Khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, không ít doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách tìm đến thị trường tín dụng đen với mức lãi suất cao ngất ngưởng.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa “không thể tiếp cận” với nguồn vốn của ngân hàng và 30% doanh nghiệp khác cho biết “rất khó tiếp cận” nguồn vốn này.
Cũng vì khó tiếp cận vốn ngân hàng nên để giải cơn khát vốn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tìm vốn thông qua việc huy động vốn từ bạn bè, gia đình, thậm chí là thị trường tín dụng (chợ đen). Việc vay vốn từ thị trường tín dụng đen với mức lãi suất cắt cổ khiến cho không ít doanh nghiệp rơi vào bẫy phá sản.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: Vay tiền phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh qua con đường không chính thức là điều cực kỳ bất lợi, bởi đã là một tổ chức cho vay không chính thức, bên cho vay có thể không tuân theo bất cứ một quy định gì. Hơn nữa, lãi suất vay của các tổ chức này cao hơn rất nhiều, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của doanh nghiệp và tổng thể nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh cho vay sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng cho vay tín chấp thay vì yêu cầu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo. Song, để vay được nguồn vốn này, doanh nghiệp cần chứng minh năng lực tài chính, cũng như tính khả thi hiệu quả của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Nếu không khả thi, thì đương nhiên ngân hàng không thể rót vốn.
Trước đó, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 4/2016 tại TP.HCM, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đã thẳng thắn đề cập đến tình trạng suy kiệt của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lộc cho biết, lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn ở mức gần 8%/năm là gấp 2-3 lần so với các mức lãi suất trong khu vực.
“Về chi phí vốn, doanh nghiệp Việt Nam đang chịu cao hơn nhiều so với bất cứ nước nào. Với mức lãi suất đắt đỏ như vậy, doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước khác”, ông nói.
Theo ông Lộc, do nợ xấu chưa được xử lý tốt, các ngân hàng vẫn phải nâng mức dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, Chính phủ lại đang gấp rút huy động trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi. Các yếu tố như thế này làm lãi suất cho vay không thể xuống thấp được.
“Nhiều doanh nghiệp mới ra đời đã phải vay lãi suất cao như vậy. Điều này lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp chết”, ông Lộc nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Lộc, các chi phí chính thức và không chính thức như chi phí vận tải, phí công đoàn, thuế, tăng lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội và các loại tiền “lót tay” đang bào mòn sức sống của doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có 5.500 doanh nghiệp phá sản, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp buộc tạm ngừng hoạt động là 31.119 doanh nghiệp, tăng 15% (bao gồm 12.203 doanh nghiệp ngừng hoạt động có thời hạn (tăng 37,1%) và 18.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số thuế. Tổng số doanh nghiệp phá sản, chờ phá sản 6 tháng đầu năm 2016 đạt 36.600 doanh nghiệp, bình quân mỗi tháng có hơn 6.000 doanh nghiệp phá sản, chờ phá sản, mỗi ngày có hơn 200 doanh nghiệp phá sản, chờ đóng cửa.