Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ không ra tay sớm, TQ sẽ thống trị Biển Đông

Mỹ không ra tay sớm, TQ sẽ thống trị Biển Đông

Nếu Mỹ không ra tay, chỉ trong 5 năm nữa Bắc Kinh sẽ có một chuỗi các căn cứ, sân bay, quân cảng trên các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Không nghi ngờ gì những đảo nhân tạo, tiền đồn này sẽ phục vụ như bàn đạp nhằm triển khai sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên toàn bộ khu vực.

 

Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo và đường băng trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Biển Đông đã trở thành một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất trên thế giới vì Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng và năng lực của họ tại đây. Đối thoại Shangri-La gần đây cho thấy căng thẳng trong khu vực gia tăng. Trung Quốc vẫn gia tăng hoạt động hiếu chiến và dường như những hành động của Mỹ không hề có ảnh hưởng gì. Mỹ và các đối tác không có lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét một loạt phản ứng kiên quyết hơn.

Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc và cũng không ủng hộ một cuộc chiến. Mỹ không tin rằng Trung Quốc sẽ là một đối thủ không thể tránh khỏi. Nhưng Mỹ đang ngày càng lo ngại rằng những hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông nếu không ngăn chặn thì sẽ đưa đến kết cục Trung Quốc thống trị trên thực địa tại một khu vực thuộc lợi ích chiến lược thiết yếu của Mỹ. Những hoạt động trực tiếp của Mỹ có thể mang lại những nguy hiểm, nhưng nếu không làm gì thì còn nhiều nguy hiểm hơn.

Tại sao Biển Đông lại quan trọng? Đó là một trong những tuyến vận chuyển hàng hóa trên biển quan trọng nhất thế giới với khoảng một phần ba hàng hóa thương mại toàn cầu mỗi năm. Nó có trữ lượng ít nhất là 7 tỷ thùng dầu và khoảng 25,5 triệu mét khối khí đốt tự nhiên. Những tuyên bố chủ quyền trong khu vực này có liên quan đến các quốc gia đồng minh, bạn bè của Mỹ và nhiều khả năng sẽ càng trầm trọng hơn khi có kết quả của vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển quốc tế này không chỉ đe dọa quyền tiếp cận với tuyến vận chuyển hàng hóa đường biển và đe dọa tới các đối tác của Mỹ trong khu vực mà còn đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Trung Quốc có ý đồ thiết lập quyền bá chủ thông qua việc tạo ra một khu vực mà họ có thể đưa ra quyền kiểm soát duy nhất.

Năm ngoái, những hành vi của Trung Quốc đã ngày càng quyết đoán. Họ hoàn thành việc cải tạo đất ở 3 căn cứ lớn nhất ở Biển Đông và hiện đang tập trung xây dựng cơ sở vật chất. Mỗi căn cứ đều có sân bay với đường bay dài gần 3 km – đủ dài để hầu hết các máy bay quân sự có thể hạ cánh. Họ cũng đã hạ cánh một máy bay quân sự ở đá Chữ Thập và triển khai những máy bay chiến đấu hiện đại, tên lửa đất đối không tại đá Vành Khăn ở quần đảo Hoàng Sa. Những thiết bị này tạo cơ sở cho những kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay do thám.

Máy bay từ những căn cứ này có thể dễ dàng tiếp cận và có thể thực thi cái mà Trung Quốc gọi là “đường 9 đoạn”. Tàu Hải quân Trung Quốc và lực lượng dân quân cũng có thể sử dụng những căn cứ này như điểm dừng chân tiếp nhiêu liệu, điều này khiến họ có thể gia tăng sự hiện diện trong khu vực rộng lớn này. Các tàu sân bay của Mỹ nhiều nhất cũng chỉ ghé qua trong thời gian ngắn. Không có quốc gia nào trong khu vực có thể thực hiện và duy trì sự hiện diện trên không và trên biển tại Biển Đông như vậy.

