Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhán quyết PCA đối với Biển Đông có ý nghĩa thế nào?

Phán quyết PCA đối với Biển Đông có ý nghĩa thế nào?

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) mới đây đã tuyên bố Trung Quốc “không có chủ quyền lịch sử trên Biển Đông”, và đây có thể coi là cơ sở quan trọng để các nước trong khu vực có thể đàm phán ngoại giao về tranh chấp trong khu vực.

Phán quyết của PCA về Biển Đông sẽ có ý nghĩa ra sao?

Cho đến nay, Bắc Kinh một mực bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài về những tranh chấp của nước này với Philippines trên Biển Đông. Nội dung của phán quyết này nói rằng, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lịch sử của phần lớn khu vực Biển Đông.

Tòa trọng tài cũng lên án hành động cải tạo các bãi đá trong khu vực tranh chấp thành những hòn đảo nhân tạo, có đầy đủ đường băng và các cơ sở hạ tầng phục vụ quân sự, mặc cho sự phản đổi của các nước trong khu vực. Họ lo ngại rằng Trung Quốc đang biến các đảo ở Biển Đông thành những tiền đồn để cản trở lưu thông của tàu chở hàng, cũng như quyền đánh bắt và khai thác dầu mỏ khí đốt ở Biển Đông.

Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc vào năm 2013 sau khi nước này chiếm đóng bãi đá Scarborough. Họ cáo buộc Bắc Kinh cản trở hoạt động đánh bắt của ngư dân, gây nguy hiểm cho các tàu bè và phá hoại hệ sinh thái biển. Manila cũng kêu gọi tòa trọng tài bác bỏ tuyên bố “đường chín đoạn” bao trùm phần lớn Biển Đông của Trung Quốc. Các thẩm phán cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines trong vụ kiện này.

Hiện vẫn còn những lo ngại về tình hình sẽ xảy ra trong thời gian tới. Tòa trọng tài không có chức năng áp đặt phán quyết của mình, và Trung Quốc đã lên tiếng tẩy chay quyết định trên và đe dọa sẽ dùng vũ lực để bảo vệ “chủ quyền trên biển” của mình. 

Xét đến việc Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng của thế giới, việc Tập Cận Bình tiếp tục có những hành động gây hấn làm châm ngòi căng thẳng trong khu vực là không khôn ngoan. Những hành động đáp trả của Trung Quốc, ví dụ như tiếp tục xây dựng trên bãi đá Scarborough, hoặc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, là những bước đi cực kỳ mạo hiểm.

Có thể nói rằng, phán quyết trên đã mang lại cơ hội mới để giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ là ông Cui Tiankai mặc dù chỉ trích phán quyết của PCA song cũng nói thêm rằng Bắc Kinh vẫn để ngỏ khả năng đàm phán. Về phần mình, các nước trong khu vực từ lâu đã lung lay trước sức ép của Trung Quốc, nhưng giờ đây phán quyết này là cơ sở để các nước trong khu vực có thể tiến hành các biện pháp ngoại giao cần thiết.

Trong khi đó, Mỹ, vốn có quan điểm trung lập trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, có thể đảm bảo rằng công cuộc giải quyết tranh chấp sẽ diễn ra trong hòa bình. Chính quyền Tổng thống Barack Obama cho biết, bất kỳ xung đột nào đều phải giải quyết bằng luật pháp quốc tế. Giờ đây khi Mỹ đã nâng tầm quan hệ hợp tác quốc phòng với nhiều nước châu Á và tăng cường các hoạt động tuần tra trên biển, đây có thể coi là những cách hữu hiệu để gây sức ép đối với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới