Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnDuy trì một trật tự dựa trên nguyên tắc tại Biển Đông

Duy trì một trật tự dựa trên nguyên tắc tại Biển Đông

Tòa Trọng tài Thường trực La Hay đã bác bỏ toàn bộ những điểm chính yếu trong yêu sách của Bắc Kinh đối với vùng nước tại biển Đông vào ngày thứ Ba vừa rồi. Trả lời phỏng vấn, Giáo sư Andrew Erickson thuộc Cao đẳng Chiến tranh Hải quân mỹ cho rằng kết luận của Tòa trọng tài cho thấy sự cần thiết hình thành một trật tự dựa trên nguyên tắc nhằm đối phó với các nỗ lực xây dựng vùng ảnh hưởng đang được Trung Quốc thực hiện. 

Giáo sư Andrew Erickson (Ảnh: Twitter)

Theo ông, “Sẽ là tốt nhất cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và vị thế của Trung Quốc tại đây, nếu Bắc Kinh kiềm chế và tôn trọng phán quyết của Tòa án”. Về phần mình, Mỹ nên đẩy mạnh tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) để bảo vệ luât pháp và các quy tắc quốc tế.

Phán quyết của trọng tài có ý nghĩa như thế nào?

Thông qua việc bác bỏ cơ sở pháp lý của phần lớn những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, Tòa Trọng tài đã thúc đẩy việc áp dụng một trật tự mở dựa trên nguyên tắc cho một khu vực quan trọng trong hàng hải quốc tế, trong đó tất cả các bên đều có thể sử dụng khu vực này một cách bình đẳng và không phải lo sợ bất kì bên nào. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby hoan nghênh phán quyết này và cho rằng đây sẽ là “một đóng góp quan trọng trong tiến trình hướng tới một giải pháp hòa bình chung cho các tranh chấp tại Biển Đông”. Tuy nhiên, Washington vẫn có thể có đóng góp của riêng mình bằng cách đảm bảo lẽ phải quan trọng hơn sức mạnh, và làm tấm gương cho các nước khác khi thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà vốn dĩ Mỹ vẫn đang áp dụng cho các hoạt động hàng hải của mình.  

Tại sao phán quyết này lại quan trọng?

Biển Đông là tuyến đường hàng hải huyết mạch có lợi ích thiết yếu đối với nhiều nước. Tuy nhiên, đây cũng đang là khu vực tranh chấp giữa nhiều quốc gia đối với các thực thể đất liền cũng như các vùng nước. Chỉ khi xây dựng được một trật tự dựa trên nguyên tắc đáng tin cậy thì khu vực này mới có thể duy trì trạng thái mở, tự do, an toàn và thịnh vượng. Tòa Trọng tài đã mang lại một tầm nhìn về pháp lý thế kỷ 21 để ràng buộc tất cả các nước không kể mạnh hay yếu. Tầm nhìn này là một bức tường ngăn cản những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kéo khu vực hàng hải này trở lại thành một vùng ảnh hưởng của thế kỷ 19.

Tại sao vụ kiện này lại diễn ra?

Trong những năm gần đây, Philippines phải chịu nhiều hành động gây hấn từ phía Trung Quốc khi Bắc Kinh chiếm đoạt quyền kiểm soát các thực thể tại biển Đông từ Manila. Hoạt động xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2012 với sự kiện bãi Scarborough, khi lực lượng quân đội Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát một thực thể đang tranh chấp, sau đó phá vỡ một thỏa thuận do Mỹ đứng ra hòa giải về việc đưa khu vực trở về nguyên trạng.

Sự bội ước của Bắc Kinh đã thúc đẩy nguyên Tổng thống Philippines Benigno Aquino III xúc tiến vụ kiện vào tháng 1/2013. Nhận thấy không thể đối đầu trực diện với hành vi gây hấn của Trung Quốc do những hạn chế về năng lực, cũng như nhận ra rằng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là không đủ, Manila đã nhờ tới Tòa Trọng tài, một nơi đã từng được sử dụng để giải quyết nhiều tranh chấp quốc tế khác.

Ý nghĩa pháp lý của phán quyết là gì?

Tòa Trọng tài xác định rằng các điểm chính trong yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, và do đó không hề có giá trị. Xét theo tiêu chuẩn luật pháp quốc tế, phán quyết này gây bất ngờ vì đã phủ định một cách rõ ràng các yêu sách mập mờ của Trung Quốc.

