Sau phán quyết của PCA, Nga tuyên bố không có ý định tham gia và đứng về phía nào trong tranh chấp ở biển Đông.
Nga tuyên bố không có ý định tham gia và đứng về phía nào trong tranh chấp ở biển Đông.
Nga không tham gia vào tranh chấp ở biển Đông
Ngày 14/7, bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này không có ý định tham gia và đứng về phía nào trong tranh chấp ở biển Đông.
“Quan điểm nhất quán và không thay đổi của Nga: chúng tôi vui mừng khi thấy các quốc gia liên quan trong vụ tranh chấp lãnh thổ trên biển tuân thủ nghiêm ngặt việc không sử dụng vũ lực và tiếp tục hướng tới giải pháp chính trị – ngoại giao trên cơ sở luật quốc tế, trước hết là Công ước LHQ về Luật biển 1982”, bà Zakharova khẳng định.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moskva ủng hộ nỗ lực của các quốc gia ASEAN và Trung Quốc về việc lập ra quy tắc ứng xử ở biển Đông.
“Nga không tham gia vào vụ tranh chấp lãnh thổ này và cũng sẽ không bị kéo vào hay đứng về phía nào. Chúng tôi tin rằng các bên liên quan phải tổ chức tham vấn và đàm phán theo cách họ tự xác định”, bà Zarakhova nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Zarakhova cũng đánh giá cao vai trò của Công ước (Liên Hiệp Quốc về luật biển) trong việc đảm bảo quyền tối cao của pháp luật trong vấn đề biển đảo.
“Điều quan trọng là các quy định của điều ước quốc tế này phải được áp dụng nhất quán”, bà Zakharova nói thêm.
Trước đó, ngày 12/7, Tòa trọng tài thường trực PCA đã đưa ra kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, trong vùng biển thuộc phạm vi “đường chín đoạn”.
Vì sao Nga tuyên bố trung lập sau PCA?
Đây không phải là lần đâu tiên Nga tuyên bố không can dự vào tranh chấp ở Biển Đông.
Còn nhớ hôm 10/6, Tại cuộc họp báo thường kỳ bà Zakharova đã lên tiếng phủ nhận thông tin của một số nhà ngoại giao cho rằng Nga đã can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
“Chúng tôi tin rằng sự can thiệp của bên thứ ba sẽ càng khiến tình hình trầm trọng hơn. Nga sẽ không can thiệp vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông”, bà nhấn mạnh.
“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở khu vực này, cụ thể là Biển Đông. Chúng tôi coi tình hình ở đó là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến an ninh và sự ổn định của khu vực Thái Bình Dương. Nga không phải là một bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và cũng không can thiệp vào tranh chấp này”, bà Zakharova nói thêm.
Tạp chí The Diplomat có 3 lý do chính dẫn đến quan điểm trung lập của chính phủ Nga trước vấn đề các bên tranh chấp trên Biển Đông.
Một số chuyên gia tuyên bố trung lập của Nga sẽ làm Trung Quốc cảm thấy “thất vọng” khi bị chính “đối tác chiến lược” của mình không lên tiếng ủng hộ.Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi tất cả các đối tác tham gia tích cực trong việc thực hiện các sáng kiến của Nga về việc phát triển nguyên tắc khuôn khổ của việc tăng cường an ninh và hợp tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên theo phân tích của tạp chí The Diplomat có 3 lý do chính dẫn đến quan điểm trung lập của chính phủ Nga trước vấn đề các bên tranh chấp trên Biển Đông.
Thứ nhất, khác với mối quan hệ Philippines-Mỹ, Trung Quốc và Nga vốn không phải là quan hệ đồng minh. Không có bản hiệp ước cam kết nào giữa hai nước giống như Mỹ – Philippines, hay Mỹ – Nhật Bản mà buộc một bên phải hỗ trợ quân sự, chính trị cho bên còn lại. Nói tóm lại, giữa Trung Quốc và Nga chỉ là quan hệ đối tác chiến lược và không có bất cứ sự ràng buộc nào.
Thứ hai, Nga muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với những quốc gia tiếp giáp với Biển Đông. Không thể chỉ vì công khai lên tiếng ủng hộ một mình Trung Quốc mà Nga trở thành kẻ thù của những nước Đông Nam Á.
Cuối cùng, chính tham vọng bành trướng của Trung Quốc cũng khiến Nga lo ngại. Người Nga luôn e ngại với tham vọng và tốc độ phát triển của Trung Quốc như hiện nay, sẽ có lúc khu vực Viễn Đông nước Nga cũng bị người Trung Quốc “nhòm ngó”, đem theo phần lãnh thổ cùng tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho Trung Quốc.