Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiASEAN và Biển Đông ra sao sau phán quyết PCA?

ASEAN và Biển Đông ra sao sau phán quyết PCA?

ASEAN và Biển Đông sẽ ra sao sau phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA)? Chúng ta cùng xem chuyên gia Nga bình luận gì về điều này

Rất ít nước bày tỏ sự ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trước và sau phán quyết PCA

Phán quyết PCA là thách thức nhưng cũng tạo cơ hội để các bên ngồi lại với nhau

Sau quá trình thụ lý kéo dài 3 năm, Tòa phân xử về Biển Đông (trong vụ kiện do Philippines khởi xướng) – một Tòa án trọng tài, được Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS đã phán quyết về vụ kiện của Philippines với “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Nha khoa học chính trị Nga Grigory Lokshin lưu ý rằng, Bắc Kinh tuyên bố “không chấp nhận và không công nhận” phán quyết từ Tòa án The Hague. Tuy nhiên, phán quyết được thông qua trong sự vắng mặt của các đại diện Trung Quốc bởi vì thủ tục này được ghi trong điều lệ của cơ quan quốc tế này.

Ông Lokshin cho biết, thủ tục tố tụng của Toà án Quốc tế có cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng là Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Tất cả các nước trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, đã ký kết và phê chuẩn UNCLOS, tức là văn kiện này có cơ sở pháp lý chung cho việc giải quyết các tranh chấp biển. Phán quyết của tòa án trọng tài xác nhận những điều khoản quan trọng nhất của Công ước.

Trong phán quyết dài gần 500 trang, ông Lokshin đặc biệt lưu ý đến hai điều. Thứ nhất là Toà án Trọng tài tuyên bố yêu sách “đường lưỡi bò” của nhà cầm quyền Bắc Kinh là không có cơ sở pháp lý và bác bỏ “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vấn đề quan trọng thứ 2 là phán quyết xác định rõ ràng rằng, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng trên các bãi đá ngầm và rạn san hô chiếm đóng trái phép không thể được coi là các thực thể có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và lãnh hải 12 hải lý.

Tất nhiên, Trung Quốc ra tuyên bố phản đối phán quyết nhưng phán quyết phải được thực hiện do văn kiện của toà án quốc tế đã được thông qua và không thể bị hủy bỏ.

Mặc dù toà án trọng tài Hague không có cơ chế để ép buộc các nước phải thực hiện quyết định của mình. Tuy nhiên, phán quyết của toà án có một ý nghĩa pháp lý, đạo đức và chính trị. Do đó, việc từ chối thực hiện nó có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho uy tín của Trung Quốc.

Theo ông Lokshin, Bắc Kinh rất lo ngại về điều đó, hết sức cố gắng vận động dư luận ủng hộ quan điểm của họ và không công nhận phán quyết của toà án trọng tài. Nhưng Bắc Kinh vẫn không đạt được thành công nào khả dĩ.

Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố có tới 60 nước ủng hộ nhưng trên thực tế chỉ có khoảng dưới 10 nước lên tiếng ủng hộ Trung Quốc. Và gần như tất cả các nước đó đều nằm cách xa vùng Biển Đông và chủ yếu cũng là các nước nhỏ, tiếng nói không mấy quan trọng trên trường quốc tế.

Campuchia là một ngoại lệ duy nhất cất lên tiếng nói lạc lõng với cộng đồng quốc tế. Chỉ vì nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc nên Phnom Penh đã tuyên bố không công nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague.

Trong tình huống này Trung Quốc sẽ hành động như thế nào? Nhiều chuyên gia dự đoán rằng, Bắc Kinh có thể rút tên ra khỏi Công ước luật biển năm 1982.

Theo ông Lokshin, điều này là không thể. Bởi vì công ước này có không chỉ những điều kiện bất lợi, mà cả những điều kiện thuận lợi cho Bắc Kinh. Trước đây, Trung Quốc là một trong những nước ủng hộ tích cực nhất việc thông qua công ước này.

Nhà chính trị Nga cho rằng, trong tương lai gần Philippines và Trung Quốc sẽ nối lại cuộc đàm phán song phương. Trong mọi trường hợp, cuộc đàm phán là tốt hơn so với việc gia tăng tình hình căng thẳng.

Những hành động gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trong quan hệ với Washington. Hành động của Mỹ ủng hộ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông có thể khiến Trung Quốc đưa ra những phản ứng gay gắt hơn.

Theo nhà khoa học chính trị Nga, sẽ là ngây thơ nếu cho rằng, sau khi Tòa án Hague đưa ra phán quyết về Biển Đông, tình hình trong khu vực sẽ ổn định lại hoàn toàn. Tuy nhiên, phán quyết tạo một cơ hội để các bên ngồi lại với nhau, hạ nhiệt căng thẳng.

Đông Nam Á cần thống nhất quan điểm sau phán quyết PCA

Hiện các hoạt động chính trị và bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đang hết sức cố gắng hạ thấp uy tín của tòa trọng tài.

Chuyên gia Grigory Lokshin nhận xét rằng, Bắc Kinh đang và sẽ tiếp tục làm như vậy mặc dù sự gia tăng tình hình căng thẳng ở vùng Biển Đông sẽ tác động rất tiêu cực đến kế hoạch xây dựng con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Rõ ràng là dự án này không thể phát triển trong một tình huống xung đột.

Tuy nhiên, không thể không nói về lập trường chung của các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông.

ASEAN không phải là một khối quân sự hay liên minh dựa trên sự đồng thuận hoàn toàn của tất cả các thành viên. ASEAN bao gồm mười quốc gia với những chế độ chính trị, tôn giáo và lịch sử khác nhau. Tất cả mười nước đã xây dựng mối quan hệ khác nhau với Trung Quốc.

Lập trường chung của họ là cần phải thực hiện đầy đủ Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cần phải giải quyết tất cả các vấn đề một cách hòa bình, trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và cần phải hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Đây là lập trường chung của tất cả các nước ASEAN và nếu được thông qua, nó sẽ là một văn kiện có giá trị pháp lý ràng buộc, với một cơ chế cụ thể để duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, có những khác biệt nhất định trong cách đối xử với Trung Quốc.

Ông Grigory Lokshin cho biết, những khác biệt đó có thể được thấy rõ theo kết quả Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc tại Bắc Kinh, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh tháng 9 ở Lào nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc.

 

ASEAN đang có những bất đồng trong giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc

Đáp trả lại, Trung Quốc tổ chức các cuộc diễn tập hải quân có quy mô lớn chưa từng thấy, đồng thời cảnh báo Mỹ rằng nếu họ tiếp tục những hành động mang tính khiêu khích thì có thể sẽ dẫn đến xảy ra tình huống nguy cấp nghiêm trọng.Trước và sau khi Tòa án Trọng tài đưa ra phán quyết bất lợi đối với Trung Quốc, các biên đội tàu chiến của Hải quân Mỹ đã vào vùng Biển Đông. Washington không chỉ nói suông về quyền tự do hàng hải ở Biển Đông mà còn điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải ở vùng này.

Trung Quốc có lý do để lo ngại về sự an toàn của họ trong khu vực Biển Đông, nơi thường xuyên hiện diện các tàu chiến Mỹ. Tuy nhiên, việc bảo vệ lợi ích quốc gia bằng cách xâm phạm lợi ích hợp pháp của các nước láng giềng là điều không thể chấp nhận được.

Sau khi Bắc Kinh nhận thức được điều đó và ASEAN tìm kiếm được sự thống nhất thì quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông mới có thể thoát khỏi sự bế tắc.

RELATED ARTICLES

Tin mới