Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngTQ chống phán quyết PCA: Ngang ngược, đuối lý

TQ chống phán quyết PCA: Ngang ngược, đuối lý

Phán quyết PCA đã tuyên nhưng Trung Quốc một lần nữa đã phủ nhận nó và đưa ra những tuyên bố thể hiện rõ “sự ngang ngược của kẻ đuối lý”.

PCA đã ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò 9 đoạn

Sau khi Tòa Trọng tài thường trực (viết tắt là PCA – Permanent Court of Arbitration) có trụ sở ở La Haye – Hà Lan ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc vào ngày 12/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức lãnh đạo nước này đã đồng loạt lên tiếng chống lại phán quyết của PCA.

Thành lập từ năm 1989, nhiệm vụ của PCA là khuyến khích việc giải quyết tranh chấp liên quan đến các quốc gia, tổ chức nhà nước, các tổ chức liên chính phủ, và các bên tư nhân bằng cách hỗ trợ trong việc thành lập các tòa án trọng tài và tạo thuận lợi cho công việc của họ, theo định nghĩa chính thức do tổ chức này công bố.

Trong suốt hơn 3 năm qua, PCA đã đứng ra chủ trì vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, trong khi đó, Bắc Kinh liên tục bác bỏ vụ kiện của Manila và từ chối tham gia các phiên tranh tụng, đồng thời khẳng định sẽ không tuân thủ phán quyết của PCA.

Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông sau 3 năm thụ lý.

Sau khi gửi e-mail thông báo kết quả đến các đối tượng tham gia vụ kiện, trên trang web của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đăng tải nguyên văn Phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với “đường chín đoạn” mà Trung Quốc nêu ra trên Biển Đông lúc 16h chiều ngày 12/7 (giờ Hà Nội).

Cụ thể, PCA đã ra phán quyết rằng, “… Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nào để đòi chủ quyền lịch sử, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển thuộc phạm vi ‘đường chín đoạn’ đã vượt quá các quyền được quy định trong ‘Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển’”.

Trong bản phán quyết dài 497 trang, PCA kết luận rằng, Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để khẳng định quyền lịch sử đối với vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”, đồng thời cũng không có thực thể nào ở Quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc.

Theo thông cáo báo chí của PCA, Tòa Trọng tài kết luận các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở Quần đảo Trường Sa là những “bãi đá”, do đó nó không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, đang bị Đài Loan kiểm soát cũng không thể tạo ra EEZ.

Ngoài ra, Tòa Trọng tài tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Phillippines, với các hành động: Can thiệp vào hoạt động đánh cá và khai thác dầu khí của Philippines, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và không ngăn cản ngư dân Trung Quốc đánh cá trong EEZ của Philippines.

Theo Tòa Trọng tài, Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường sinh thái ở Quần đảo Trường Sa, các tàu chấp pháp Trung Quốc gây ra nguy cơ va chạm cao khi tiếp cận tàu Philippines.

Ngay sau khi PCA đăng tải công khai phán quyết, truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt phát đi tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình, được đưa ra trước đó ít giờ, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Bắc Kinh.

Truyền thông nước này đã “ém” lại các tuyên bố của ông Tập và đăng tải chúng lúc 17h chiều ngày 12/7 (theo giờ Bắc Kinh) và coi đó như một “phản ứng chính thức” của giới chức lãnh đạo Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực.

Tuyên bố của ông Tập một lần nữa nhắc lại cái gọi là “Chủ quyền lịch sử” của Bắc Kinh đối với toàn bộ khu vực Biển Đông: “Từ xa xưa cho tới nay, tất cả các đảo ở Biển Đông đều thuộc lãnh thổ Trung Quốc” và nước này “có đầy đủ chứng cứ pháp lý về vấn đề này”.

Trên thực tế, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc luôn rất hàm hồ và không hề có cứ liệu pháp lý. Cái gọi là “Đường lưỡi bò”, hay còn gọi là “Đường 9 đoạn” (sau này vẽ lại thành “Đường 10 đoạn”) chỉ là những hành ảnh mang tính ước lệ, không có ranh giới, tọa độ thực tế trên bản đồ.

Trung Quốc cũng không có tài liệu nào đủ sức thuyết phục về việc các đảo, đá trên Biển Đông trước đây đã thuộc chủ quyền của nước này. Việc Bắc Kinh không đệ trình được 1 tài liệu pháp lý nào trước các tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã chứng minh điều đó.

Khôi hài hơn nữa là vào ngày 23/6/2014, Bắc Kinh phát hành bản đồ dọc, thay “đường 9 khúc” bằng “đường 10 đoạn”, “liếm” trọn biển Đông. Tấm bản đồ mới khiến ngay cả người dân Trung Quốc cũng cảm thấy “ngượng ngùng” vì không hiểu sao lãnh thổ nước nhà “đột ngột” rộng thêm nhiều quá.

