASEM, phán quyết của tòa trọng tài được cho là sẽ trở thành đề tài bàn luận chính tại hội nghị bộ trưởng ASEAN diễn ra cuối tháng 7 này tại Lào. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị dự kiến cũng tham dự cuộc họp. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề đa phương và chiến lược, Colin Willett, ngày 13/7 cho biết cuộc họp ASEAN sắp tới sẽ tạo cơ hội cho các nước vạch ra “con đường tiến tới phía trước”.
Tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc ngày 12/7 đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa cũng kết luận không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc.
Về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, tòa kết luận Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế với việc quấy rối hoạt động đánh bắt và khai thác dầu khí của Philippines; xây dựng các đảo nhân tạo; để ngư dân đánh bắt trong vùng đặc quyền của Philippines. Ngoài ra, theo tòa, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã gây ra các rủi ro va chạm khi tìm cách ngăn cản tàu Philippines.
Đối với bãi cạn Scarborough, mặc dù nhấn mạnh không đưa ra phán quyết về chủ quyền đối với bãi cạn này nhưng tòa cho rằng Trung Quốc đã vi phạm trách nhiệm phải tôn trọng quyền đánh bắt ở ngư trường truyền thống của Philippines khi luôn tìm cách ngăn tàu cá Philippines tiếp cận khu vực này kể từ sau tháng 5/2012.