Bảo tàng đầu tiền và cũng là duy nhất dành riêng để tưởng niệm cuộc thảm sát các sinh viên Bắc Kinh ủng hộ dân chủ tại Thiên An Môn năm 1989 đã chứng kiến dòng người viếng thăm cuối cùng vào ngày 11 tháng 7, 2016.
Được thành lập năm 2014, Bảo tàng Ngày 4 tháng 6 nằm ở khu vực thương mại phồn thịnh Tiêm Sa Chủy ở Hồng Kông đã tiếp nhận tổng cộng 24.562 lượt người tham quan, trong một không gian rộng hơn 419 mét vuông – trung bình khoảng 40 người mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu. Tuy nhiên sự nổi tiếng của bảo tàng vẫn không được lòng lãnh đạo tòa nhà, hay bất kỳ ai gây áp lực với họ ở phía sau hậu trường.
Nhà bảo trợ của bảo tàng – tổ chức Liên minh Hồng Kông ủng hộ phong trào dân chủ ái quốc tại Trung Hoa – một trong những tổ chức ủng hộ dân chủ lâu đời nhất ở thành phố, phát biểu rằng lãnh đạo tòa nhà đã gây khó dễ với họ.
Thông tin trên thông báo đóng cửa đăng trên trang web của bảo tàng cho biết: “Bảo tàng Ngày 4 tháng 6 đã liên tục bị quấy rối bởi các vụ kiện từ Tập đoàn chủ sở hữu Trung tâm Foo Hoo [Bảo tàng Ngày 4 tháng 6 ở trên tầng 5 Trung tâm Foo Hoo]”. Các chủ sở hữu của tòa nhà cũng yêu cầu khách viếng thăm đăng ký danh tính của họ và phàn nàn về lượng khách tấp nập đến bảo tàng đã “làm quá tải hoạt động của thang máy” – cùng với các khiếu nại khác.
“Liên minh Hồng Kông đã quyết định bán địa điểm hiện tại để tránh các vụ kiện tụng hoặc quấy rầy tiếp theo, và để tìm một không gian lớn hơn để xây dựng lại Bảo tàng”, thông báo cho biết.
Liên minh tin rằng sự quấy rối bị thúc đẩy bởi yếu tố chính trị. Stanly Chau Kwok-chiu – người đứng đầu tập đoàn – “có quan hệ với Đại lục”, Liên minh viết trong một tin nhắn trên Facebook cho một phóng viên của thời báo Epoch Times. Ví dụ như những người khác thuê địa điểm này không bị buộc phải thông báo về những người viếng thăm.
Phong trào ủng hộ dân chủ Ngày 4 tháng 6 được khởi xướng bởi sinh viên vào năm 1989, đã kết thúc bằng một cuộc đàn áp đẫm máu, giết chết hàng trăm người thậm chí là hàng nghìn người. Trung Quốc đã kiểm duyệt việc đề cập đến vụ thảm sát kể từ đó, đồng thời giám sát và bắt bớ các nạn nhân và các nhà hoạt động công khai phát biểu về nó. Đơn cử như Nhà hoạt động nhân quyền Chen Yunfei đang bị hầu tòa vì thăm những ngôi mộ của các nạn nhân thảm sát Thiên An Môn.
Liên minh không nhìn nhận vụ đóng cửa như là sự kết thúc cuộc đấu tranh của họ. Họ lên kế hoạch di chuyển các hiện vật triển lãm bao gồm một chiếc mũ bảo hiểm với một lỗ đạn, giấy chứng tử, những bức ảnh đen trắng, đến một địa điểm rộng hơn chưa được xác định. Liên minh đang gây quỹ số tiền 3 triệu Đô la Hồng Kông (38000 USD) thông qua việc bán địa điểm hiện tại và quyên góp từ cộng đồng.
Chủ tịch của Liên minh Albert Ho Chun-yan trong một cuộc phỏng vấn với AFP cho biết: “Mặc dù việc đóng cửa bảo tàng tại riêng địa điểm này là vĩnh viễn. Tôi đảm bảo với các bạn rằng một bảo tàng mới sẽ sớm mở cửa trở lại, hy vọng là trong vòng một năm”.
Rất nhiều du khách đã vội vã tới để được nhìn lướt qua trước ngày đóng cửa 11 tháng 7. Ông Leung, người đã bắt đầu tham gia vào những buổi tưởng niệm ngày 4 tháng 6 kể từ năm 1989, đã rơi lệ khi hồi tưởng lại Cuộc đàn áp tàn bạo Thiên An Môn. “Tôi thân thuộc với mọi thứ ở trong bảo tàng”, ông cho tờ Apple Daily biết. “Nó [cuộc thảm sát] là một sự ô nhục – Bảo tàng ngày 6 tháng 4 là một chứng tích lịch sử và nên được giữ lại”.
Comments are closed.