Bị Mỹ đánh giá thấp trong kỹ thuật chế tạo tàu sân bay, nhưng tương lai Trung Quốc sẽ sở hữu tới 6 tàu, trong đó có 2 TSB hạt nhân.
Trung Quốc sắp hoàn tất tàu sân bay quốc nội đầu tiên
Ngay từ hồi cuối năm 2012, sau khi Trung Quốc biên chế tàu sân bay thông thường (CV) Liêu Ninh, thông tin về việc nước này đang tự chế tạo hàng không mẫu hạm đã khiến các chuyên gia quân sự thế giới kinh ngạc.
Hồi cuối năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tiết lộ, hải quân nước này đang triển khai đóng tàu sân bay thứ hai tại nhà máy đóng tàu Đại Liên và đây là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự chủ sản xuất.
Một số quan chức nước này cũng úp mở tiết lộ, việc chế tạo tàu sân bay “001A” đã bước vào công đoạn sau cùng và cho rằng thời đại tàu sân bay quốc nội của Trung Quốc đã đến.
Vừa qua, tờ “Bưu điện Huffington” của Mỹ đưa tin, có thể Bắc Kinh sẽ hoàn tất kế hoạch sản xuất tàu sân bay 001A vào cuối năm nay. Hồi trung tuần tháng 6, cũng đã có thông tin cho biết các bộ phận cấu thành chính của tàu sân bay này đã bắt đầu được lắp ráp.
Đây là chiếc hàng không mẫu hạm đang được dư luận quan tâm bởi nó là sản phẩm quốc nội đầu tiên của Trung Quốc, bởi nếu đúng như vậy Trung Quốc sẽ trở thành một trong số không nhiều những quốc gia làm chủ được công nghệ chế tạo tàu sân bay.
Tờ “Bưu điện Huffington” bình luận, việc tự sản xuất được tàu sân bay “001A” của Trung Quốc mang lại rất nhiều ý nghĩa. Trong đó có việc làm thay đổi cách nhìn nhận của Mỹ, coi nước này là “cường quốc bằng vai”, do đó Bắc Kinh luôn nỗ lực hiện thực hóa điều này.
Ảnh chụp từ vệ tinh, Trung Quốc đang thi công mặt boong tàu sân bay “001A”tại nhà máy đóng tàu Đại Liên Trung Quốc chụp từ vệ tinh |
Trước đây, Mỹ luôn đánh giá thấp Trung Quốc về kỹ thuật chế tạo tàu sân bay, và nay thì Washington không rời mắt theo dõi quá trình sản xuất tàu sân bay của Trung Quốc, tờ “Bưu điện Huffington” bình luận.
Theo “Bưu điện Huffington”, mọi thông tin chi tiết liên quan đến chế tạo tàu sân bay “001A” vẫn đang được giữ bí mật, nhà máy đóng tàu này có lẽ là ở Thượng Hải. Tuy nhiên, trước đó truyền thông Trung Quốc cho biết, chiếc này được đóng tại Đại Liên.
Tờ “New York Times” cũng bình luận rằng, ngay sau khi biên chế tàu sân bay đầu tiên, giới chức lãnh đạo quân đội Trung Quốc cũng đã tuyên bố, Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên nhưng chắc chắn không phải là chiếc tàu sân bay cuối cùng được biên chế cho hải quân nước này.
Tàu sân bay thứ hai ra đời sẽ làm cho quân đội Trung Quốc tiến gần thêm một bước tới mục tiêu làm chủ biển xa, xây dựng hạm đội hải quân nước xanh của họ. Trong tương lai, hải quân Trung Quốc sẽ thống trị châu Á, lấn át hải quân Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ – 3 lực lượng hải quân mạnh nhất châu Á hiện nay.
Trung Quốc sẽ chế tạo 6 tàu sân bay, trong đó có 2 CVN
Theo giới truyền thông Trung Quốc, nước này hiện đang khởi đóng đồng loạt 2 chiếc tàu sân bay quốc nội. Ngoài chiếc mang mã số 001A, chiếc thứ 2 mang mã số 002 cũng đang được đóng tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải.
