Việc Trung Quốc thuê đất làm pin mặt trời tại Bắc Giang là cơ hội lớn của Việt Nam nhưng chúng ta cần thận trọng quan quản lý.
Việc Trung Quốc thuê đất làm pin mặt trời tại Bắc Giang là cơ hội lớn của Việt Nam nhưng chúng ta cần thận trọng quan quản lý.
Cơ hội của Việt Nam
Mới đây, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa cho Tập đoàn JA Solar (Trung Quốc) thuê 88ha đất tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) để đầu tư Dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời công nghệ cao. Tổng vốn đầu tư dự án là một tỷ USD. Trong giai đoạn một, tập đoàn này sẽ xây dựng nhà máy với tổng vốn 300 triệu USD.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Bội Khuê – Trưởng khoa điện – điện tử – Đại học Bình Dương cho rằng đây là một cơ hội mới đầy triển vọng đối với Việt Nam.
Theo PGS.TS Khuê, năng lượng mặt trời là lĩnh vực mà nhiều nước trên thế giới đã ưu tiên phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hơn nữa đây là một công nghệ xanh sạch, bền vững và thân thiện với môi trường.
“Việc phát triển về năng lượng mặt trời là hướng đi đúng đắn và chúng ta cần phải hết sức ủng hộ. Hiện nay nhiều công nghệ sử dụng tại các nhà máy nhiệt điện ô nhiễm môi trường, gây ra tác động xấu vì vậy chúng ta cần chú trọng vào công nghệ xanh để cung cấp một năng lượng bền vững và sạch, thân thiện với môi trường. Ở Việt Nam, vấn đề này hiện nay chưa được quan tâm đúng mức và còn tồn tại nhiều vấn đề tranh cãi.
Thực tế đây là một công trình rất tốt. Với chi phí sản xuất thấp hơn, an toàn, vị trí địa lý thuận lợi, tôi cho rằng nếu triển khai được ở Việt Nam thì đây là một cơ hội phát triển năng lượng mặt trời rất lớn đối với chúng ta”, PGS.TS Khuê khẳng định.
Là người từng có nhiều năm làm việc với các đối tác nước ngoài về lĩnh vực năng lượng mặt trời, vị chuyên gia khẳng định JA Solar là một tập đoàn có nhiều kinh nghiệm của Trung Quốc với các thành tích và công nghệ sạch được ghi nhận trên thế giới.
“Tôi đã vào tận website đọc và tìm hiểu các tài liệu liên quan đến tập đoàn JA Solar. Đây là một những tập đoàn lớn về năng lượng mặt trời của Trung Quốc, kể cả thế giới. Họ có nhiều thành tích xuất cảng công nghệ cũng như máy móc khắp thế giới, kể cả đầu tư vào Nhật Bản cũng như Mỹ. Họ làm chuẩn hóa, đồng bộ.
Thứ hai là Tập đoàn này xây dựng rất bền vững từ năm 2005. Họ đi từ nghiên cứu phát triển về năng lượng mặt trời, từ cơ sở phòng thí nghiệm, đưa ra lý luận và đưa ra thực tiễn bằng những mô hình cụ thể. Chính vì vậy sự phát triển của JA Solar rất tốt. Đó là một hình mẫu về năng lượng mặt trời tuyệt vời”, PGS.TS Khuê nhấn mạnh.
Việc Việt Nam cần làm…
Dù thừa nhận Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển lĩnh vực mới mẻ như năng lượng mặt trời, tuy nhiên Trưởng khoa điện – điện tử trường Đại học Bình Dương cho rằng yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của dự án nằm ở công tác quản lý của Việt Nam.
Dẫn chứng thực tế từ trường hợp Formosa Hà Tĩnh tự động chuyển đổi công nghệ xử lý từ cốc khô sang cốc ướt, gây ra nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường cho các tỉnh miền Trung, vị chuyên gia cho rằng chúng ta còn yếu kém trong khâu giám sát dẫn đến tình trạng các nhà thầu có thể lợi dụng để gian lận trong các yêu cầu về môi trường.
“Chúng ta phải quản lý phải theo tiêu chuẩn môi trường. Cần phải giám sát, kiểm tra xem phía tập đoàn Trung Quốc có đạt được không các tiêu chuẩn đó không? Thiết kế của họ có đúng không?
