Tuesday, April 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBắc Kinh đau đầu kiểm duyệt các phát ngôn hiếu chiến trên...

Bắc Kinh đau đầu kiểm duyệt các phát ngôn hiếu chiến trên mạng

Chính Bắc Kinh đã thổi bùng ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa về các yêu sách trên Biển Đông, theo tạp chí Foreign Policy.

Những người theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc phản ứng quá khích sau khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tháng 9/2012. (Ảnh: AFP-JIJI)

Giờ đây, sau phán quyết vụ kiện biển Đông giữa Philippines-Trung Quốc của Tòa trọng tài thường trực (PCA) The Hague, Bắc Kinh lại phải cố gắng kiểm duyệt những lời kêu gọi chiến tranh trên mạng Internet của những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Đốt lửa…

Sau khi PCA tuyên bố phán quyết, vào 17h00 ngày 12/7 (giờ Bắc Kinh), rằng các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông không có cơ sở pháp lý, một làn sóng tức giận phản đối phán quyết này của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã bùng nổ trên các trang mạng xã hộicủa Trung Quốc.

Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, các phản ứng dữ dội như vậy là một con dao hai lưỡi.Việc kiểm duyệt các cuộc thảo luận trên Internet đã được thực hiện nhanh chóng, vì nội dung của chúng dường như đã đi “quá giới hạn” có thể chấp nhận được.

Chỉ vài giờ sau khi được Tòa công bố, “Phán quyết Biển Đông” trở thành cụm từ khóa phổ biến trên mạng xã hội Weibo – một mạng xã hội giống kiểu Twitter và được kiểm duyệt chặt chẽ ở Trung Quốc.

Đã có hàng trăm nghìn bình luận về phán quyết PCA được đăng tải trên mạng xã hội này. Rất nhiều người thể hiện sự tức giận của mình với phán quyết của tòa án quốc tế, với Mỹ – cường quốc mà Trung Quốc coi là đối thủ của họ trên Biển Đông, và với Philippines – nước đã đệ đơn kiện Trung Quốc năm 2013.

Một người dùng Weibo miêu tả phán quyết là “một tờ giấy lộn không hơn không kém” – giống như cách mà ông Đới Bỉnh Quốc, Cựu ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, mới phát ngôn tại một diễn đàn do các trung tâm nghiên cứu của Mỹ và Trung Quốc tổ chức ở Washington D.C, vào thời điểm 1 tuần trước khi phán quyết của PCA được công bố.

Khi đó, Trung Quốc liên tục nhắc đi nhắc lại rằng họ sẽ không chấp nhận hoặc tuân thủ phán quyết này.

Thậm chí còn xuất hiện lời kêu gọi tẩy chay điện thoại iPhone 7 vì đó là sản phẩm của Mỹ.

Những bình luận khác thì tỏ rõ sự tức giận đối với Philippines.

Một người dùng Weibo thậm chí còn viết bằng giọng rất khiêu khích “Đảo quốc Phillipnies có muốn trở thành ‘tỉnh Phillipnes’ không?” cùng với biểu tượng nắm đấm ở bên cạnh.

“Người đi bán chuối thì nên tiếp tục bán chuối, không nên nhòm ngó cá của chúng ta. Có Mỹ là đồng minh cũng không giải quyết được gì đâu” – là một comment nhận được 35.000 lượt “like” trên Weibo, ngụ ý nói về Phillipnes – đất nước đang xuất khẩu khá nhiều chuối sang Trung Quốc.

Những cuộc thảo luận tương tự cũng làm nóng các trang mạng khác. Một bài viết với nhan đề “Tối nay nổ ra chiến tranh trên Biển Đông” đã nhận được hơn 100 nghìn lượt xem trên ứng dụng nhắn tin WeChat. Những bài viết tương tự cũng được chia sẻ rất rộng rãi.

Thậm chí một nhân vật có ảnh hưởng trên cả Weibo và Wechat còn ngang ngược đăng bản đồ đường 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông kèm theo những bình luận ngang ngược.

… rồi cuống cuồng dập lửa

Tuy nhiên, một làn sóng kiểm duyệt cũng song hành với các bình luận quá khích trên.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nội dung đi trái với các tuyên bố của chính phủ Trung Quốc đã bị xóa bỏ, ví dụ như một nội dung được đăng tải vào ngày 12/7 rằng “Biển Đông không thuộc về Trung Quốc” – kèm thêm ảnh một người Phillipines phản đối các hành động của Trung Quốc trên biển.

Tuy nhiên, theo thông tin từ trang web chống kiểm duyệt Freeweibo, hầu hết các nội dung bị xóa là nội dung theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan kêu, gọi các hành động quân sự chống lại Mỹ và Phillipnes và bảo vệ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Những nội dung như “Cuối cùng chiến tranh cũng nổ ra ở Biển Đông” hay “Chúng ta sẽ chiến đấu”… đã bị các nhà chức trách kiểm duyệt và xóa bỏ.

