Ngày 24.7, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần 49 (AMM-49), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và các hội nghị liên quan khai mạc tại Vientiane, Lào. Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương (Quỹ nghiên cứu Biển Đông) trả lời phỏng vấn Thanh Niên về hội nghị.
Theo ông dự đoán, vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập thế nào tại AMM-49 và ARF?
Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương: Có hai khả năng xảy ra cao:
Thứ nhất là sau chiến thắng pháp lý của Philippines, các bên có lợi ích liên quan sẽ tránh làm Trung Quốc mất mặt thêm. Một yếu tố nữa là Lào và Campuchia không ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Do vậy các bên sẽ đưa vấn đề này ra một cách chung chung, vừa giữ thế của một khối thống nhất vừa tránh để đối đầu thêm với Trung Quốc trong điều kiện bản thân vẫn chưa thống nhất ý kiến.
Thứ hai là Bắc Kinh sẽ tác động mạnh để Lào trong tư cách chủ tịch luân phiên có một tuyên bố riêng biệt ủng hộ họ.
Với vai trò chủ tịch ASEAN lần này, liệu Lào có ảnh hưởng gì đến vấn đề này?
Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương (Quỹ nghiên cứu Biển Đông) – Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Nguyên tắc đồng thuận của các nước ASEAN cho phép dự báo rằng sẽ không có Tuyên bố chung ASEAN hoặc ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài ngày 12.7.2016 hoặc ủng hộ Trung Quốc. Ngoài ra 2/10 thành viên đã phát biểu không ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài cũng là điều đáng lưu ý.
Bắc Kinh có thể tác động để vài nước phát biểu ở cách thức nào đó, nếu có, nhưng vẫn sẽ không thể nào lèo lái đủ mạnh để có một thắng lợi truyền thông nào ở AMM-49 và ARF lần này.
Do vậy khả năng ra được một tuyên bố chung ASEAN tại Lào là khá khó khăn.
Vụ kiện vừa qua là “di sản” của cựu tổng thống Aquino, trong khi tân tổng thống Duterte của Philippines có vẻ “mềm dẻo” hơn đối với Trung Quốc. Theo ông, sự “mềm dẻo” này ảnh hưởng gì đến động thái và chiến lược kế tiếp của Philippines?
Tân Tổng thống Philippines đang hưởng lợi uy tín từ chiến thắng pháp lý của Philippines và đang trong thời gian “trăng mật” nên có thể sẽ tránh những bước đi cực đoan. Quan sát các phát biểu và động thái của ông Duerte cho thấy ông vừa nắn vừa buông không chỉ đối với vấn đề ngoại giao mà cả các vấn đề nội trị.
Hai tuyên bố trước đó của ông Duterte “đi mô tô nước ra đảo” và “sang Bắc Kinh nói chuyện phải quấy” nhằm tranh thủ sự ủng hộ cử tri dân tộc chủ nghĩa đã nhường bước cho những tuyên bố dè dặt hơn với Trung Quốc sau khi thắng cử. Tương tự, sau mỗi lần ông tuyên bố có tính bất cần với Trung Quốc thì có một tuyên bố tương tự với Mỹ.
Chúng tôi dự báo ông sẽ “đong đưa qua lại” chứ không ngả hẳn sang một thái cực quyết liệt nào. Ông đang là đại diện cho tính cách và tâm lý người Philippines, vốn trước đây đã tiễn người Mỹ đi khỏi căn cứ Subic nhưng chỉ trong chưa đầy hai thập kỷ thì trở thành đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Nam Á.
Phóng viên các nước đưa tin về hội nghị ASEAN ở Vientiane từ Trung tâm báo chí của hội nghị Lam Yên |
Sau phán quyết của Toà trọng tài, Việt Nam nên đặt vấn đề Biển Đông tại hội nghị này thế nào? Theo ông, Việt Nam có nên “học hỏi” Philippines hay không? Và “học hỏi” thế nào để phù hợp nhất với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay?
Tôi xin nhường việc trả lời chi tiết hơn cho các nhà tư vấn chính sách.
Tuy nhiên, với góc nhìn của người quan sát, tôi cho rằng không chỉ tại các hội nghị ASEAN mà còn ở các hội nghị khác, các nước đều có quyền lợi, trách nhiệm để nêu và phải nêu những vấn đề quan yếu, sát sườn đối với cộng đồng quốc tế và với quốc gia mình một cách chính thức, đường bệ nhất có thể. Những tuyên bố và vận động ấy là sức mạnh pháp lý, truyền thông, tâm lý, sức mạnh mềm và góp phần vào việc chuẩn bị sức mạnh tổng hợp để đấu tranh lâu dài với phía Trung Quốc, kẻ đang xâm phạm Biển Đông của thế giới và đã xâm lược Hoàng Sa, một phần Trường Sa của Việt Nam.
Mượn lực để bất chiến tự nhiên thành là điều cần tính đến, song nếu thụ động thì sẽ không ổn trước những nguy cơ bị tấn công ở nhiều mặt trận như hiện nay.
Việt Nam cần phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, đó là cách bảo vệ công lý và hòa bình tốt nhất cho Biển Đông và cho cả cộng đồng thế giới. Đó là cách đóng góp chính đáng nhất cho nhân dân Việt Nam, cho cộng đồng thế giới và thức tỉnh những người Trung Quốc đang trong cơn mê chủ nghĩa dân tộc cực đoan của họ.
Xin cảm ơn ông!
Chưa nên kiện Trung Quốc
Thạc sĩ luật Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật biển và hải đảo:
Thạc sĩ luật Hoàng Việt – Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Sau phán quyết của Toà trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS, chẳng phải riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia sẽ phải đánh giá, nghiên cứu về tác động của phán quyết, đặc biệt là Trung Quốc. Chắc chắn họ sẽ phải nghĩ tới việc điều chỉnh chính sách sau phán quyết này.
Theo tôi bây giờ Việt Nam chưa nên kiện Trung Quốc.
Thứ nhất, Việt Nam cần thời gian để nghiên cứu đầy đủ về phán quyết và tác động của nó.
Thứ hai, Việt Nam cần tính toán kỹ là sẽ kiện gì? Chỉ cần kiện những gì toà chưa tuyên, nhung Việt Nam phải nắm chắc phần thắng.
Thứ ba, phán quyết của Toà trọng tài là chiến thắng pháp lý cho Philippines nhưng vẫn chưa xoay chuyển được thực tế. Vì vậy, Việt Nam cần chờ đợi hiệu quả thực tế sau phán quyết.