Dự kiến tàu sân bay 001A sẽ được biên chế cho lực lượng hải quân nước này vào năm 2018 và được đặt tên là Sơn Đông (là tên một tỉnh của Trung Quốc, cũng giống như Liêu Ninh), còn tàu sân bay thứ 2 vào khoảng năm 2020. Cả 2 chiếc tàu sân bay mới đều sẽ định hình khả năng tác chiến trước năm 2025.
Trang mạng Học viện Hải quân Mỹ phân tích cho rằng, Trung Quốc rất có thể sẽ chế tạo 3 chiếc tàu sân bay nội địa trong lô đầu tiên. Bởi vì, về lý thuyết, 1-2 tàu sân bay rất khó hình thành sức chiến đấu có hiệu quả, yêu cầu tối thiểu là phải có 3 tàu sân bay trở lên.
Khi đó, 1 tàu tiến hành thực hiện nhiệm vụ ở biển xa, 1 tàu huấn luyện phi công và thủy thủ cho một tàu mới khác, 1 tàu khác tiến hành bảo dưỡng ở bến tàu hoặc căn cứ, cho thủ thủ và phi công nghỉ ngơi. Chỉ như vậy mới có thể hình thành biên đội tàu sân bay có hiệu quả, có thể sử dụng bất cứ lúc nào.
Theo báo Trung Quốc, khác với tàu sân bay của Mỹ “diễu võ dương oai” ở các đại dương trên thế giới, tàu sân bay số lượng có hạn của Trung Quốc có thể tụ tập triển khai ở cảng chính, lấy phương thức triển khai luân phiên để thực hiện nhiệm vụ.
Tàu sân bay Liêu Ninh hiện không có khả năng tác chiến, trở thành tàu nghiên cứu, huấn luyện |
Trung Quốc có thể sẽ không phân phối tàu sân bay theo phương thức mỗi hạm đội lớn 1 chiếc (hiện nay Trung Quốc có 3 hạm đội lớn là Hạm đội Nam Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Bắc Hải), mà sẽ tập hợp nhiều tàu sân bay triển khai ở căn cứ Tam Á của Hạm đội Nam Hải, đồng thời cũng dùng mô hình triển khai không định kỳ ở các vùng biển như biển Hoa Đông để thích ứng với những nhu cầu khác nhau.
Sau khi hoàn tất chế tạo 4 tàu sân bay thông thường, trong tương lai Bắc Kinh sẽ khởi đóng ít nhất là 2 tàu sân bay hạt nhân (CVN) có lượng giãn nước lớn hơn, mang được nhiều máy bay hơn, số lượng máy phóng hơi nước cũng nhiều gấp đôi so với 001A là 4 chiếc.
Hải quân Trung Quốc dự kiến sẽ đưa vào biên chế 6 tàu sân bay vào năm 2025, trong đó có 2 tàu động cơ hạt nhân. Với việc tự sản xuất được tàu sân bay, Bắc Kinh hy vọng khoảng cách sức mạnh quân sự so với Mỹ sẽ thu hẹp hơn.
Khi đã có đủ số lượng 6 chiếc, Bắc Kinh có thể triển khai cho Hạm đội Đông Hải và Bắc Hải, mỗi Hạm đội 1 chiếc, số còn lại ưu tiên đưa tất cả về Biển Đông nhằm khống chế hoàn toàn vùng biển đang có tranh chấp này.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự bình luận, đến năm 2025 Bắc Kinh có thể hoàn tất kế hoạch 4 tàu sân bay nội địa thông thường (kể cả Liêu Ninh) nhưng việc hoàn tất 2 tàu sân bay hạt nhân là rất khó, bởi thiết kế của CVN và CV khác nhau hoàn toàn.
Sớm nhất cũng phải đến năm 2030 Trung Quốc mới hoàn thành được kế hoạch này.