Trung Quốc phát hành bản đồ dọc, thay “đường 9 khúc” bằng “đường 10 đoạn” “liếm” trọn biển Đông khiến dân nước này ngỡ ngàng

Điều này đã được nhà cầm quyền giải thích là “trước đây, lãnh thổ Trung Quốc đã như thế rồi nhưng chúng ta quen nhìn bản đồ ngang nên bây giờ nhìn bản đồ dọc nó ‘không quen’!!!”. Thật không còn giấy bút nào tả hết sự “khôi hài” trong cái gọi là “Chủ quyền lịch sử” của Bắc Kinh.

Nếu có cái gọi là “Chủ quyền lịch sử” này, Trung Quốc cứ mạnh dạn ra tòa đối chất, trưng ra các bằng chứng khẳng định dân tộc mình đã “sở hữu” Biển Đông từ ngàn đời nay để tòa án phân xử, chắc chắn rằng, nếu Bắc Kinh có lí thì công luận quốc tế sẽ không để họ bị thiệt thòi.

Thế nhưng Bắc Kinh đã trốn tránh ra tòa vì biết chắc rằng mình không có “bằng chứng lịch sử” nào cả. Bằng chứng của họ chỉ là những vụ nổ súng chiếm đảo, vây ép, xua đuổi tàu nước khác để kiểm soát các bãi đá ngầm. Đó phải gọi là “bằng chứng lịch sử” của kẻ xâm lược.

Trong phát biểu ngày 12/7, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Chúng tôi kiên định dốc sức bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông đồng thời nỗ lực cùng các bên liên quan dựa trên cơ sở lịch sử và luật pháp quốc tế, thông qua đàm phán để giải quyết hòa bình những tranh chấp liên quan”.

Nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn bảo vệ hòa bình và ổn định hay là kẻ hiếu chiến, chuyên cậy mạnh hiếp yếu trên Biển Đông?

Các quan chức Bắc Kinh luôn miệng nói “chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đang bị các nước láng giềng cấu kết nhau xâm phạm” hay “Trung Quốc đang bị các nước nhỏ trên Biển Đông hợp sức uy hiếp”.

 Nhân dân Trung Hoa có bao giờ thắc mắc là tại sao 1 nước lớn như Trung Quốc lại bị hàng loạt nước láng giềng nhỏ bé chưa bằng 1 tỉnh của mình, có thực lực quân đội chưa bằng một quân khu của mình “xâm lược” hay chưa?

Ví dụ như Bắc Kinh đã ngang ngược cắm giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tháng 5/2014, biến vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam thành vùng có tranh chấp, nhằm âm mưu cướp đất đai của người thành lãnh thổ của mình.

Không những thế, Trung Quốc còn điều hàng trăm tàu mỗi ngày để xua đuổi, đâm húc tàu công vụ Việt Nam, sau đó còn lớn tiếng vu vạ là các tàu chấp pháp nhỏ hơn hàng chục lần của Việt Nam đâm húc vào các tàu cảnh sát biển hàng nghìn tấn của mình tới 1500 lần!!!?

Đâm chìm tàu cá của Việt Nam thể hiện hành động vô nhân đạo của Trung Quốc

Dã man hơn nữa là vào ngày 26/5/2014, tàu cá vỏ sắt tải trọng lớn mang số hiệu 11209 của Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá mang số hiệu ĐNa-90152-TS của Việt Nam (trên tàu có 10 thủy thủ), rồi sau đó cố tình nhấn tàu Việt Nam chìm sâu xuống biển.

Những thước phim chân thực của ngư dân Việt Nam đưa ra trước cộng đồng quốc tế đã tố cáo hành động coi mạng người như cỏ rác của Trung Quốc, đồng thời phơi bày rõ thái độ ngang ngược và tính cách bất nhất của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Nó chính là sự thể hiện rõ nhất bản chất xâm lược, tư tưởng hung hăng “cậy mạnh hiếp yếu”, hành động hiếu chiến trên Biển Đông của Trung Quốc, trái ngược với những tuyên bố xoen xoét về một đất nước Trung Hoa yêu chuộng và bảo vệ hòa bình của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Trong kỳ sau với tiêu đề “Chống phán quyết PCA: Trung Quốc thượng tôn… ‘luật rừng’ trên Biển Đông”, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bản chất của những tuyên bố “thượng tôn pháp luật quốc tế”, “giải quyết hòa bình các tranh chấp” để tìm hiểu rõ bộ mặt thật của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới