BOT là hộp đen mà không ai được tiếp cận, không ai được biết nhà đầu tư đã bỏ vốn vào đó là bao nhiêu, thời gian hoàn vốn khi nào…
Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 báo cáo Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề đáng chú ý đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, BOT. Như cách xác định lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí tại nhiều dự án chỉ căn cứ theo kết quả khảo sát thực tế trong 2 ngày để xác định phương án tài chính. Trước đó, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã phát hiện ra khá nhiều yếu kém của các cơ quan quản lý, khiến nhiều dự án BOT bị kê khống, khai khống vốn làm tăng tổng mức đầu tư.
Thể hiện rõ thái độ bức xúc, ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết, ở thời điểm hiện nay, BOT là một phương thức thích hợp để Việt Nam khắc phục trong điều kiện nhu cầu phát triển hạ tầng cao nhưng nguồn vốn ngân sách vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, ông khẳng định, điều khiến dư luận cũng như người dân bức xúc, không hài lòng nhất là tính không minh bạch của cơ chế này.
“BOT là hộp đen giấu kín những thông tin liên quan tới dự án, mà không ai được tiếp cận, không ai được biết nhà đầu tư đã bỏ vốn vào đó là bao nhiêu? Cũng không ai biết nguồn thu phí sau khi hoàn thành dự án được bao nhiêu, do đó, sẽ không ai biết được cơ sở nào để nhà đầu tư đưa ra mức tính toán thu phí bao nhiêu là hợp lý, bao nhiêu là đủ. Như vậy thì cũng không ai xác định được phải cần bao nhiêu năm để nhà đầu tư thu hồi đủ vốn. Nhà đầu tư nói 30 năm, dân cũng chỉ biết là phải 30 năm, nếu kéo dài tới 40 năm thì cũng phải chịu 40 năm. Tôi cho rằng đây là kẽ hở rất lớn tạo điều kiện cho tham nhũng, thất thoát, gây thiệt hại cho ngân sách và cuối cùng thiệt thòi tất cả đổ hết lên đầu người dân”, vị đại biểu bức xúc.
Vị đại biểu cũng bày tỏ lo ngại, chính cơ chế thiếu minh bạch là cơ hội tự tung tự tác của các nhà đầu tư BOT. Ông giải thích, vì đây là nguồn vốn ngân sách nhà nước không trực tiếp bỏ tiền ra nên gần như nhà nước cũng đứng ngoài cuộc trong các phi vụ đầu tư này. Nhưng ông tiết lộ, sẽ có nhiều người trong bộ máy quản lý, bộ máy công quyền lại được hưởng lợi bởi cái cơ chế thiếu minh bạch đó.
“Sẽ có những chuyện đi đêm, móc ngoặc với nhau. Tôi muốn nói tới trường hợp mà dư luận hẳn ai cũng biết, đó là lần người dân tại trạm thu phí Xuân Mai – Hòa Bình đã chặn xe tôi để gửi kiến nghị vì phản đối tiền phí quá cao.
Khi người dân gặp tôi, họ nói rất rõ ràng là “chúng tôi chỉ cần minh bạch”. Vậy tại sao không trưng ngay ra những con số tổng số đầu tư toàn đoạn đường đó là bao nhiêu? Bao nhiêu lâu sẽ thu hồi được vốn? Thu hồi vốn dựa trên cơ sở nào? Việc này không hề khó nhưng tại sao không làm được”, ông đặt câu hỏi.
Theo ông Quốc, nếu có cơ chế minh bạch thì việc giám sát cũng sẽ dễ dàng hơn. Mặc dù, không thể đếm chính xác lượt người qua lại nhưng hoàn toàn có thể đánh giá được khả năng thu hồi vốn cho dự án, mức thu như thế nào hay một ngày thu được bao nhiêu, thời gian bao lâu có thể thu hồi được vốn… chỉ cần dựa trên lưu lượng người và phương tiện qua trạm thu phí đó. Sự minh bạch là công cụ giúp cho người dân có thể giám sát tốt nhất.
Bên cạnh đó, ĐB Dương Trung Quốc cũng chỉ ra một kẽ hở rất lớn trong công tác quản lý thu phí BOT mà không dễ kiểm soát được.
