Ths Hoàng Việt khẳng định Nga sẽ ngả theo Trung Quốc và không có những phản ứng mạnh mẽ về vụ kiện đường lưỡi bò của Philippines.
Ths Hoàng Việt khẳng định Nga sẽ ngả theo Trung Quốc và không có những phản ứng mạnh mẽ về vụ kiện đường lưỡi bò của Philippines.
Giá trị pháp lý và ý nghĩa thực tế rõ ràng
Ngày 12/7, Tòa trọng tài thường trực PCA đã đưa ra kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, trong vùng biển thuộc phạm vi “đường chín đoạn”.
Trước vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, Ths Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho rằng tuyên bố của PCA liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc mang ý nghĩa về mặt pháp lý và thực tế rõ ràng, cụ thể.
Theo vị chuyên gia, đây là lần đầu tiên Tòa PCA ra phán quyết mạnh mẽ như vậy về biển Đông. Phán quyết này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyền lợi trực tiếp của Philippines cũng như Trung Quốc trên các vùng tranh chấp trên biển.
“Phán quyết này mang tính chất pháp lý rất cao, buộc các bên phải tuân theo các tuyên bố được đưa ra. Trước đây các bên đều giải thích mỗi người có quyền riêng của mình.
Thế nhưng theo phán quyết vừa được đưa ra, mọi thứ đã trở nên rõ ràng hơn. Trung Quốc buộc phải tuân theo dù họ luôn phủ nhận phán quyết này”, Ths Việt nhấn mạnh.
Ngoài ý nghĩa về mặt pháp lý, giảng viên ĐH Luật TP.HCM khẳng định phán quyết PCA mang nhiều giá trị thực tế cho các quốc gia trong cuộc đấu tranh chống lại các căng thẳng do Trung Quốc gây ra tại khu vực biển Đông.
Thứ nhất là đường lưỡi bò vốn chiếm 80% biển Đông. Đến bây giờ tòa tuyên là đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý trong yêu sách về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc. Trước đây thì họ thường viện cớ này, viện cớ kia để biện minh. Với phán quyết của tòa thì rõ ràng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đưa ra cái gọi là đường lưỡi bò và họ cũng không thể độc chiếm biển Đông được.
Thứ hai, về 1 số quy chế pháp lý và cấu trúc địa lý thực thể trên biển Đông, đặc biệt là Trường Sa, Scarborough. Ở đây tòa tuyên bố rất rõ là không có một cấu trúc nào của Trường Sa có một vùng biển mở rộng ngoài 12 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế. Một số trong đó là vùng bãi lúc chìm, lúc nổi không có đặc quyền kinh tế, nó không có lãnh hải. Một số đáp ứng được đá thì chỉ có lãnh hải 12 hải lý tối đa.
Thứ ba là với những bãi lúc chìm lúc nổi của Philippines vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này mà Trung Quốc lại bồi lấp thành những đảo nhân tạo và đó là trái phép.
Và hơn nữa việc Trung Quốc cho các tàu, lực lượng chấp pháp va chạm, ngăn cản các ngư dân của Philippines và các nước đánh bắt cá, hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế rõ ràng là vi phạm nghiêm trọng và hết sức nguy hiểm tới quyền, chủ quyền của các nước được quy định trong công ước luật biển năm 1982 cũng như vi phạm tới công ước luật biển cũng như công ước phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGS).
Thứ tư, việc bồi lấp đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái biển và nó vi phạm tới nghĩa vụ được bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái biển quy định trong công ước.
Về lâu dài Trung Quốc sẽ phải giảm tông
Với những diễn biến hiện nay, vị chuyên gia nhận định, sau tuyên bố PCA, Trung Quốc sẽ điên cuồng tìm cách để chống lại phán quyết của phiên tòa vốn gây ra nhiều bất lợi cho họ.
“Trong phán quyết của phiên tòa vừa rồi thì có 14/15 đệ trình của phía Philippines được tòa giải quyết có lợi cho nước này. Chắc chắn Trung Quốc đang rất bực và sẽ tìm cách để trả đũa. Đầu tiên tôi cho là họ sẽ chống lại phiên tòa và tương lai có thể có những hành động căng thẳng trên biển Đông”, Ths Việt nhấn mạnh.
Tuy nhiên vị chuyên gia thừa nhận, với phán quyết của PCA có lợi cho Philippines đã mở ra một cơ hội mới với các nước chó tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
“Việc Philippines đưa giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ra tòa trước đây nhiều quốc gia lo ngại tòa có giải quyết không, tòa có thẩm quyền không?
Với phiên tòa vừa rồi thì tòa đã phán quyết rất nhiều vấn đề . Dù nó chỉ là một phần rất nhỏ nhưng lại trả lời tất cả vấn đề mà các bên đang muốn cần phải làm rõ hơn.