Tiếp theo là họ triển khai công nghệ có đúng như là làm trong thiết kế, có đúng như lời giới thiệu ban đầu không? Cái đấy là thuộc về Việt Nam. Nếu chúng ta yếu kém những điều này thì sẽ phải lãnh hậu quả.
Để khắc phục những điều này thì thứ nhất chúng ta phải rà soát. Thứ hailà chúng ta phải sử dụng chuyên gia. Chúng ta có thể huy động các chuyên gia có kinh nghiệm trong nước chúng tham gia. Nếu chuyên gia Việt Nam không đủ thì phải sử dụng thêm chuyên gia của thế giới.
Trước đây khi Việt Nam xây dựng đường dây Bắc – Nam cũng không biết gì, nhưng chúng ta đã sử dụng công nghệ và chuyên gia của thế giới. Từ không biết, chúng ta trở thành có biết”, PGS.TS Khuê nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, bên cạnh việc giám sát kỹ các tiêu chuẩn về môi trường, phía Việt Nam cũng cần phải có quan điểm cứng rắn với tập đoàn Trung Quốc nếu như trong quá trình triển khai dự án họ mắc phải những vi phạm, gây nguy hại đến môi trường.
“Nếu phía Trung Quốc sai phạm gì đó, chúng ta hoàn toàn có thể dùng chuyên gia giám sát, phát hiện và xử lý ngay theo quy định của pháp luật. Từ đó buôc họ phải thay đổi”, PGS.TS Khuê khẳng định.
Phải báo cáo Bộ quốc phòng kiểm tra
Cùng đưa ra quan điểm xung quanh dự án này, TS Nguyễn Thế Hùng- Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp của Đài Loan, Trung Quốc lâu nay đã khiến thế giới lo lắng về việc đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật môi trường.
Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã phải chứng kiến những thảm họa môi trường do việc thiếu trách nhiệm trong xử lý thải của các doanh nghiệp Trung Quốc gây ra. Vì vậy trước dự án mới này, TS Nguyễn Thế Hùng cho rằng chúng ta cần phải nghiên cứu hết sức thận trọng.
“Nhiều người lo ngại việc xây dựng dự án pin năng lượng mặt trời có thể ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc phòng hay ô nhiễm môi trường. Vì vậy với dự án này tôi cho rằng thứ nhất cần phải được xem qua bởi Bộ quốc phòng để xem vị trí đó ảnh hưởng đến quốc phòng như thế nào.
Thứ hai là về các tiêu chuẩn môi trường có đáp ứng được đầy đủ không. Rồi sau nữa là vấn đề giải tỏa đến bù thỏa đáng cho người dân. Cái đó sẽ là phải làm việc hết sức thận trọng”, TS Hùng nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho rằng, ở các nước tiên tiến trên thế giới, họ áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, có khả năng giám sát được khả năng gây ô nhiễm thải ra môi trường xung quanh của các doanh nghiệp trong nước cũng như đối tác nước ngoài. Vì vậy vấn đề ô nhiễm môi trường thường ít khi xảy ra. Trong khi điều này lại chưa được thật sự chú trọng tại Việt Nam.
“Ở Việt Nam thì đất đai thuộc kiểu cho không, đền bù cũng không đáng bao nhiêu. Các tiêu chuẩn môi trường thì phía Trung Quốc lợi dụng sự lơ là, thiếu trách nhiệm của chính quyền từ Trung ương đến địa phương để ăn gian về công nghệ.
Ở các nước tiên tiến, Trung Quốc rất khó để có thể chen chân vào đó. Một khi môi trường bị ô nhiễm, một khi quyền lợi lao động không được đảm bảo thì người dân ở đó sẽ khiếu kiện, biểu tình. Điều này chưa được chú trọng ở Việt Nam”. TS Hùng dẫn chứng.
Theo TS Hùng, Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư nước ngoài vào các tỉnh, thành phố để triển khai các dự án hợp tác nhưng không phải vì thế mà buông lỏng công tác quản lý, nhất là các tiêu chuẩn về môi trường.
“Mọi thông tin phải minh bạch, phải xem xét theo trình tự các dự án của luật pháp một cách chặt chẽ. Ngoài ra với các dự án đầu tư nước ngoài cần phải có sự giám sát của các chuyên gia, nhân dân, có các tổ chức xã hội dân sự tham gia cùng. Như vậy các vấn nạn về ô nhiễm môi trường sẽ được giảm xuống”, TS Hùng khẳng định.