Mỹ được cho là đang dùng chiến lược “ngoại giao thầm lặng” để thuyết phục các nước châu Á tránh khiêu khích sau phán quyết của Tòa Trọng tài về “đường lưỡi bò”.
Tàu chiến Trung Quốc diễn tập phi pháp gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Xinhua.
“Điều chúng tôi muốn là làm lắng dịu tình hình để các vấn đề có thể giải quyết bằng lý trí thay vì cảm xúc”, Reuters dẫn lời một quan chức chính quyền Mỹ giấu tên mô tả lại các thông điệp ngoại giao mật.
Một số thông điệp được gửi thông qua các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài và phái đoàn ngoại giao ở Washington. Số khác được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Ngoại trưởng John Kerry và các quan chức cấp cao chuyển trực tiếp tới các quan chức cấp cao nước tiếp nhận.
“Đây là một lời kêu gọi cùng yên lặng, không phải nỗ lực để tập hợp khu vực phản đối Trung Quốc, điều sẽ bị diễn giải thành Mỹ đang dẫn đầu một liên minh kiềm chế Trung Quốc”, quan chức trên cho biết thêm.
Tuy nhiên, nỗ lực làm lắng dịu Biển Đông sau phán quyết từ Tòa Trọng tài ở The Hague ngày 12/7 gặp cản trở khi Đài Loan thông báo điều thêm tàu chiến tới khu vực. Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn còn nói với các thủy thủ rằng nhiệm vụ của họ là “bảo vệ chủ quyền của Đài Loan trên biển”.
Tòa Trọng tài kết luận Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với khu vực bên trong “đường lưỡi bò” do nước này tự vẽ ra và đảo Ba Bình do Đài Loan đang kiểm soát trái phép cùng các cấu trúc khác ở Trường Sa không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế.
Các quan chức Mỹ hy vọng sáng kiến ngoại giao của Mỹ sẽ thành công hơn ở Indonesia và Philippines. Indonesia muốn điều hàng trăm ngư dân đến quần đảo Natuna để khẳng định chủ quyền đối với những khu vực gần đó trên Biển Đông mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Trong khi đó, các ngư dân của Philippines lại bị tàu hải cảnh và hải quân Trung Quốc cản trở.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AP.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, trong cuộc trao đổi với người đồng cấp Mỹ Ashton Carter trước thềm phán quyết, ông Carter cho biết Trung Quốc đã đảm bảo với Mỹ họ sẽ kiềm chế và Washington cũng quả quyết như vậy. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mong nhận được sự đảm bảo tương tự từ Philippines.Một quan chức Mỹ cho rằng tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte “về mặt nào đó là một đối tượng khó đoán”, vừa thể hiện thái độ hiếu chiến nhưng cũng nhân nhượng với Trung Quốc.
Trung Quốc nhiều lần đề nghị tổ chức đối thoại giữa Bắc Kinh và Manila. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói đã đến lúc đưa mọi thứ quay trở lại “đúng hướng” sau vụ kiện “khôi hài”.
People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay cho biết Trung Quốc đã thể hiện rằng họ có thể “sửa chữa” những vấn đề lãnh thổ thông qua đàm phán, viện dẫn thỏa thuận đã đạt được với Việt Nam về phân giới trên Vịnh Bắc Bộ và quá trình đàm phán đang triển khai với Hàn Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc lại điều hai phi cơ dân sự hạ cánh xuống hai đường băng mới xây trên các đá Bắc Kinh chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, động thái mà Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định sẽ làm gia tăng căng thẳng thay vì xoa dịu tình hình.
“Chúng tôi không liên quan trong cuộc tranh chấp ngoại trừ… về tự do đi lại”, Mark Toner, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết trong cuộc họp báo hôm qua. “Điều chúng tôi muốn chứng kiến là khu vực rất căng thẳng ở châu Á – Thái Bình Dương này xuống thang. Chúng tôi muốn tất cả các bên có liên quan dành thời gian xem xét cách thức chúng ta có thể tim ra một giải pháp hòa bình”.
Tuy nhiên, nếu nỗ lực đó thất bại và cạnh tranh leo thang thành đối đầu, không quân và hải quân Mỹ sẵn sàng duy trì tự do đi lại trên không và trên biển ở khu vực có tranh chấp, một quan chức quốc phòng Mỹ hôm qua nói.
Phán quyết từ Tòa Trọng tài dự kiến phủ bóng một hội nghị của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Lào vào cuối tháng 7, nơi Ngoại trưởng Mỹ Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sẽ tham gia.
Ben Cardin, nghị sĩ Dân chủ bang Maryland, thành viên cấp cao Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng khả năng đối đầu xảy ra thấp nếu Philippines, Indonesia, Việt Nam và các nước khác cùng phối hợp với Mỹ thay vì tự hành động.
“Tôi không nghĩ Trung Quốc muốn đối đầu với Mỹ”, ông trả lời báo giới.