Mỹ đã phản ứng bằng những lời cảnh báo và hoạt động mạnh mẽ hơn trước sự bành trướng này của Trung Quốc. Đáng chú ý nhất là việc Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) lần đầu tiên vào tháng 10/2015 khi một tàu khu trục Mỹ đi vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý từ đá Xu bi để thể hiện rằng Mỹ phủ nhận bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc bắt nguồn từ những đảo nhân tạo của họ. Kể từ đó ít nhất đã có hai hoạt động tự do hàng hải được Mỹ thực hiện và Tư lệnh Lực lượng Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, cho biết các hoạt động tự do hàng hải trong tương lai sẽ gia tăng về số lượng, phạm vi và tính phức tạp.

Khu trục hạm William Lawrence của Mỹ từng tuần tra sát Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa

Tuy vậy, các hành vi đối đầu của Trung Quốc vẫn tiếp tục và thậm chí còn gia tăng hơn. Trong vài tháng gần đây, máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bay quá gần với máy bay do thám của Mỹ tại Biển Đông và biển Hoa Đông, vi phạm một thỏa thuận mà Mỹ và Trung Quốc mới ký kết năm ngoái về hoạt động an toàn trên không. Việc chính phủ Trung Quốc gần đây tuyên bố rằng họ đang xem xét thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) đối với Biển Đông là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc muốn khẳng định quyền sở hữu của họ đối với khu vực quan trọng này. Trung Quốc cũng rất khôn khéo và quyết tâm trong việc hình thành sự hiện diện thường trực của họ tại một loạt căn cứ mà không hề tồn tại 5 năm trước đây. Đây là một thực tế ở Biển Đông.

Kết quả là Mỹ và các đối tác trong khu vực không còn nhiều lựa chọn ngoài việc xem xét những phản ứng mạnh mẽ hơn. Những hoạt động này cần phải đạt được hai mục tiêu lớn là ngăn chặn Trung Quốc thực hiện hành vi bành trướng lớn hơn và chuẩn bị cho Mỹ cũng như các đồng minh về các hoạt động quân sự để bảo vệ lợi ích chung. Mỹ sẵn sàng thừa nhận những mục tiêu này có thể mâu thuẫn với nhau và những lựa chọn này có thể gây ra chính kiểu xung đột mà Mỹ đang cố tránh. Tuy vậy, nếu không có hoạt động cứng rắn hơn thì cũng dẫn tới mối nguy hại nghiêm trọng, đó là Trung Quốc sẽ dần dần giành quyền kiểm soát khu vực quan trọng này. Điều đó sẽ làm suy yếu vị thế của các quốc gia đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực và quan trọng hơn là có thể thách thức những lợi ích quan trọng và lâu dài của Mỹ trong duy trì tự do hàng hải toàn cầu.

Có 6 sự lựa chọn mà Mỹ và các nước đối tác có thể xem xét, được liệt kê theo trình tự tăng dần về mức độ kiên quyết: Một là tăng cường và mở rộng sự minh bạch ở Biển Đông. Mỹ và các đối tác phải gia tăng những nỗ lực nhằm thể hiện rõ Biển Đông là một vùng biển quốc tế mở đối với tất cả các quốc gia. Sáng kiến an ninh biển mới đây là một bước đúng hướng nên cần được tiếp tục và mở rộng. Mỹ và các đối tác nên thúc đẩy sự minh bạch nhiều hơn về các lực lượng dân quân biển của Trung Quốc – một lực lượng quân sự không chính quy của Trung Quốc thường được triển khai ở những “vùng xám” mà các vụ đụng độ ở khu vực này không được coi là chiến tranh. Mỹ nên hỗ trợ cải thiện nhận thức về lĩnh vực biển trong khu vực nhằm tạo điều kiện cho việc định vị, quá cảnh an toàn, tìm kiếm và cứu nạn, đối phó với thảm họa thiên nhiên. Các bước đi này có thể củng cố một giả thuyết quan trọng là khu vực biển này là yếu tố then chốt trong lợi ích quốc tế mà không phải là khu vực riêng của một quốc gia.