Nhất là trong điều kiện Việt Nam chưa thể áp dụng các hệ thống giám sát đường bộ hiện đại thì việc thu phí cũng là một lỗ hổng có nguy cơ gây thất thoát lớn. Không ai kiểm soát được tổng nguồn thu thực tế sau khi hoàn thành dự án với nguồn thu báo cáo có khớp nhau hay không?.
Trên thực tế, ngay cả Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đã nói, chủ đầu tư báo cáo thu được 1 tỷ nhưng người dân lại phản ánh nguồn thu phải lên tới 3-4 tỷ. Vị đại biểu đặt câu hỏi “tại sao lại có chuyện như vậy?”, “tại sao dự án lại chậm thu hồi vốn so với báo cáo ban đầu?”… theo ông, không thể loại trừ có sự gian dối, sự thông đồng, bắt tay giữa các cơ quan quản lý với cơ quan khai thác BOT trong trường hợp này.
“Tình trạng kéo dài thời gian thu, thu phí cao, thu phí nhiều đang tồn tại từ nhiều năm tại nhiều dự án là minh chứng điển hình thể hiện cho một cơ chế thiếu minh bạch, tiềm ẩn những điều bất minh trong công tác quản lý. Tôi lấy ví dụ đường QL5 do người Pháp xây dựng cả 100 năm nay. Đường cũng được bảo trì, nâng cấp bằng chính nguồn tiền thuế do người dân đóng góp. Vậy có lý do gì để thu thuế đường cao tốc lại tiếp tục thu thuế trên cả con đường này? Trong khi đó, đường thì chất lượng kém, xuống cấp, thu phí cao.”
Theo ông Quốc, nhu cầu phát triển hạ tầng tại Việt Nam còn rất nhiều, nếu cứ tiếp tục như vậy nguy cơ thất thoát, gây thiệt hại cho ngân sách cũng như người dân là vô cùng lớn.
Vì vậy, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, cần phải tiến hành rà soát lại toàn bộ việc thu phí tại các trạm BOT, giao quyền giám sát cho các cơ quan quản lý đồng thời cũng phải trao quyền giám sát cho cả người dân. Nếu thấy cần thiết có thể lắp đặt các hệ thống đồng hồ điện tử, giống như đồng hồ điện, có thể đo được một ngày chủ đầu tư thu được bao nhiêu, rồi tự động trừ đi số ngày cần hoàn thu. Bằng cách nào thì cũng không ai được phép làm sai lệch, hay gian dối với đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân.
Vị ĐBQH cho rằng, tất cả đều nhận thấy rõ những nguy cơ và sự cần thiết trong vấn đề giám sát các dự án BOT, do đó, đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT mới được coi là một trong 4 nhiệm vụ quan trọng được đề nghị Quốc hội giám sát. Quốc hội chính là tiếng nói của dân, nói thay tiếng nói của người dân, Quốc hội giám sát chính là người dân giám sát.
Vì vậy, không phải cứ chờ Quốc hội họp mới đưa ra bàn và nói tới. Vấn đề này cần phải được nói thường xuyên, nói bất cứ khi nào nếu còn tồn tại bất cập.
Vì vậy, ông Quốc yêu cầu: ” Cần phải công khai báo cáo minh bạch, đầy đủ, chính xác tất cả những thông tin liên quan tới dự án. Tất cả hiện tượng tiêu cực, không bình thường đều phải được phản ánh trung thực. Cùng với đó, các tổ chức xã hội cũng sẽ cùng tham gia. Như vậy tất cả tình trạng gian dối, thu nhiều nói ít, thu đủ nói thiếu… đều sẽ bị bóc mẽ, không thể che giấu được”, ông Quốc nói.
Vị đại biểu cũng cho biết, trong quá trình giám sát nếu phát hiện những hợp sai phạm gây thiệt hại cho người dân, đều phải thu hồi phần lạm thu hoặc rút ngắn thời gian thu hồi vốn.
“Chúng ta rất song phẳng với doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng phải công bằng với người dân”, ông Quốc nhấn mạnh.