Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngBa loại khí tài Trung Quốc có thể dùng để lập ADIZ...

Ba loại khí tài Trung Quốc có thể dùng để lập ADIZ trên Biển Đông

Với sự kết hợp các máy bay tiêm kích, cường kích của hạm đội Nam Hải và mạng lưới cảnh báo sớm, Trung Quốc có thể thực thi ADIZ trái phép trên Biển Đông.

 

Việc Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ các yêu sách trong “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông đã làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ sớm thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở khu vực này như một động thái trả đũa phán quyết của tòa, theo USNI.

Theo Mike Yeo, chuyên gia quốc phòng thuộc Viện Phân tích Hải quân Mỹ, nếu Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Đông, trách nhiệm tuần tra và thực thi ADIZ đó sẽ do hạm đội Nam Hải phụ trách, với các loại vũ khí, trang bị hiện có trong biên chế.

Tiêm kích bom Tây An JH-7A

Tiêm kích bom JH-7A của Trung Quốc. Ảnh: PLA

Bên cạnh các tàu chiến, hạm đội Nam Hải còn được biên chế thêm hai sư đoàn không quân trực thuộc hải quân (sư đoàn 8 và sư đoàn 9) với các tiêm kích bom Tây An JH-7A và tiêm kích đánh chặn Thẩm Dương J-11B. Hai sư đoàn không quân này gồm 4 trung đoàn không quân hải quân, trong đó có hai trung đoàn chiến đấu với biên chế mỗi đơn vị khoảng 24 máy bay đóng quân trên đảo Hải Nam.

Tiêm kích bom JH-7 là mẫu máy bay hai động cơ được biên chế trong quân đội Trung Quốc từ thập niên 1990. Đây là loại máy bay được thiết kế để chuyên tấn công các mục tiêu trên biển và trên mặt đất nhờ trang bị tên lửa diệt hạm YJ-82 và bom thông thường.

Biến thể cải tiến JH-7A, được sản xuất và biên chế năm 2004, được bổ sung khả năng tấn công chính xác nhờ trang bị bom dẫn đường thế hệ mới và thiết bị chỉ thị mục tiêu. Cả JH-7 và JH-7A đều sử dụng hệ thống radar nội địa đa chức năng và có khả năng tác chiến không đối không hạn chế nhưng hoàn toàn đủ khả năng thực thi ADIZ.

Trung đoàn 27, sư đoàn không quân số 9 của hạm đội Nam Hải hiện vận hành các tiêm kích bom JH-7A ở căn cứ Lạc Đông phía tây nam đảo Hải Nam. Đây chính là đơn vị đã huy động máy bay trinh sát và cảnh giới trong vụ Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam hồi năm 2014, theo USNI.

Căn cứ Lạc Đông đã được củng cố đáng kể trong 15 năm qua. Các bức ảnh vệ tinh năm 2002 cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một nhà chứa máy bay ngầm xuyên qua một ngọn núi gần đó và các bức ảnh sau đó cho thấy căn cứ này đã vận hành trước 2008.

Tiêm kích Thẩm Dương J-11B

ba-loai-khi-tai-trung-quoc-co-the-dung-de-lap-adiz-tren-bien-dong-1

Tiêm kích đánh chặn Thẩm Dương J-11BH của Trung Quốc. Ảnh: PLA

Ba trung đoàn không quân của hạm đội Nam Hải còn lại vận hành các tiêm kích Thẩm Dương J-11B. Đây là một biến thể sao chéo không được cấp phép của tiêm kích Su-27 Nga, sử dụng hệ thống điện tử nội địa và được trang bị động cơ WS-10 Taihang từ năm 2010. 

Trung Quốc bắt đầu phát triển tiêm kích J-11B từ 2002 với mong muốn tự sản xuất một loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 hiện đại, được tích hợp các gói điện tử và radar cùng vũ khí nội địa như tên lửa không đối không PL-8 và PL-12 của nước này.

Từ 2010, biến thể hải quân JH-11BH được biên chế cho các trung đoàn không quân của PLANAF. Trung đoàn 22, sư đoàn không quân số 8 của hạm đội Nam Hải đóng quân tại căn cứ Gia Lại Thức (Jialaishi) phía bắc đảo Hải Nam là đơn vị đầu tiên được biên chế biến thể tiêm kích này. Ngoài ra, trung đoàn không quân chiến đấu số 24 của sư đoàn 8 đóng quân tại đây cũng được trang bị tiêm kích J-11BH/BSH trong giai đoạn 2013-2014.

Theo ông Yeo, tiêm kích J-11B sẽ là khí tài hữu dụng để tuần tra và thực thi ADIZ trên Biển Đông. Có thể mang theo tới 10 tên lửa không đối không và thùng dầu phụ 10 tấn, chiến đấu cơ này là một công cụ lý tưởng để thực thi các nhiệm vụ xa bờ trong thời gian dài.

PLANAF đã triển khai phi pháp các tiêm kích J-11 trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Nếu thiết lập ADIZ trên Biển Đông, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tiếp tục điều J-11 tới đây và các đường băng cải tạo phi pháp trên đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn, để mở rộng tầm hoạt động lên đáng kể, theo ông Yeo.

Mạng lưới cảnh báo sớm

ba-loai-khi-tai-trung-quoc-co-the-dung-de-lap-adiz-tren-bien-dong-2

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đã triển khai radar tần số cao ở đá Châu Viên, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS

Sau khi bồi lấp các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc có nhiều dấu hiệu xây dựng các trạm radar cao tần ở hầu hết các thực thể này. Chẳng hạn như trên đá Châu Viên, các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các radar thông thường và cả radar cao tần kiểm soát bầu trời. Khi vận hành đầy đủ, các radar này sẽ có khả năng bao quát gần như toàn bộ vùng trời Biển Đông.

Tầm hoạt động của radar cũng được tăng cường nhờ việc triển khai luân phiên máy bay cảnh báo sớm trên không như máy bay Thiểm Tây KJ-200 AEW ở căn cứ Linh Thủy (Lingshui) trên đảo Hải Nam. Khi kết hợp với nhau, các radar và máy bay này sẽ giúp Bắc Kinh có khả năng cảnh báo sớm vượt trội, có thể gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động tự do hàng hải trên không và trên biển của Mỹ.

Yeo cho biết trong sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, máy bay cảnh báo sớm KJ-200 đã xuất hiện trên bầu trời cùng một số máy bay tuần thám Thiểm Tây Y-8J/X. Các máy bay này thường thuộc sư đoàn không quân hải quân số 2 của hạm đội Bắc Hải, nhưng dường như tạm thời được phối thuộc cho hạm đội Nam Hải.

“Nếu các khí tài này được triển khai trong trường hợp Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Đông, họ hoàn toàn có thể tuần tra và kiểm soát một cách dễ dàng hơn so với trên biển Hoa Đông”, Yeo nhấn mạnh.

Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc không thực hiện các hành động quân sự hóa như lập ADIZ trên Biển Đông hay tiếp tục các hoạt động cải tạo đảo phi pháp, làm căng thẳng tình hình. Washington cũng yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài, tôn trọng luật pháp và các thông lệ quốc tế.

Việt Nam hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài, ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới