Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngGiữa 'bão' Biển Đông, Mỹ tiếp cận lặng lẽ với TQ

Giữa ‘bão’ Biển Đông, Mỹ tiếp cận lặng lẽ với TQ

Việc quan chức Mỹ không đề cập trực tiếp vấn đề Biển Đông khi thăm Trung Quốc được giới chuyên gia cho là nhằm xoa dịu tình hình sau phán quyết “đường lưỡi bò”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice hôm qua đến Bắc Kinh, là quan chức Mỹ cấp cao nhất thăm Trung Quốc kể từ khi Tòa Trọng hôm 12/7 ra phán quyết bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc với các nguồn tài nguyên trong yêu sách “đường lưỡi bò” mà nước này đơn phương vạch ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông.

Trước thềm cuộc họp, Nhà Trắng ra tuyên bố rằng “Mỹ sẽ nhấn mạnh cam kết mở rộng hợp tác thiết thực và quản lý các khác biệt một cách xây dựng với Trung Quốc”. Tuy nhiên, bà Rice hôm qua không công khai đề cập đến Biển Đông trong các cuộc họp với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, theo Washington Post.

Bà Rice đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và các quan chức cấp cao khác. Bà ám chỉ đến “những vấn đề và thách thức”, nhưng tránh đề cập trực tiếp đến căng thẳng âm ỉ kéo dài.

Phát biểu trước cuộc thảo luận với ông Tập, bà Rice nhắc đến quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và gọi quan hệ Mỹ – Trung là “mối quan hệ đáng chú ý nhất trên thế giới hiện nay”. Ông Tập nói với bà Rice rằng Trung Quốc cam kết mạnh mẽ xây dựng quan hệ tốt đẹp dựa trên nguyên tắc “không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”.

Lời đề cập rõ ràng nhất đến tranh chấp Biển Đông, nhưng vẫn chỉ gián tiếp, là trong cuộc họp trước đó giữa bà và tướng Trung Quốc Phạm Trường Long.

“Chúng ta cần trung thực với chính mình rằng sâu thẳm trong mối quan hệ này, chúng ta vẫn phải đối mặt với những trở ngại và thách thức”, ông Phạm nói với bà Rice. “Nếu chúng ta không xử lý đúng đắn các yếu tố này, nó nhiều khả năng gây ảnh hưởng và làm suy yếu đà ổn định của quan hệ quân sự giữa chúng ta”, ông nói thêm.

Các cuộc họp ở Bắc Kinh trùng thời điểm với chuyến đi Lào của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nơi ông gặp các ngoại trưởng Đông Nam Á và Trung Quốc để thảo luận về các bước đi sau khi tòa ra phán quyết. Các ngoại trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra một tuyên bố chung dù không nhắc đến phán quyết ngày 12/7 của tòa, nhưng lên án các hoạt động cải tạo, làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông và kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Đợi tình hình lắng xuống

Washington Post đánh giá rằng Mỹ phải tìm cách hỗ trợ các đồng minh Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, nhưng không hoàn toàn xa lánh Bắc Kinh.

“Mỹ đang cố gắng làm dịu tình hình, đồng thời cũng kêu gọi các nước ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài”, Jay L. Batongbacal, giám đốc đại học của Viện Hàng hải và Luật Biển Philippines, nhận xét.

“Họ biết Trung Quốc giờ rất nhạy cảm, vì vậy họ đang cố gắng xử lý tế nhị”.

Ian Storey, một thành viên cao cấp tại Viện Ishak ISEAS-Yusof ở Singapore, cho rằng Washington đang chờ đợi cho tình hình lắng xuống.

“Họ muốn xem cách Philippines phản ứng và động thái tiếp của Trung Quốc”, ông nói.

Trung Quốc đã phản ứng trước phán quyết bằng ngôn từ gay gắt và các động thái chủ yếu mang tính biểu tượng, chẳng hạn như điều máy bay dân sự đến các sân bay họ mới xây dựng ở Biển Đông.

Trung Quốc cũng nói với Philippines rằng Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán nếu Manila bỏ qua phán quyết. Ngoại trưởng Philippines đã từ chối đề nghị này.

Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua tuyên bố sẽ sử dụng phán quyết như một phần trong “nỗ lực để theo đuổi một giải pháp hòa bình và quản lý tranh chấp”.

Cuối tuần qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân gián tiếp cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ Đông Nam Á. ASEAN “nên cảnh giác trước sự can thiệp trong hợp tác khu vực bởi cường quốc ngoài khu vực”, ông nói nhưng không nhắc đến một quốc gia cụ thể.

Theo VOA, các quan chức cao cấp Mỹ đã bày tỏ hy vọng Bắc Kinh và ASEAN sẽ “đạt được các tiến bộ lớn” và đạt được bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng việc này khó có thể xảy ra. “Nếu Trung Quốc không chứng tỏ họ thật sự có thiện chí thương lượng, thì dù ASEAN có nỗ lực thế nào cũng không có hiệu quả”, Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét.

“Ý tưởng rằng Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận bộ quy tắc mà sẽ kiềm chế các hành động của họ có vẻ xa vời”, ông nói.

Ông Poling cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục có các động thái đối nghịch. Mỹ sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp trị và thực hiện quyền tự do hàng hải bằng các chuyến tuần tra, trong khi Trung Quốc tuyên bố sẽ chống lại bất cứ “sự xâm phạm” nào vào vùng biển mà Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố là có chủ quyền.

RELATED ARTICLES

Tin mới