Saturday, May 18, 2024
Trang chủĐiểm tinQuan điểm đầu tiên của Lào sau phán quyết 'đường lưỡi bò'

Quan điểm đầu tiên của Lào sau phán quyết ‘đường lưỡi bò’

Lào theo dõi sát sao tình hình Biển Đông bởi đây là khu vực quan trọng và nhạy cảm, quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lào khẳng định.

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại Hà Lan. Ảnh: BBC

Ngày 16/7 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Lào ở thủ đô Vientiane đã diễn ra cuộc họp báo, trong đó bên cạnh việc thông báo công tác chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 49 và các hội nghị liên quan, phía Lào còn công bố quan điểm của nước này về vấn đề Biển Đông.

Tại cuộc họp báo chỉ dành riêng cho phóng viên trong nước này, trả lời câu hỏi của một phóng viên Lào về quan điểm của Lào đối với tình hình Biển Đông, quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lào, ông Bounnem Chuonghom cho biết:

“Lào theo dõi sát sao tình hình Biển Đông bởi đây là khu vực quan trọng và nhạy cảm. Lào hài lòng ghi nhận những tiến triển đạt được trong việc tổ chức thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), bao gồm cả việc tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thúc đẩy tiến trình này. Lào kêu gọi các bên liên quan tiếp tục kiềm chế và thảo luận nhằm giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình”.

Đây là lần đầu tiên Lào bày tỏ quan điểm về vấn đề Biển Đông kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) ra phán quyết không công nhận “đường 9 đoạn” còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” tại vùng biển này.

Về phía Campuchia, trước đó, trong cuộc họp nội các hôm 8/7, Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố: “Chúng ta, Campuchia, sẽ không ra bất kỳ thông cáo nào dưới bất kỳ hình thức nào về phán quyết của PCA đối với vụ kiện Biển Đông”.

Sau đó một ngày, Bộ Ngoại giao Campuchia ra thông cáo về lập trường của chính phủ nước này đối với vụ kiện Biển Đông.

Thông cáo có đoạn: “Quan điểm của Campuchia là Philippines muốn yêu cầu PCA dàn xếp tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc, và quy trình này không liên quan tới tất cả thành viên của ASEAN.

Do đó, Campuchia sẽ không tham gia bày tỏ bất kỳ lập trường chung nào về phán quyết của PCA”.

Phía Philippines – nước đưa vụ kiện ra PCA theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) – đã ra tuyên bố lập tức sau khi tòa công bố phán quyết.

Trong khi đó, Malaysia phát tuyên bố 7 giờ sau đó, đề nghị các bên, trong đó có Trung Quốc tìm những cách thức mang tính chất xây dựng để tiến hành đối thoại tích cực, cũng như đàm phán và tham vấn.

Việt Nam cũng lên tiếng hoan nghênh việc PCA đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế; trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Bộ Ngoại giao Singapore (MFA) ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, kiềm chế và tránh tiến hành bất kỳ hoạt động có thể gây căng thẳng trong khu vực.

Trả lời câu hỏi của truyền thông về phán quyết của PCA, người phát ngôn MFA cho biết Singapore đã ghi nhận phán quyết của PCA theo Phụ lục VII của UNCLOS, đồng thời đang nghiên cứu các phán quyết của PCA và tác động đối với Singapore cũng như toàn khu vực.

MFA nhấn mạnh Singapore ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, mà không cần đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Là một nhà nước nhỏ, Singapore ủng hộ việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, duy trì và bảo vệ các quyền và đặc quyền của tất cả các nước.

Bộ trên khẳng định Singapore thực hiện chủ trương duy trì quan hệ lâu dài và hữu nghị với tất cả các bên, bao gồm cả quan hệ song phương và trong ASEAN. Singapore ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Còn Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng ra tuyên bố kêu gọi gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển bền vững Biển Đông.

Trong tuyên bố được đưa ra vài giờ trước khi PCA ra phán quyết, Bộ Ngoại giao Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và các khu vực xung quanh, cũng như việc khôi phục lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực nhằm xây dựng một môi trường có lợi cho thịnh vượng và sự phát triển bền vững, thông qua hợp tác trên tinh thần xây dựng.

Thái Lan khẳng định vấn đề Biển Đông nên được giải quyết thông qua các nỗ lực phối hợp và bằng mọi phương cách, trên cơ sở sự tin cậy lẫn nhau cũng như lợi ích công bằng, phản ánh bản chất quan hệ lâu dài giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuyên bố nêu rõ: việc triển khai đầy đủ DOC phải được xem trọng và tất cả các bên liên quan cần nỗ lực hợp tác sớm hoàn tất COC để giúp các nước cùng phát triển.

Trong khi tái khẳng định ủng hộ các tuyên bố trước đó của ASEAN liên quan đến tình hình tại Biển Đông, Thái Lan cho rằng vì mục tiêu tối thượng của tất cả các bên và vì lợi ích của người dân, phải đảm bảo Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

RELATED ARTICLES

Tin mới