Tòa cũng quyết định rằng các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền không tạo ra quyền tài phán đối với vùng nước nằm ngoài phạm vi 12 hải lý của bất kỳ thực thể nào trong số này. Như vậy, Tòa cũng xác định đảo Itu Aba (Thái Bình), còn gọi là đảo Ba Bình – một thực thể hiện thuộc sở hữu của Đài Loan nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền – không được coi là một đảo với vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, mà chỉ là đá với vùng lãnh hải 12 hải lý.       

Trái ngược với chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác mà Bắc Kinh tuyên bố, Tòa kết luận rằng trong thực tế Trung Quốc đã gây tổn hại đến quyền chủ quyền và quyền tài phán, can thiệp một cách bất hợp pháp quyền đánh bắt truyền thống của Philippines, và đã tạo ra rủi ro va chạm nghiêm trọng thông qua thực hiện những hoạt động hàng hải không an toàn và tàu cản trở.

Trái với những khẳng định của truyền thông nhà nước Trung Quốc, Tòa tuyên bố các hoạt động của Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến môi trường biển mà cụ thể là các rặng san hô. Cuối cùng, các hoạt động xây dựng “đảo” nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc không giúp tạo ra quyền pháp lý cho các thực thể này, mà làm trầm trọng và gia tăng căng thẳng tại các thực thể đang tranh chấp.

Liệu phán quyết có thể được thực thi?

Chắc chắn là sẽ cần nhiều hơn một Tòa án hay dư luận quốc tế để đảm bảo các bên liên quan duy trì cam kết hòa bình và ổn định tại biển Đông. Washington có thể giúp đảm bảo một trật tự dựa trên nguyên tắc bền vững được Tòa Trọng tài đưa ra bằng cách thực hiện các biện pháp chủ động cùng với đồng minh và đối tác trong khu vực để ngăn cản Bắc Kinh có các hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và cam kết phớt lờ phán quyết của Tòa vì cho rằng Tòa Trọng tài của Liên Hợp Quốc không có thẩm quyền pháp lý về vấn đề này. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Sẽ là tốt nhất cho khu vực và vị thế của Trung Quốc tại đây nếu Bắc Kinh kiềm chế và tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài mà trên thực tế mang tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, khi đã không thể đưa ra những luận cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp theo hướng có lợi cho mình, Bắc Kinh có thể sẽ ép buộc hay thậm chí là đe dọa sử dụng vũ lực.

Trong trường hợp đó, “lực lượng dân quân biển” gồm ngư dân và tàu đánh cá do quân đội điều khiển của Trung Quốc là một công cụ phù hợp cho Bắc Kinh để chống lại các yêu sách chồng lấn của các nước láng giềng. Đây không phải là một mối đe dọa về lý thuyết: lực lượng dân quân biển của Trung Quốc tham gia trực tiếp và đi đầu trong nhiều vụ va chạm trên biển, bao gồm cả sự kiện bãi Scarborough. Washington đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi trước đó không vạch mặt lực lượng ngầm này. Chính quyền Obama cần khắc phục thiếu sót này trước khi Bắc Kinh tạo ra một sự vụ nào đó – có thể là để quấy rối hoạt động tự do hàng hải của Mỹ gần một thực thể do Trung Quốc chiếm đóng tại Biển Đông – hoặc trước khi hành động của Trung Quốc làm leo thang căng thẳng một cách ngoài ý muốn.

Phán quyết sẽ có tác động thế nào đến chính sách của Mỹ về Biển Đông?

Hiện đã có những phán quyết rõ ràng của Tòa trọng tài, do đó tôi tin tưởng rằng chính quyền Obama sẽ triển khai nhanh chóng hàng loạt các hoạt động FONOP với sự quyết tâm và dũng cảm cao nhất. Tổng thống Obama và các cố vấn đã bị chỉ trích vì chỉ cho phép những hoạt động FONOP giới hạn và thận trọng, mà một số nhà quan sát lên án là không hiệu quả như mong đợi. Nhưng Obama đánh giá cao tầm quan trọng luật pháp và các quy tắc quốc tế, và tôi tin rằng ông sẽ thấy sự cần thiết của việc bảo vệ những quy tắc này một cách mạnh mẽ. Đây sẽ là cơ hội cuối cùng giúp ông tăng cường di sản của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bài phỏng vấn này đã được cô đọng và hiệu đính.

RELATED ARTICLES

Tin mới