Bên cạnh đó, giảng viên ĐH Luật TP.HCM còn nhấn mạnh, về lâu dài, trước sức ép từ dư luận quốc tế, từ những chính sách đối ngoại, kinh tế của các quốc gia khác trong và ngoài khu vực, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải chấp nhận xuống thang về vấn đề biển Đông.
“Phán quyết của tòa là luật quốc tế, là quy định chung cho các quốc gia. Dù nó chỉ có cơ chế là tự thực hiện, tức là các bên cùng có thiện chí để thực hiện điều đó nhưng rõ ràng trong thế giới này nếu Trung Quốc không tuân thủ luật lệ quốc tế thì sẽ bị cô lập. Họ không thể sống một mình trong thế giới văn minh này, không thể làm việc bất chấp tất cả.
Trên thế giới cũng có những quốc gia bất chấp tất cả, trường hợp như của Hitler, Đức quốc xã. Tuy nhiên cuối cùng họ cũng bị diệt vong.
Trung Quốc có rất nhiều mối quan hệ ngoại giao, kinh tế cần phát triển với các nước, chưa kể Trung Quốc còn muốn trở thành 1 cường quốc. Để làm được điều này, họ cần phải có sự ủng hộ của các quốc gia chứ, chứ không phải chỉ vung tiền ra để mua chuộc, dụ dỗ.
Hiện nay Trung Quốc còn ngông nghênh nhưng về lâu dài sau này họ cũng sẽ phải xuống thang, giảm căng thẳng trên biển Đông”, Ths Hoàng Việt nhấn mạnh.
Nga có ngả theo Trung Quốc?
Về phía Mỹ, giảng viên ĐH Luật TP.HCM cho rằng với hành động nhất quán từ trước đến nay, Washington sẽ tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc để yêu cầu nước này thực hiện nghiêm chỉnh các phán quyết và tuân thủ luật pháp quốc tế về biển Đông.
“Mỹ luôn luôn tuyên bố sẽ duy trì các hoạt động tự do hàng không, hàng hải. Và 1 số chính khác Mỹ cho rằng việc tuần tra của nước này sẽ tiếp tục và thậm chí những vùng chẳng hạn như bãi Vành Khăn, lúc chìm, lúc nổi không có lãnh hải thì trong trường hợp này các tàu tuần tra của Mỹ sẽ đến sát vùng 12 hải lý xung quanh khu vực mà Trung Quốc đang chiếm giữ.
Mỹ cũng từng khẳng định, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục gây hấn trên biển Đông thì Mỹ sẽ có những hành động đáp trả tương xứng, sẽ khiến Bắc Kinh phải hối tiếc”, Ths Việt nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về quan hệ quốc tế và về biển Đông vị chuyên gia cho rằng các nước và cộng đồng quốc tế không nên trông chờ nhiều đến phản ứng tích cực và cương quyết từ phía Nga. Bởi lẽ Moskva đang có lập trường khá giống với quan điểm của Trung Quốc về các tranh chấp chủ quyền hiện nay.
Vị chuyên gia dẫn chứng: “Nga từng bị các quốc gia khác đem ra để giải quyết các tranh chấp bằng thủ tục trọng tài theo công ước quốc tế nhưng họ cũng khước từ không tham gia.
Cụ thể như vụ tàu lật Arctic Sunrise năm 2013. Khi đó phía Nga cho khai thác dầu khí và một tổ chức hòa bình xanh (greenpeace) đã cử tàu đến kiểm tra xem Moskva có làm ô nhiễm môi trường khu vực này không. Nga đã tiến hành bắt giữ toàn bộ thủy thủ đoàn và tàu Sunrise. Vì tổ chức này đăng ký tại Hà Lan nên sau đó Hà Lan đã khởi kiện ra 1 tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục 7 của Luật công ước biển UNCLOS.
Tương tự như Trung Quốc hiện nay, Nga cũng khước từ không tham gia. Cho nên theo tôi, hiện nay lập trường của Nga sẽ nghiêng về phía Trung Quốc. Chưa kể thêm việc Nga sát nhập Crimea từ Ukraine đã khiến thế giới lên tiếng phản đối. Việc Moskva bị cô lập như vậy nên họ sẽ có phản ứng khác. Vì vậy đừng nên mong chờ phản ứng của Nga trong vụ việc này”.
Về lâu dài Ths Hoàng Việt cho rằng, các quốc gia cần tiếp tục tăng cường đấu tranh với Trung Quốc dựa theo các quy định của luật pháp quốc tế và công ước luật biển năm 1982. Việc đấu tranh này cần một thời gian lâu dài, kiên trì, bền bỉ thì mới phát huy được hiệu quả để buộc Trung Quốc phải xuống thang ở biển Đông.