Việc Philippines giành thắng lợi trong vụ kiện Trung Quốc qua PCA đã mở ra triển vọng lớn cho giải quyết tranh chấp biển đảo.
1. Việc phớt lờ phán quyết từ PCA sẽ khiến Trung Quốc “trả giá đắt trên cả 3 phương diện kinh tế, ngoại giao và uy tín quốc tế”.
Theo PhilStar, nhận định trên được các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đưa ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vừa công bố phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo đó, phán quyết do PCA công bố đã bác tính pháp lý và quyền lịch sử đối với yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên khắp Biển Đông. Ngoài ra, phán quyết cũng nêu rõ Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Philippines tại Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nước này.
Các chuyên gia tại CSIS nhận định, phán quyết này là “sự tưởng thưởng xứng đáng” cho nỗ lực của Chính phủ dưới thời Tổng thống Benigno Aquino, đặc biệt là cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario.
2. Thủ lĩnh đảng Bảo thủ cầm quyền Theresa May đã chính thức được Nữ hoàng Anh bổ nhiệm vị trí Thủ tướng Anh thay ông David Cameron.
Với cương vị mới đầy thách thức này, cả người dân Anh và châu Âu đều hy vọng chính phủ mới của bà May sẽ “chèo lái” con thuyền nước Anh vượt qua sóng gió do “cơn bão” Brexit gây ra.
Bà May đã vào yết kiến Nữ hoàng Anh tại Cung điện Hoàng gia Buckingham, ở thủ đô London, thực hiện nghi lễ truyền thống “hôn tay” Nữ hoàng, trước khi chính thức trở thành nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử nước Anh.
Trong phát biểu đầu tiên sau khi chính thức được bổ nhiệm, tân Thủ tướng Anh May cho biết, bà sẽ tiếp tục điều hành chính phủ theo tinh thần của người tiền nhiệm Cameron, phục vụ lợi ích của đa số người dân Anh.
3. Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa tuyên bố sẽ triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle tới Trung Đông để tham gia cuộc chiến chống IS.
Phát biểu trước lễ diễu binh chào mừng ngày Quốc khánh Pháp (14/7), Tổng thống Hollande nêu rõ IS đang bị đẩy lùi tại khu vực Trung Đông, cụ thể là ở Iraq và Syria.
Hiện nay, lực lượng không quân của Pháp đang oanh kích các vị trí của IS, trong khi đó lực lượng bộ binh đang làm nhiệm vụ cố vấn cho quân đội Iraq, giúp nước này tiếp tục chiến dịch đánh bại IS.
Ông Hollande tuyên bố, Pháp sẽ gia tăng lực lượng bộ binh hỗ trợ Iraq, đẩy nhanh chiến dịch giải phóng thành phố Mosul – thành trì của IS tại Iraq và triển khai thêm phương tiện chiến đấu.
liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
4. Ông Sergei Lavrov tuyên bố, Nga sẵn sàng hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khuôn khổ Hiệp ước Nga – NATO.
Quang cảnh phiên họp Hội đồng NATO – Nga. (Ảnh: RT). |
Ngày 13/7, phát biểu với báo giới tại thủ đô Astana khi đang ở thăm Kazakhstan, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định, Nga muốn tiếp tục hợp tác với NATO theo những thỏa thuận đã được ghi rõ trong Hiệp ước cơ sở đã ký giữa Nga và NATO năm 1997.
Ngoại trưởng Nga cho rằng, NATO cần phải chủ động áp dụng các biện pháp cải thiện mối quan hệ với Nga bởi Nga không có kế hoạch chấm dứt những thỏa thuận về hợp tác với NATO trong cuộc chiến chống khủng bố.
5. Hoàng đế Nhật Bản Akihito vừa bày tỏ nguyện ước được thoái vị trong vài năm tới, theo hãng phát thanh truyền hình NHK.
Hoàng đế Nhật Bản Akihito. Ảnh: Reuters. |
Vị hoàng đế 82 tuổi này có một số vấn đề về sức khỏe trong vài năm trở lại đây. Truyền thông cho hay ông không muốn tiếp tục làm hoàng đế nếu ông phải bớt các nghĩa vụ chính thức.
Thế nhưng một phát ngôn viên của hoàng gia Nhật Bản phủ nhận việc vị quân chủ lập hiến của nước Nhật muốn thoái vị – một động thái chưa từng có tiền lệ trong nước Nhật hiện đại.
Thái tử Naruhito – 56 tuổi là người sẽ kế vị ngôi hoàng đế Nhật.
Một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Nhật đã nói với hãng tin Kyodo rằng mặc dù Nhật hoàng chủ yếu đóng vai trò lễ nghi nhưng lại được rất nhiều người Nhật sùng kính và ông đã suy tính về việc thoái vị trong nhiều năm.
6. Trong nỗ lực nhằm chống hạn hán và giảm thiểu tác động của thiên tai, chính phủ Trung Quốc sáng nay (14/7) quyết định phân bổ 199 triệu Nhân dân tệ (tương đương 29,76 triệu USD) cho chương trình điều chỉnh thời tiết.
Khắc phục lụt lội ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết thông tin này khi các phương tiện truyền thông đưa tin, lũ lụt trong năm nay ở Trung Quốc đã làm ít nhất 237 người chết. Số ngân sách vừa nêu sẽ cấp cho tỉnh và khu vực ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, như trận lũ lớn ở miền nam và miền trung, hạn hán ở Tây Bắc.
Trung Quốc thường sử dụng công nghệ điều khiển thời tiết, như làm mưa nhân tạo khi xảy ra hạn hán, giảm mây, làm quang bầu trời trước các sự kiện quốc tế trọng đại như Olympic, Bắc Kinh năm 2008. Trung Quốc đặt mục tiêu sử dụng công nghệ điều khiển thời tiết để tạo thêm hơn 60 tỷ mét khối nước mưa mỗi năm đến năm 2020./.