Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia, thuộc Bộ TN-MT, cho biết tổng diện tích toàn lưu vực sông Hồng – Thái Bình là 169.000 km2. Trong đó, diện tích thuộc VN là 86.700 km2 (51,3%), thuộc Trung Quốc là 81.200 km2 (48%); thuộc Lào là 1.100 km2 (0,65%). Chiếm gần một nửa diện tích lưu vực sông ở phần thượng lưu, lượng dòng chảy hằng năm sản sinh trên lãnh thổ Trung Quốc khoảng 51 tỉ m3 (38% tổng lượng dòng chảy toàn lưu vực sông).
Tại phần lưu vực này, Trung Quốc đã cho vận hành hàng chục thủy điện, 1.870 đập dẫn và kênh dẫn nước, 9 hồ chứa có tổng dung tích 200 triệu m3… nên đã làm thay đổi lớn đến lượng nước, chế độ dòng chảy, chất lượng nước, phù sa của sông Đà, sông Thao, sông Chảy, sông Lô trước khi đổ vào nước ta. Đặc biệt các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang… chịu nhiều tác động xấu do thủy điện xả lũ gây lụt lội cũng như hoạt động khai khoáng gây ô nhiễm từ phía Trung Quốc gây ra. Chưa kể, lượng lớn cát, bùn bị giữ lại trong các hồ chứa của nước này làm giảm lượng phù sa chảy vào nước ta, gây ảnh hưởng đến chất lượng nước, bất ổn định lòng sông, hai ven bờ…
Nước sông Hồng xuống thấp kỷ lục
Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất là vấn đề các thủy điện của Trung Quốc tích nước, chuyển nước gây thiếu hụt nghiêm trọng đến lượng nước chảy vào VN, khiến ta luôn ở trong thế bị động về nguồn nước sông Hồng – Thái Bình.
“Mực nước sông Hồng nhiều năm gần đây liên tục hạ thấp, kỷ lục nhất là xuống thấp còn 0,1 m vào ngày 21.12.2010 tại Hà Nội đã gây tắc luồng vận tải thủy, thiếu nước tưới. Lòng sông Hồng nhiều đoạn bị biến đổi do bồi, xói tự nhiên. Các loài cá quý hiếm trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình là cá anh vũ, lăng chấm, cá chiên, cá bỗng… cùng nhiều loài thủy sinh khác đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hơn 1 thập niên qua, tình trạng hạn hán đã xảy ra khá phổ biến ở lưu vực sông Hồng – Thái Bình”, ông Thanh cảnh báo.
Cũng theo ông Thanh, tài nguyên nước ở lưu vực sông Hồng – Thái Bình bị suy giảm gây thiếu nước sinh hoạt ở nhiều nơi, đặc biệt vùng cao. Đồng thời, hạn hán trên lưu vực sông cũng làm đẩy mạnh quá trình xâm nhập mặn ở cả tầng mặt lẫn tầng nước ngầm ở vùng ven biển của các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình…
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đề cập đến vấn đề nội tại trong nước như dự án Giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng; nạn khai thác cát bừa bãi đang tàn phá các dòng sông nặng nề; việc phát triển thủy điện trên các dòng sông, khai thác khoáng sản xả thải vào nguồn nước gây ô nhiễm dẫn đến không đảm bảo các mục tiêu sử dụng nước, càng gây khan hiếm, cạnh tranh giữa việc dùng nước cho phát điện, nông nghiệp, giao thông; việc chuyển nước từ các con sông trong chính lưu vực cũng chưa được quy hoạch rõ ràng…
Trung Quốc không hợp tác
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhìn nhận, cần đẩy nhanh thực hiện quy hoạch tài nguyên nước sông Hồng – Thái Bình vì đây là nền tảng cơ bản để quy hoạch các ngành kinh tế liên quan khai thác sử dụng nguồn nước. Nhưng muốn làm được điều này, phải đánh giá được tổng thể nguồn nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình, xác định được lượng nước có thể phân bổ tại các vị trí, mùa, nguồn khác nhau và cần xem xét đến yếu tố biến đổi khí hậu.
Đồng thuận với ý kiến của Bộ trưởng nhưng các chuyên gia đầu ngành đều cho rằng, đây là thách thức rất lớn vì lưu vực sông Hồng – Thái Bình có gần một nửa nằm ở phía lãnh thổ Trung Quốc nhưng nước này – “người hàng xóm khó chịu” – lâu nay vẫn không hợp tác.
TS Đào Trọng Tứ, Cố vấn mạng lưới sông ngòi VN, cho hay vấn đề quy hoạch tài nguyên nước sông Hồng đã được đặt ra và thực hiện từ những năm 1960. Lần lập quy hoạch này mang tính tổng rà soát, điều chỉnh nhiều hơn. “Phải xác định rõ rằng, rất khó lấy được các số liệu, tài liệu về nguồn nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình phần thượng lưu ở lãnh thổ Trung Quốc do nhiều năm nay họ không chịu hợp tác. Ngoài con đường đề nghị chính thức, chúng ta từng thông qua các tổ chức quốc tế nhờ lấy nhưng không được. Thông qua hợp tác giữa các tỉnh giáp biên giới nhưng không mấy hiệu quả. Người hàng xóm khó chịu vẫn tùy ý tích rồi xả nước khiến vùng hạ lưu sông ở VN luôn bị động, gánh chịu hậu quả”, TS Đào Trọng Tứ nói.
Tuy nhiên, theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, vẫn có cách để nước ta nắm thế chủ động nguồn nước. Trước mắt, Trung Quốc nhất định không hợp tác trao đổi tài liệu, số liệu, quy trình sử dụng nước của họ thì ta có thể quan trắc, kết hợp với thực nghiệm mô hình thủy văn, tính toán được tổng tài nguyên nước phần diện tích bên Trung Quốc. Đồng thời, xây dựng kịch bản về nguồn nước, sử dụng nước phía Trung Quốc kết hợp với sử dụng mô hình để đánh giá số lượng, chất lượng nước chảy sang VN theo 3 nhánh sông Đà, Thao, Lô. Qua thời gian sẽ nắm được tương đối số liệu cần thiết dù không hẳn sẽ chính xác hoàn toàn. Phần trong lãnh thổ của ta, có thể dùng số liệu, tài liệu từ mạng quan trắc khí tượng, thủy văn hiện có để xác định tiềm năng nguồn nước. Bên cạnh đó, kế thừa sơ đồ thủy lực, số liệu mặt cắt, địa hình, thiết lập công cụ thủy văn, thủy lực; kế thừa kết quả nghiên cứu trước đây để đánh giá tình hình khai thác, sử dụng nước. “Đấy sẽ là cơ sở để ta lập quy hoạch tài nguyên nước sông Hồng – Thái Bình”, GS-TS Vũ Trọng Hồng nêu ý kiến.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, cần phải thực hiện quy hoạch trên toàn bộ lưu vực sông Hồng – Thái Bình, gồm cả phần nằm trong lãnh thổ Trung Quốc để đảm bảo tính tổng thể. Bộ cũng sẽ rà soát lại hệ thống pháp luật về tài nguyên nước, môi trường để lồng ghép vào quy hoạch cho chặt chẽ, hợp lý.