Sunday, November 17, 2024
Trang chủQuân sựPhi công F-16 đảo chính, nhận lệnh ai bắn rơi Su-24 Nga?

Phi công F-16 đảo chính, nhận lệnh ai bắn rơi Su-24 Nga?

Thổ Nhĩ Kỳ đã lật ngược những tuyên bố trước đây và cho rằng, phi công F-16 tự ý bắn hạ máy bay Su-24 Nga, theo mệnh lệnh “của người khác”.

Vụ Su-24 đã gây mâu thuẫn trầm trọng trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ

Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ: Phi công F-16 tự quyết định bắn Su-24 Nga

Hậu vụ đảo chính quân sự thất bại của các tướng lĩnh lãnh đạo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/7 vừa qua, giới chức lãnh đạo Ankara đã “đổi giọng” khi nói về vụ máy bay tiêm kích đánh chặn F-16 của không quân nước này bắn rơi chiếc máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 Nga hồi tháng 11/2015.

Ngày 21/7, một lãnh đạo Đảng Công lý và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ (AKP) là ông Yasin Aktai đã tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của Hãng thông tấn quốc tế và phát thanh đa phương tiện Sputnik của Nga là phi công Thổ Nhĩ Kỳ đã “tự ý quyết định bắn hạ máy bay Su-24 của Nga”.

Ông Yasin Aktai hiện là nghị sĩ quốc hội, đồng thời là Phó Chủ tịch đảng cầm quyền AKP của Tổng thống Erdogan còn cho biết, viên phi công đã gây ra vụ Su-24 vào tháng tháng 11 năm ngoái đã đào tẩu khỏi lực lượng không quân quốc gia và tham gia cuộc đảo chính ngày 16/7 vừa qua.

Vị nghị sĩ lưu ý rằng, xung quanh tình huống máy bay Nga bị bắn rơi có nhiều điểm khó hiểu đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu tiên là quyết định bắn hạ máy bay đã được thực hiện trên không trung chứ không phải ở Bộ chỉ huy mặt đất. Những quyết định mang tính chất thời điểm như vậy được thực hiện bởi các phi công, tuân thủ theo những hướng dẫn trong các quy tắc sử dụng vũ lực.

Ông cho biết, phi công có thể không hạ quyết tâm bắn hạ máy bay, nếu nó chỉ xâm phạm không phận nước mình trong một thời gian ngắn và đang có ý định rời khỏi vùng cấm, trong tình huống này là máy bay không bay theo hướng tiến sâu hoặc bay dọc biên giới ở phần đất Thổ Nhĩ Kỳ.

“Việc bắn hạ chiếc máy bay Nga, rõ ràng đã rời không phận Thổ Nhĩ Kỳ và đang bay theo đường bay hướng sang Syria, đặt ra nhiều nghi vấn” – ông Aktai nói thêm.

Vị Phó chủ tịch Đảng Công lý và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, trước đây chính quyền Ankara đã bảo vệ các hành động của phi công, với mục đích đơn thuần là bảo vệ các quy tắc sử dụng vũ lực trong tình huống đối phương cố tình xâm phạm không phận.

Nhưng vấn đề ở đây là các phi công này đã tự quyết định bắn rơi máy bay Nga trong tình huống nó không cố ý xâm phạm không phận đất nước. Đây là quyết định của viên phi công và mục đích của hành động này đang được điều tra một cách kỹ lưỡng.

Vị nghị sĩ này còn thốt lên rằng: “Kết quả cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã giải quyết ổn thỏa các vấn đề giữa hai nước, tạ ơn Trời!”, đồng thời nhấn mạnh, các báo cáo điều tra 2 phi công đã bắn hạ chiếc Su-24 (hiện đang bị bắt giữ sau khi tham gia vụ đảo chính hôm 16/7) sẽ góp phần vào việc cải thiện quan hệ giữa 2 nước, và thúc đẩy các thỏa thuận đã có giữa Moscow và Ankara.

Lãnh đạo và truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hướng mũi dùi vào Gulen

Trước đó vào ngày 16/7, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết rằng, một trong những kẻ tham gia cuộc “nổi loạn” của giới quân sự là người ủng hộ Giáo sĩ Gulen và chính là 1 trong 2 viên phi công đã bắn rơi chiếc Su-24 của Nga trên vùng trời biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ, Thị trưởng Ankara Ibrahim Gokcek tiết lộ rằng, một trong những kẻ tham gia cuộc nổi loạn quân sự là thành viên tổ chức của nhà truyền giáo Gulen và chính là người đã bắn hạ chiếc Su-24 trên vùng trời tỉnh Latakia của Syria vào tháng 11/2015.

Sau đó, vào ngày 19/7, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo với hãng tin Bloomberg rằng, chính quyền nước này đã bắt giữ cả hai phi công Thổ Nhĩ Kỳ trên chiếc F-16 đã gây ra vụ rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ giữa 2 nước vì tội tham gia vào lực lượng đảo chính.

Vị quan chức này cho biết, các phi công trên là những người theo tư tưởng Gulen và đã tham gia vào cuộc đảo chính quân sự ngày 16/7, đồng thời lật lại những nghi vấn trong vụ bắn rơi Su-24 của Nga và bày tỏ sự nghi ngờ động cơ của họ trong hành động đó.

Giới chức lãnh đạo và truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đã hướng mũi dùi vào nhà truyền giáo Gulen và cho rằng lực lượng đảo chính đã nhận lệnh từ xa để tiến hành vụ binh biến này. Do đó, rất có thể những phi công này đã nhận lệnh bắn rơi Su-24 “từ một người khác”, để gây mâu thuẫn trong quan hệ Nga-Thổ.

Những tuyên bố mới nhất của giới chức lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đảo ngược hoàn toàn những tuyên bố đanh thép trước đây của nước này là chiếc Su-24 đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ 2,19 km trong vòng 17 giây, bất chấp 10 lần cảnh báo nên đã bị bắn hạ.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng, chiếc Su-24 không vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và đang bay sâu trong lãnh thổ Syria ở độ cao khoảng 6000m thì bị 2 chiếc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ đột nhiên bắn rơi mà không có bất cứ cảnh báo nào được đưa ra.

Thậm chí chính quyền Erdogan còn cương quyết bảo vệ quan điểm của mình khi tuyên bố rằng, “chủ quyền quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ là bất khả xâm phạm”, nếu máy bay Nga còn xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ thì không quân nước này sẽ tiếp tục bắn hạ chúng.

RELATED ARTICLES

Tin mới