Với phán quyết bất lợi cho Trung Quốc của tòa quốc tế, Trung Quốc rơi vào thế bị động và họ phải tìm cách xoay chuyển tình thế.
Đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc
Tìm cách xoay chuyển tình thế
Sau phán quyết liên quan đến vụ kiện “đường lưỡi bò” của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) hôm 12/7, Trung Quốc đã tuyên bố lập trường mới của nước này về hợp tác với Philippines và các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, trong việc khai thác nguồn cá và tài nguyên thiên nhiên khác. Theo đó, phía Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với các nước có liên quan về các thỏa thuận tạm thời trong khi chờ đợi biện pháp xử lý tranh chấp cuối cùng.
Lý giải sự thay đổi giọng điệu của Trung Quốc, Ths Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biên Đông cho hay, phán quyết của PCA gây bất lợi cho Trung Quốc nên ngay sau khi tòa ra phán quyết, tất cả giới chức Trung Quốc trong các bài phát biểu gần như không nhắc đến “đường lưỡi bò” nữa. Đó là sự thay đổi nhanh chóng.
Đối với việc Trung Quốc đưa ra cái gọi là khai thác chung hay hợp tác phát triển chung, cụm từ mà trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) cũng có, theo Ths Hoàng Việt, không phải là điều lạ vì đã có nhiều trường hợp tương tự.
“Ngay cả Việt Nam và Malaysia cũng có những vùng chồng lấn và hai bên quyết định hình thành vùng khai thác chung để khai thác nguồn cá. Việc khai thác chung này không ảnh hưởng tới việc quyết định ranh giới cũng như xác định chủ quyền của các bên. Để phân định được ranh giới rất rắc rối và mất nhiều thời gian trong khi hải sản và các tài nguyên khác lại nhiều, nếu để không thì rất lãng phí, do đó các nước có thể bắt tay nhau để cùng khai thác.
Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, họ nói là một chuyện. Trung Quốc đặt ra vấn đề khai thác chung với Philippines nhưng họ lại không đếm xỉa gì tới phán quyết của tòa quốc tế. Do đó, động thái này cũng chỉ là đòn gió của Trung Quốc mà thôi.
Trung Quốc đang tìm cách để xoay chuyển tình thế. Với phán quyết bất lợi cho Trung Quốc của tòa quốc tế, Trung Quốc rơi vào thế bị động. Bắc Kinh thấy rằng khi bị cô lập họ đã phải tốn rất nhiều tiền, công sức để lobby nhiều học giả, các cơ quan thông tấn trên thế giới để phản đối phán quyết của tòa, nhưng cuối cùng tòa vẫn ra phán quyết và hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc cứ tuyên bố là phán quyết của PCA không đáng ngại nhưng thực ra nó rất đáng ngại với Trung Quốc, vì thế họ tìm mọi cách xoay chuyển tình thế bằng cách đưa ra những phát ngôn mang tính có vẻ xuống thang nhưng bản chất là chưa hề xuống”, Ths Hoàng Việt phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia, ngay cả động thái phía Trung Quốc nhờ Mỹ giúp nối lại đàm phán giữa Trung Quốc với Philippines về Biển Đông sau phán quyết của tòa trọng tài cũng chỉ là một đòn của Bắc Kinh nhằm cho thế giới thấy rằng Bắc Kinh đã chủ động xuống thang và sẵn sàng hợp tác, đối thoại.
“Thực ra nếu Trung Quốc muốn đối thoại thì không thiếu gì cách và không cần nhờ tới sự giúp đỡ của Mỹ. Trung Quốc dư sức nói chuyện thẳng với Philippines. Vì thế, đây chẳng qua là một đòn của Trung Quốc, huống chi họ lại thường nói một đằng, làm một nẻo nên các nước phải xem xét kỹ”, Ths Hoàng Việt lưu ý.
Không thể tin
Bàn thêm về đề xuất gác tranh chấp, cùng khai thác Biển Đông của Trung Quốc, Ths Hoàng Việt cho biết, trong UNCLOS có cụm từ “khai thác chung” hay “hợp tác phát triển chung”. Theo đó, trên những vùng biển quốc tế hoặc vùng biển tranh chấp, các bên có thể tạm thời không nói chuyện chủ quyền mà cùng hợp tác, phát triển chung.
Chẳng hạn, vùng biển Việt Nam, Malaysia, Philippines chồng lấn, chưa thể nói là chủ quyền của ai nên tạm thời ba nước không nói chuyện chủ quyền mà cùng hợp tác phân chia mỗi nước một năm được đánh bắt bao nhiêu sản lượng cá. Tương tự, với dầu khí, các nước tổ chức ra một tổ hợp khai thác dầu mỏ để khai thác rồi phân chia theo tỷ lệ nhất định.
Nhưng cái gọi là gác tranh chấp để khai thác chung của Trung Quốc lại khác, Ths Hoàng Việt lưu ý.
“Trên Biển Đông, có những vùng chỉ một mình Trung Quốc khẳng định đó là vùng tranh chấp, dù thực tế nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hay Philippines. Như thế là sai luật! Theo luật, đó là vùng biển của Việt Nam hay Philippines, mà quyền chủ quyền, quyền thăm dò và khai thác tài nguyên theo Công ước Luật Biển năm 1982, như vậy làm sao mà tranh chấp được.
Do vậy, cái gọi là gác tranh chấp để cùng khai thác của Trung Quốc không làm được là ở chỗ đó: Trung Quốc đòi khai thác chung vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác. Đây cũng là lý do các nước không đặt niềm tin vào Trung Quốc”, vị chuyên gia nói.
Có thể kiện Trung Quốc
Cũng theo Ths Hoàng Việt, các nước có nhiều cách để khởi kiện Trung Quốc. Chẳng hạn, về mặt luật pháp, Philippines có thể khởi kiện đòi bồi thường về việc phá hủy các rạn san hô trong khu vực bãi Vành Khăn mà Trung Quốc đã chiếm.
Hay nếu Trung Quốc tiếp tục cho các tập đoàn dầu khí khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hoặc tại quốc gia khác thì các quốc gia có thể khởi kiện các công ty dầu khí đó ra tòa. Thậm chí, Philippines hoặc quốc gia khác có thể khiếu kiện lên cơ quan quyền lực đáy đại dương – cơ quan được thành lập chuyên để quản lý các đáy đại dương vì Trung Quốc đã không tuân thủ các nghĩa vụ của UNCLOS nên cũng phải chịu trách nhiệm trong trường hợp đó.
“Đó là lý thuyết, còn việc kiện hay không kiện tùy thuộc vào các quyết định chính trị của các chính khách. Điều này không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn liên quan đến chính trị.
Cho đến bây giờ các quốc gia, đặc biệt là Mỹ đang muốn không dồn Trung Quốc vào chân tường. Với vụ kiện đường lưỡi bò, Trung Quốc đã rất bẽ mặt. Cho nên, nếu các nước khác nối tiếp kiện Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ cảm thấy bị dồn tới chân tường và lúc đó quốc gia này sẽ có những phản ứng tiêu cực, ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới và không ai muốn điều đó cả.
Đây cũng là lý do vì sao tại hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra ở Lào vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi các nước kiềm chế, tránh các căng thẳng, bước sang trang mới ở Biển Đông sau phán quyết của tòa trọng tài”, Ths Hoàng Việt cho biết.