Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngBáo Nhật: TQ đang hành động như thời "tiền Thế chiến II"

Báo Nhật: TQ đang hành động như thời “tiền Thế chiến II”

Chuyên gia về vấn đề Nhật Bản Michael Auslin thuộc Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ (AEI) nhận định, Trung Quốc đang đưa châu Á “trở lại thập niên 1930 thế kỷ trước”.

(Ảnh minh họa: 81.cn)

Trong bài viết đăng trên Wall Street Journal (Mỹ) hôm 20/7, ông Auslin đề cập sự kiện Nhật Bản đưa quân vào Mãn Châu, Trung Quốc, và sau đó rút khỏi Hội quốc liên (League of Nations – tiền thân của Liên hợp quốc) vào năm 1933 do không chấp nhận báo cáo điều tra.

Auslin gọi đây là bước ngoặt làm thay đổi giai đoạn quốc tế hóa của Nhật kể từ thời Minh Trị Duy tân (1876), đưa Tokyo vào cục diện đối đầu với phương Tây trong chiến tranh trên Thái Bình Dương thời Thế chiến II.

Học giả người Mỹ đặt nghi vấn về khả năng “lịch sử tái hiện” đối với Trung Quốc, khi những phản ứng của Bắc Kinh sau phán quyết vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA) đang cho thấy nhiều dấu hiệu tương tự Nhật Bản hơn 80 năm trước.

“Đến nay, mối liên hệ sâu sắc mà Trung Quốc xây dựng với thế giới trong mấy chục năm qua cũng bị đặt vào vòng nguy hiểm,” Michael Auslin viết.

Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) hôm 20 đăng bài xã luận của giáo sư Aurelia George Mulgan thuộc Đại học New South Wales, Australia, trong đó dẫn lời nhà báo người Nhật Yukihiro Hasegawa nêu quan điểm tương tự ông Auslin.

Ông Hasegawa cho rằng xu hướng chuyển dịch của Trung Quốc sau phán quyết PCA đang giống như những gì diễn ra trong thập niên 1930.

Theo nhà sử học người Nhật Minoru Kawada, một quan điểm được ghi nhận phổ biến vào giai đoạn đó là Hội quốc liên muốn “chuyển dịch xã hội quốc tế từ sự quản lý bằng ‘sức mạnh’ tới một thế giới quản trị bằng ‘luật pháp'”.

Tuy nhiên, ông Kawada cho biết tổ chức tiền thân của LHQ khi đó không có đủ lực lượng hành pháp để áp đặt một hệ thống luật pháp quốc tế, trong khi những xung đột nhỏ lẻ đã leo thang thành một cuộc giao tranh toàn diện trên quy mô thế giới.

Giáo sư Mulgan đánh giá, “sức mạnh” sẽ là nhân tố quyết định về khả năng xảy ra xung đột trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, như biển Đông hay biển Hoa Đông, bởi trên thực tế Mỹ, Nhật và các đồng minh không có đủ quyền hạn về pháp lý để cưỡng chế Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế.

“Lịch sử đang lặp lại,” Hasegawa kết luận. Ông cho rằng Trung Quốc đã bước lên một con đường mà chỉ có thể chặn lại bằng sức mạnh quân sự.

Trong khi đó, trang ZAKZAK thuộc tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) của Nhật dự đoán, Trung Quốc có thể lập kế hoạch khơi mào các “xích mích” ở biển Hoa Đông ngay trong tháng 8 tới, làm nảy sinh xung đột quân sự quy mô nhỏ giữa Nhật-Trung để đánh lạc hướng sự quan tâm của dư luận quốc tế đối với tình hình biển Đông.

Phản ứng so sánh Trung Quốc với Nhật Bản thời “tiền Thế chiến”, nhà nghiên cứu Vương Bình của Sở Nhật Bản, Viện khoa học xã hội Trung Quốc tuyên bố trên Thời báo Hoàn Cầu rằng Bắc Kinh “chỉ đang gìn giữ (cái gọi là) chủ quyền ở biển Đông”.

Các học giả người Trung Quốc chỉ trích Mỹ và đồng minh “gây ra môi trường an ninh tồi tệ ở châu Á-Thái Bình Dương”.

Trong diễn biến mới nhất sau phán quyết PCA, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đã thị sát Chiến khu phía Nam, đồng thời ra lệnh quân đội “gấp rút chuẩn bị các hạng mục công tác sẵn sàng cho đấu tranh quân sự”.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1949, một lãnh đạo cấp cao của quân đội Trung Quốc đưa ra mệnh lệnh cụ thể như vậy về vấn đề “sẵn sàng chiến đấu” ở hướng biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới