Rất ít khả năng Trung Quốc phiêu lưu, manh động thực hiện những động thái leo thang như tuyên bố ADIZ ở Biển Đông, xây đảo nhân tạo ở Scarborough.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice đi Trung Quốc với vai trò đặc sứ của Tổng thống Barack Obama sau phán quyết trọng tài 12/7.
Ảnh: Ông Phạm Trường Long – Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc tiếp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ. Nguồn: Military Times.
The Straits Times ngày 1/8 đưa tin, trả lời báo này qua email, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc và các bên yêu sách khác ở Biển Đông nỗ lực giải quyết bất đồng trên tinh thần xây dựng.
Đây là lần đầu tiên ông chủ Nhà Trắng lên tiếng về phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc hôm 12/7.
Ông Obama không chỉ trích trực tiếp Trung Quốc, mà bác bỏ tuyên bố của phía Trung Quốc rằng Philippines đã lợi dụng vấn đề pháp lý để thực hiện các mục tiêu chính trị, hoặc Mỹ đã làm dấy lên những căng thẳng ở Biển Đông.
“Philippines đã nỗ lực giải quyết tranh chấp giữa họ với Trung Quốc ở Biển Đông một cách hòa bình và hợp pháp, thông qua việc sử dụng một cơ quan tài phán được thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”, ông Obama viết trong email trả lời The Straits Times.
Phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 đã bác bỏ yêu sách “quyền lịch sử” – căn cứ của đường 9 đoạn, trong đó Trung Quốc đòi “chủ quyền” với gần như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc tiếp tục bác bỏ phán quyết này.
Về hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, ông Obama nói rằng Hoa Kỳ đảm bảo rằng bất kỳ hành động nào cũng phải phù hợp với luật pháp quốc tế và nhấn mạnh, Mỹ không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào trong các hoạt động của mình tại châu Á.
“Cần nhớ rằng sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực này không có gì mới trong 60 năm qua. Hoa Kỳ đã ở bên cạnh các đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trải dài hơn 2 thập kỷ, bao gồm hợp tác quốc phòng với Singapore.
Quan hệ liên minh và đối tác giữa chúng tôi không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào. Ngược lại, chúng tôi đang tập trung vào bảo vệ an ninh chung của chúng ta, duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, cùng duy trì hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới.”
Khi được hỏi Mỹ sẽ làm việc với Trung Quốc như thế nào về Biển Đông sau phán quyết trọng tài hôm 12/7, ông Obama nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc giục một giải pháp hòa bình:
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và các bên tranh chấp khác làm việc một cách xây dựng để giải quyết những bất đồng, để Biển Đông vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, có thể được định nghĩa bằng thương mại và hợp tác.
Hoa Kỳ tin rằng mọi quốc gia cần tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm cả ở Biển Đông. Đây không phải là một khu vực nơi chúng ta có thể chọn cái tốt nhất cho riêng mình.
Đó là lợi ích của tất cả chúng ta, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới để đảm bảo luật pháp được tôn trọng.
Những quy tắc và chuẩn mực này là một phần của nền tảng tạo nên sự ổn định trong khu vực, và chính nó đảm bảo cho các nước trong khu vực này, bao gồm Trung Quốc, tiếp tục phát triển thịnh vượng.”
Ngoại giao thầm lặng
Người viết cho rằng, những phát biểu của Tổng thống Obama về Biển Đông sau phán quyết trọng tài hôm 12/7 thể hiện rõ chính sách “ngoại giao thầm lặng” của Nhà Trắng.
Về mặt dư luận, Trung Quốc vẫn công khai chống lại phán quyết trọng tài bằng con đường tuyên truyền, báo chí.
Nhưng có thể nhận thấy, dường như mục đích chính của hoạt động tuyên truyền này là nhằm vào dư luận trong nước Trung Quốc, làm cho người dân Trung Quốc hiểu rằng Trung Nam Hải quyết không nhân nhượng trong những vấn đề họ coi là “lợi ích quốc gia cốt lõi”.
Còn trên thực tế, những hành động của Trung Quốc chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự leo thang bằng cách vin cớ phán quyết trọng tài như lo ngại của không ít người trước thời điểm Tòa Trọng tài ra phán quyết.
Rất ít khả năng Trung Quốc phiêu lưu, manh động thực hiện những động thái leo thang như tuyên bố ADIZ ở Biển Đông, xây đảo nhân tạo ở Scarborough hoặc tiếp tục quân sự hóa mạnh mẽ (bất hợp pháp) ở Hoàng Sa và một phần Trường Sa, trong lúc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút.
Theo cá nhân người viết, sự kiềm chế này chính là kết quả trực tiếp từ chiến dịch “ngoại giao thầm lặng” của chính quyền Tổng thống Obama, nói như người Việt là lạt mềm buộc chặt.
Tuy nhiên xu hướng hòa hoãn trên Biển Đông kéo dài được bao lâu sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là quan hệ Trung – Mỹ.
Việc Trung Quốc và Nga tuyên bố tập trận chung trên Biển Đông chưa chắc đã là một phản ứng chung của Bắc Kinh và Moscow về phán quyết trọng tài, mà nhiều khả năng là phản ứng có tính toán của cả Trung Nam Hải lẫn Điện Kremlin với quyết định của Nhà Trắng triển khai hệ thống phòng thủ THAAD tại Hàn Quốc.
Hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông cũng chính là những gì các nước ven Biển Đông mong mỏi. Philippines đã có những cử chỉ bày tỏ thiện chí nối lại đàm phán với Trung Quốc, nhưng trên tinh thần lấy luật pháp quốc tế làm căn cứ, nền tảng để đàm phán.
Dù có nhắc đến hay không, phán quyết trọng tài hôm 12/7 rõ ràng là tham chiếu cụ thể và công cụ tốt nhất về giải thích và ứng dụng UNCLOS 1982 để các nước nhỏ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Mọi đề xuất đàm phán, gác tranh chấp cùng hợp tác do Trung Quốc đưa ra đều phải được soi chiếu dưới lăng kính luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.