Mục tiêu hàn gắn mối quan hệ sóng gió với Trung Quốc của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể sẽ đối mặt với sự chỉ trích kịch liệt ở trong nước.
Tổng thống Duterte (phải) nói sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp trên biển.
Tổng thống Duterte nói, ông sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp trên biển, sau khi Toà trọng tài ra phán quyết bác bỏ chủ quyền lịch sử và “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đây có thể là bước đi đầu tiên tiến tới một giải pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila, kể từ khi Trung Quốc đuổi ngư dân Philipines khỏi bãi cạn Scarborough năm 2012, và xây 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố, phán quyết của Toà trọng tài là “vô hiệu” vì toà không có thẩm quyền xét xử vụ kiện. Trong phán quyết, Toà kết luận rằng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc lấn vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Ông Duterte đã yêu cầu cựu Tổng thống Fidel Ramos đến Trung Quốc để bắt đầu các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, cựu lãnh đạo 88 tuổi này viện lý do tuổi cao và những cam kết khác để từ chối, nói rằng ông không thể đảm nhận nhiệm vụ này.
Mục tiêu hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc của ông Duterte – bản thân ông đã nói về mong muốn được Trung Quốc tài trợ xây dựng đường sắt – sẽ bị hạn chế hơn bởi phán quyết của Toà. Ông Duterte cũng có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối dữ dội ở Philippines nếu ông cố gắng nhượng bộ Bắc Kinh.
Luật sư trưởng của Philippines, Jose Calida, nói rằng phán quyết sẽ là cơ sở cho bất kỳ cuộc đàm phán nào. Nhưng Trung Quốc nói ngược lại: Đàm phán thì được, nhưng dùng phán quyết để đàm phán thì không.
“Sau khi cơn bão trọng tài này qua đi, bầu trời lại sáng, chúng tôi hy vọng ngày (thương lượng) sẽ đến một cách nhanh chóng” – Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói, bổ sung rằng Bắc Kinh tin tưởng sự hợp tác cũng sẽ đem lại “lợi ích hữu hình” cho Manila.
Ứng viên được Tổng thống Mỹ Obama đề cử cho chức vụ Đại sứ Mỹ tại Philipines, Sung Kim, cho biết Mỹ sẽ ủng hộ các cuộc đàm phán Trung-Phi nếu chúng không bị “cưỡng ép và áp lực”.
Trong khi đó, đô đốc Hải quân Mỹ John Richardson đã đến Bắc Kinh hôm 17.7 để hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc về Biển Đông và các vấn đề khác. Chuyến thăm của ông John Richardson bao gồm cả đến thăm tàu sân bay Liêu Ninh ở Thanh Đảo.