Hai là tiếp tục gia tăng sự hỗ trợ về quân sự và sự hiện diện của Mỹ tại Philippines. Sự phối hợp quân sự và các cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines hiện đang ở mức độ chưa từng có từ khi Mỹ rời khỏi Vịnh Subic và căn cứ không quân Clark vào đầu những năm 1990. Hai bên bắt đầu thực hiện các cuộc tuần tra Hải quân chung vào tháng 3 và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố vào tháng 4 rằng Mỹ sẽ luân phiên cử binh sỹ và máy bay chiến đấu tới Philippines trong tương lai. Bước tiếp theo có thể là một chương trình tập trận mạnh mẽ thể hiện sức mạnh quân sự song phương. Lực lượng Hải quân Mỹ và Philippines có thể thực hành đổ bộ vào quần đảo Palawan, khu vực tiếp giáp với “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Quân đội Mỹ có thể thể hiện khả năng triển khai nhanh lực lượng từ các căn cứ quân sự của Mỹ để hình thành nên các điểm phòng thủ tên lửa và các căn cứ hậu cần tại các đảo xa xôi của Philippines, trong khi đó, lực lượng Không quân Mỹ có thể mở rộng các cuộc tập trận trên không với lực lượng Không quân Philippines. Hai bên cũng có thể tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất tại các căn cứ quân sự mà cả hai có thể sử dụng khi có xung đột, bao gồm khu nhà chứa máy bay quân sự kiên cố, các sân bay hiện đại, kho vũ khí, các điểm phòng thủ tên lửa và phòng không. Một sự lựa chọn có thể gây tranh cãi hơn nữa là Mỹ tuyên bố Hiệp ước Phòng thủ chung với Philippines bao gồm bãi cạn Scarborough – tương tự như Tuyên bố của Mỹ năm 2014 rằng quần đảo Senkaku thuộc phạm vi bảo vệ của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.

Ba là đẩy mạnh quan hệ quân sự với Việt Nam. Quan hệ song phương Mỹ-Việt đã ấm lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam hồi tháng 5 và và các chuyến thăm cảng Việt Nam của quân đội Mỹ gần đây thể hiện sự bắt đầu của mối quan hệ quân sự thân thiết hơn. Mỹ có thể tìm kiếm những cơ hội thực hành sử dụng các phương tiện trên bộ và trên không như sử dụng các căn cứ không quân và cảng biển. Mỹ cũng có thể bán cho Việt Nam loại máy bay F-16 hoặc F/A-18 thế hệ thứ tư để cải thiện đáng kể khả năng phòng thủ trên không của Việt Nam. Những bước đi này có thể mở ra triển vọng dài hạn về việc Mỹ có thể tiếp cận, bay trên bầu trời Việt Nam và có thể luân phiên bố trí tàu, máy bay và các lực lượng khác ở Việt Nam.

Bốn là duy trì sự hiện diện đáng kể Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Mỹ cũng như của các nước khác tại Biển Đông. Bắc Kinh đã sử dụng những tàu thương mại và tàu tuần tra biển để củng cố chủ quyền của họ và đe dọa các nước láng giềng tại Biển Đông trong nhiều năm thay vì sử dụng các tàu hải quân nhằm tránh nguy cơ chịu sự phản ứng của lực lượng quân sự quốc tế. Mỹ và các nước đối tác có thể chống lại thủ đoạn này bằng cách hình thành sự hiện diện của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển thường xuyên. Tuy chỉ có Mỹ mới có năng lực bảo vệ bờ biển nhưng các quốc gia khác trong khu vực cũng có thể tham gia hỗ trợ. Như Trung Quốc đã giải thích, các tàu bảo vệ bờ biển ít gây khiêu khích hơn là các tàu chiến, vậy nên việc Mỹ và các đối tác triển khai các tàu bảo vệ bờ biển cũng có thể viện vào lý do tương tự như Trung Quốc để tránh gây căng thẳng quân sự.

Năm là tăng cường các hoạt động quân sự của Mỹ tại Biển Đông. Mỹ định kỳ tuần tra Biển Đông bằng tàu sân bay lớp Nimitz và tàu sân bay có thể đỗ trên cạn với mức độ ít thường xuyên hơn. Mỹ có thể triển khai một chiếc tàu sân bay tại Biển Đông ít nhất 6 tháng trong một năm. Lực lượng Không quân Mỹ có thể bay vào khu vực này thường xuyên hơn, có thể bao gồm cả máy bay ném bom B-1, B-2, B-52. Mỹ cũng có thể tăng cường các hoạt động do thám trên các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bằng cách bay trực tiếp trên các đảo này tại vùng mà Mỹ coi là không phận quốc tế.

Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực tại Biển Đông thời gian gần đây, gửi thông điệp không thể nhầm lẫn tới Trung Quốc

Mỹ có thể giảm nguy cơ gia tăng căng thẳng quân sự bằng việc khuyến khích sự tham gia của quốc tế và thông báo trước về các hoạt động này. Sự lựa chọn này không chỉ là tín hiệu cho thấy ý định của Mỹ mà còn đảm bảo khả năng tấn công nhanh của Mỹ trong trường hợp có xung đột – những điều có thể làm đối trọng với các trang thiết bị của Trung Quốc được xây dựng trên các đảo nhân tạo.

Sáu là xây dựng các căn cứ quân sự di động trên Biển Đông. Mỹ có thể phản ứng với việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo bằng cách xây dựng những căn cứ quân sự di động tạm thời nhằm duy trì sự hiện diện của Mỹ và của quốc tế tại đây. Mỹ có thể triển khai một hoặc nhiều căn cứ quân sự di động viễn chinh (ESB) tại Biển Đông – đóng vai trò như những căn cứ nhỏ, di động, nổi trên mặt nước mà có thể triển khai lực lượng theo nhiều cách, trong đó có bố trí các máy bay trực thăng và các lực lượng hoạt động đặc biệt.

Mỹ cũng có thể tái khởi động lại việc phát triển tổ hợp căn cứ di động ngoài khơi xa (JMOB). Trong tương lai, hàng loạt JMOB (tương tự như các giàn khoan nổi liên kết lại với nhau), đủ lớn để các máy bay vận tải lớn có thể cất hạ cánh và chứa các doanh trại cho hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn binh lính. Trung Quốc cũng đang đánh giá việc phát triển các căn cứ di động này nhưng Bắc Kinh đã đạt được nhiều mục đích tương tự thông qua các chương trình bồi đắp đảo nhân tạo.

Ưu điểm lớn nhất của các căn cứ kiểu ESB và JMOB là những cơ sở hạ tầng di động này có thể hỗ trợ các hoạt động phi chiến đấu ít có tính khiêu khích hơn, ví dụ như hỗ trợ nhận thức về lĩnh vực biển, tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển, cứu trợ nhân đạo. Lực lượng đóng trên các căn cứ nổi, cùng với lực lượng bảo vệ bờ biển và thủy thủ trên các tàu dân sự của các nước khác cũng như của Mỹ có thể làm giảm nguy cơ khiến Trung Quốc cáo buộc đây là sự leo thang quân sự. Những căn cứ này có hai giá trị sử dụng đối với Mỹ, có thể hỗ trợ nhiệm vụ quan trọng thường xuyên (trong đó có các cuộc tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển đã đề cập ở trên) và có thể tạo điều kiện cho Hải quân Mỹ có được khả năng nhanh chóng triển khai lực lượng trong khu vực nếu có xung đột.

Nhìn chung, không có phương án nào nêu trên là hoàn hảo, các rủi ro và sự cân bằng lợi ích có thể làm tăng nguy cơ xung đột. Nhưng nếu tiếp tục với tình trạng hiện tại, sự lựa chọn chính sách kém hiệu quả hiện nay cũng sẽ đưa đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu không kiểm soát được tình hình, chỉ trong 5 năm nữa Bắc Kinh sẽ có một chuỗi các căn cứ, sân bay, quân cảng trên các đảo nhân tạo trên Biển Đông, từ hướng bờ biển Việt Nam đến quần đảo Palawan của Philippines. Không nghi ngờ gì những đảo nhân tạo, tiền đồn này sẽ phục vụ như bàn đạp nhằm triển khai sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên toàn bộ khu vực.

Mỹ cần phải đưa ra quyết định khó khăn, hoặc chấp nhận hành động của Trung Quốc như một sự đã rồi hoặc kiên quyết chống lại những hành động quyết đoán hơn nữa. Những khuyến nghị này cung cấp luận điểm cho những cuộc hội đàm sâu hơn, có nội dung và kết quả hơn giữa Mỹ với các đối tác và đồng minh trong khu vực về những động thái quyết đoán, bất chấp luật pháp quốc tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong tình huống không bị ngăn chặn ở Biển Đông.

* Bài viết trên Warontherock của hai tác giả Trung tướng nghỉ hưu David Barno và Tiến sỹ Nora Bensahel hiện là thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương

RELATED ARTICLES

Tin mới