Saturday, December 28, 2024
Trang chủBiển nóngCông lý đập tan “giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận...

Công lý đập tan “giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình

Việc Tòa trọng tài Công ước Luật Biển ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” bao trọn gần hết Biển Đông đã đập tan “giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình, để lại cho nhà lãnh đạo này một loạt những lựa chọn khó khăn.

Với đường lối cứng rắn, Trung Quốc đã tự dồn mình vào chân tường và làm tăng nguy cơ xung đột với các nước láng giềng.

Khi lên nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11.2012, ông Tập Cận Bình tuyên bố đem “giấc mộng Trung Hoa” – được mô tả là “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” – trở thành nhiệm vụ quan trọng của ông trong nhiệm kỳ. Để nhấn mạnh một cách tượng trưng tầm quan trọng của Biển Đông trong tham vọng này, một trong những chuyến đi đầu tiên của ông Tập với tư cách tân tổng bí thư bên ngoài Bắc Kinh là chuyến thăm và gặp gỡ thủy thủ tàu Hải Khẩu, một khu trục hạm tên lửa dẫn đường làm nhiệm vụ tuần tra ở vùng biển tranh chấp.

Trong phán quyết, Tòa trọng tài ở The Hague, Hà Lan tuyên bố rằng những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là bất hợp pháp, và rằng việc xây dựng đảo nhân tạo gây ra “tổn hại không thể khắc phục”. Tòa kết luận, trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Tòa phán quyết, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”.

Phán quyết của Tòa bỏ lại ông Tập Cận Bình với sự lựa chọn khó khăn: Ông Tập có thể bất chấp phán quyết và nguy cơ xung đột khu vực cùng sự sỉ nhục của quốc tế bằng cách tiến hành bành trướng quân sự bất hợp pháp; hoặc có thể cố gắng làm dịu tình hình thông qua những nỗ lực ngoại giao thận trọng, mặc dù điều đó có nguy cơ khiến ông Tập trở nên yếu đuối trước một công chúng trong nước đang sôi sục tinh thần dân tộc chủ nghĩa, mà chính ông đã kích động.

Cách nào cũng nguy hiểm. Mặc dù Trung Quốc ngay từ đầu đã nói không công nhận thẩm quyền của Tòa trọng tài, và tiến hành một chiến dịch toàn cầu chống lại phán quyết khi nó chưa được tuyên, nhưng kết luận của Tòa là một cú giáng mạnh vào uy tín quốc tế của Bắc Kinh. Trước đây, Trung Quốc chính là nước đã giúp soạn thảo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, một động thái chứng minh một cách rõ ràng rằng nước này chấp nhận thẩm quyền của tòa án quốc tế để phân xử tranh chấp. Vậy mà đến giờ lại bác bỏ thẩm quyền của tòa, Trung Quốc có nguy cơ trở thành một nước “bất hảo” hơn là một cường quốc có trách nhiệm trên toàn cầu.

Phán quyết của Tòa trọng tài bác bỏ cơ sở những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các bãi cạn và đá ở khắp Biển Đông. Tòa cho rằng, bằng việc xây dựng 7 đảo nhân tạo, Trung Quốc “đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và bị hủy diệt. Tòa nhận thấy rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển. Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Shyam Saran lưu ý, phán quyết của Tòa đã làm “thay đổi một cách tinh tế sự cân bằng trong khu vực đối với Trung Quốc”.

Tòa trọng tài cũng bác bỏ cơ sở những tuyên bố của Trung Quốc với các bãi cạn, quyền xây đảo nhân tạo trên cấu trúc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ). Tòa kết luận rằng, tất cả cấu trúc nổi tại Trường Sa, kể cả Ba Bình – do Đài Loan đang kiểm soát – đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.

Tòa cũng đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc và kết luận rằng “Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này. Tòa cũng khẳng định rằng các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra một rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ đã trực tiếp cản trở các tàu của Philippines.

Các nước ASEAN – vốn bực bội với thái độ hống hách của Trung Quốc – dường như âm thầm hài lòng vì chính sách bành trướng của Trung Quốc bị công khai bác bỏ. Nhưng một ASEAN chia rẽ sẽ khó được hưởng lợi từ phán quyết. Nhà ngoại giao cấp cao Singapore Bilahari Kausikan bác bỏ vai trò của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp, nơi hai tay chơi chính là Mỹ và Trung Quốc. “Đây là một thực tế” – ông Kausikan nói với ấn phẩm Asialink của Australia.

Trong khi đó, tân Tổng thống Philippines lại thể hiện một thái độ hòa hoãn với Trung Quốc. Bắc Kinh một lần nữa kêu gọi đàm phán song phương, với lời hứa hấp dẫn rằng, có thể cho Manila quyền đánh cá. Song, với tình cảm dân tộc mạnh mẽ ở trong nước, được tiếp tục khuyến khích bằng phán quyết của Tòa, ông Duterte sẽ rất khó bỏ qua phán quyết để chấp nhận lời đề nghị giải quyết song phương của Trung Quốc.

Mặc dù lớn tiếng chỉ trích Toà trọng tài là một phần trong âm mưu của phương Tây, nhưng Trung Quốc dự kiến sẽ kiềm chế trong quan điểm của mình tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bắc Kinh vào tháng 9 tới. Một khi hội nghị kết thúc, Trung Quốc có thể đẩy mạnh xây đảo nhân tạo, tham gia tập trận hoặc tăng cường triển khai quân đội. Trung Quốc cũng có thể tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở những đảo tranh chấp để tăng cường quyền kiểm soát trên thực tế. Một sự leo thang quân sự như vậy sẽ buộc Mỹ, nước đã cử một nhóm tàu sân bay chiến đấu đến khu vực, đẩy mạnh tuần tra và vì vậy làm tăng nguy cơ đụng độ ngẫu nhiên.

Cách khác, Trung Quốc có thể chấp nhận một lập trường ít quyết đoán hơn, và chủ động mời Philippines và các nước ASEAN khác tham gia đối thoại song phương nghiêm túc, và theo đuổi có mục đích Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra sau phán quyết có đoạn “Trung Quốc để ngỏ cửa cho mục đích thứ hai”.

Trên thực tế, dự đoán được rằng Trung Quốc sẽ “mất mặt” và có thể hành động trong cơn giận dữ, cả Mỹ và ASEAN đều kiềm chế trong phản ứng của mình, không hả hê hoặc tận dụng lợi thế. Theo một báo cáo của Reuters, để làm dịu tình hình, “Mỹ đang sử dụng ngoại giao thầm lặng để thuyết phục Philippines, Indonesia, Việt Nam và các nước Châu Á khác không có động thái lợi dụng phán quyết của tòa”.

Cân nhắc cái giá khổng lồ phải trả nếu xảy ra xung đột vũ trang hoặc một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài với các nước láng giềng Đông Nam Á, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể gợi ý một cách khả thi để giảm căng thẳng. Trớ trêu là, bằng việc thực hiện chiến dịch ngoại giao và công chúng trên toàn cầu chống lại Tòa trọng tài ngay cả khi Tòa chưa ra phán quyết, Trung Quốc không chỉ tự đẩy mình vào chân tường, mà còn vô tình phóng đại quy mô thất bại. Sự phản đối om sòm khiến Trung Quốc tự nhốt mình vào một vị trí mà từ đó việc rút lui có thể dẫn đến một sự “mất mặt” không thể tưởng tượng được. “Giấc mộng Trung Hoa” của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình có thể là “gậy ông đập lưng ông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới