Gần đây, Paris đã cho thấy rõ ý định “dấn thân” vào Biển Đông, thậm chí khuyến khích EU tích cực hơn trong việc hậu thuẫn cho các nỗ lực của Mỹ.
Cho đến nay, khi đề cập đến Biển Đông, người ta thường chú ý đến các nước có liên quan trực tiếp như Việt Nam, Philippines, Trung Quốc…, hay các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ…
Tuy nhiên, thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc đã khiến cho nhiều nước khác quan ngại, trong đó có Pháp.
Bất chấp nguy cơ có thể khiến Bắc Kinh phật ý, trong thời gian gần đây, Paris đã cho thấy rõ ý định lại “dấn thân” vào Biển Đông, thậm chí khuyến khích Liên minh châu Âu (EU) tích cực hơn trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực, hậu thuẫn cho các nỗ lực của Mỹ.
Trong một bài phân tích được trang mạng The Diplomat của Nhật Bản công bố ngày 14/7, ông Yo-Jung Chen, từng là một nhà ngoại giao Pháp gốc Đài Loan, đã không ngần ngại cho rằng quyết định “dấn thân” của Paris đã làm tăng thêm tình trạng bị cô lập của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
Tác giả đã nhắc lại sáng kiến vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nêu lên ngày 5/6 vừa qua tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, theo đó EU cần tổ chức những chiến dịch tuần tra chung tại “các vùng biển châu Á”, và duy trì “một sự hiện diện thường xuyên và rõ rệt” tại đó.
Để làm điều đó, nước Pháp sẵn sàng đứng ra phối hợp các lực lượng Hải quân của các nước thành viên EU nhằm tiến hành các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông.
Dĩ nhiên, Trung Quốc không được nêu đích danh trong phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Le Drian (vì Trung Quốc không phải là nước duy nhất tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông), nhưng sáng kiến của Pháp đã được coi là một tin xấu đối với Bắc Kinh, vốn đã rất bực tức trước những điều mà Trung Quốc coi là “hành vi can thiệp từ bên ngoài” của Mỹ và đồng minh vào cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ven Biển Đông.
Tuy nhiên, về mặt quân sự, kế hoạch của Pháp sẽ không có tác động quyết định nào đến tình hình Biển Đông.
Lý do rất dễ hiểu, dù là một trong những cường quốc quân sự trên thế giới, song sự hiện diện quân sự của Pháp trong khu vực rất khiêm tốn, còn các nước EU khác thì hoàn toàn vắng bóng.
Cho dù vậy, theo tác giả bài viết, sáng kiến của Pháp rất có khả năng có giá trị lớn hơn về mặt ngoại giao, vì nó làm gia tăng đáng kể thế bị cô lập gần như hoàn toàn của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, thể hiện qua thất bại của Bắc Kinh trong việc hình thành một liên minh quốc tế nhằm ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc, chống lại phán quyết ngày 12/7 vừa qua của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hà Lan.
Sáng kiến của Pháp, nếu được hưởng ứng, sẽ tiếp tục làm suy yếu vị thế của Trung Quốc vì lôi kéo được một khối “nặng ký” như EU vào việc gây thêm áp lực quốc tế buộc Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế, được thể hiện trong phán quyết của PCA.
Câu hỏi đang được nhiều người đặt ra là tại sao Pháp và EU, vốn có lợi ích thương mại quan trọng với Trung Quốc, lại dám “dấn thân” vào Biển Đông, dù biết rõ rằng điều đó sẽ làm Bắc Kinh phật ý?
Theo tác giả bài viết trên tờ The Diplomat, nguyên nhân chính là do thái độ của Bắc Kinh.
Pháp và EU ngày càng quan ngại rằng các hành động hung hăng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và việc Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền của PCA sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề quản trị toàn cầu và tôn trọng pháp luật quốc tế, với những hệ quả vượt quá khu vực Đông Nam Á.
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Le Drian không nói gì hơn khi cho rằng nếu luật pháp quốc tế và quyền tự do hàng hải không được tôn trọng ngay bây giờ và ngay ở Biển Đông, thì sau này chúng sẽ bị vi phạm ở những nơi khác trên thế giới, kể cả bên trong và xung quanh châu Âu.