Để hiểu tại sao Bắc Kinh lại muốn hạn chế những phát ngôn mang tính “ủng hộ” đối với họ như vậy, cần phải hiểu các rủi ro mà chủ nghĩa dân tộc thiếu kiềm chế có thể gây ra cho giới cầm quyền nước này.

Trang Foreign Policy dẫn lời Giáo sư Jessica Chen Weiss tại Đại học Cornell, Mỹ, chuyên nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, cho rằng:

“Những phản ứng như vậy tiềm ẩn cả cơ hội và thách thức đối với chính phủ Trung Quốc, khi chính phủ này vừa muốn khai thác dư luận nhưng lại vừa lo ngại sự bất ổn mà dư luận có thể gây ra.

Chính phủ Trung Quốc có xu hướng ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc khi họ cần có một sự linh hoạt nhất định trong việc xử lý các vấn đề đối ngoại”.

“Dù chính phủ Trung Quốc có các phản ứng cứng rắn như thế nào trước phán quyết Biển Đông của tòa án quốc tế, e rằng cũng khó có thể làm hài lòng những người dân tộc chủ nghĩa một cách cực đoan – vốn luôn lớn tiếng đòi gây chiến.

Kiểm duyệt các phát ngôn cực đoan là một phần trong chiến lược kiểm soát rủi ro của Bắc Kinh”, Giáo sư Weiss cho biết thêm.

Thời gian qua, Bắc Kinh đã luôn rêu rao cả với dư luận trong nước và quốc tế rằng các thực thể bên trong Đường 9 đoạn là thuộc chủ quyền của họ.

Chính sách lên gân này nhằm phục vụ cho kế hoạch bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng nó tiềm ẩn một nguy cơ lớn.

Ở trong nước, nếu Bắc Kinh không thể tiếp tục duy trì cái mà họ gọi là “sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông”, hoặc nếu tỏ ra không hào hứng trước những lời kêu gọi có các hành động cứng rắn, họ có nguy cơ bị người dân xem là yếu kém.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vốn ngày càng đông ở Trung Quốc có thể tức giận với giới cầm quyền.

Bắc Kinh hiểu rằng, hòa bình chung cho khu vực là điều cần thiết cho sự phát triển của chính Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa là việc đưa ra các yêu sách lãnh thổ (phi lý) ở Biển Đông tuy là chính sách cố hữu của Bắc Kinh, nhưng rõ ràng họ không muốn châm ngòi một cuộc chiến tranh với Philippines hay Mỹ.

Tuy nhiên, một lực lượng lớn người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thể gây áp lực chính phủ Trung Quốc, đòi hỏi phải có các biện pháp liều lĩnh.

Chủ quyền lãnh thổ là một vấn đề rất nhạy cảm ở Trung Quốc.Trong suốt thế kỷ 19, nhà Thanh đã không thể chống đỡ sự xâm lược từ châu Âu, dẫn tới hậu quả là Trung Quốc đã có sự nhượng bộ về lãnh thổ quan trọng cho Anh, Pháp và các nước khác.

Sau đó, vào thập niên 1930 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã không ngăn được sự xâm lược của Nhật Bản.

Rất nhiều người Trung Quốc vẫn nhớ, cảm thấy xấu hổ với sự yếu kém của những lực lượng lãnh đạo đất nước ở các thời kỳ này, đồng thời ngưỡng mộ cái mà họ cho là “sức mạnh” của chính phủ hiện tại.

Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, chính phủ Bắc Kinh được người dân tin tưởng một phần nhiều vì khả năng bảo vệ đất nước; một bộ phận dân chúng có tư tưởng dân tộc cực đoan thì lại thích cũng như các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ (bao gồm cả những tuyên bố ngang ngược, phi lý mà một bộ phận người dân Trung Quốc, do thiếu thông tin, vẫn cho là đúng – ND).

Tuy các phát ngôn cực đoan vẫn chưa được xóa hết khỏi không gian mạng Trung Quốc, việc kiểm duyệt nội dung online của các nhà chức trách sau khi Tòa quốc tế đưa ra phán quyết về Biển Đông đã cho thấy: 

Khi mà Trung Quốc vẫn phải chi cho vấn đề an ninh trong nước nhiều hơn chi cho quốc phòng, thì dù đang lao vào cuộc tranh đoạt lãnh thổ với láng giềng, Bắc Kinh vẫn luôn e ngại các nguy cơ xuất phát từ trong nước hơn là các nguy cơ bên ngoài.

RELATED ARTICLES

Tin mới