Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bày tỏ phẫn nộ đối với phần viết về Trung Quốc trong Sách Trắng quốc phòng năm 2016 của Nhật Bản.
Hôm qua, ngày 2/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố Sách Trắng năm 2016. Không chỉ đưa ra những thông tin mới nhất về năng lực quốc phòng nước nhà, sách này còn phân tích tình hình quốc tế và bình luận, đánh giá về lực lượng vũ trang các nước láng giềng trong khu vực. Theo sách này, hai mối nguy cận kề và lớn nhất đối với Nhật Bản là từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc: Sách Trắng Nhật Bản đầy ác ý
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trong Sách Trắng của Nhật Bản vừa được ban hành “có một số nội dung nói xấu Trung Quốc, chỉ trích một cách vô lý việc Trung Quốc xây dựng nền quốc phòng và các lực lượng vũ trang của mình, diễn giải sai lệch về chủ đề Biển Đông và Biển Hoa Đông”. Bộ này cho rằng trong Sách Trắng Nhật Bản “đầy rẫy những nhận xét không công bằng, thậm chí ác ý về quân đội Trung Quốc cũng như về quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng và với cộng đồng quốc tế”.
“Các lực lượng vũ trang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cực lực phản đối những nhận xét không tốt đẹp về Trung Quốc trong Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản và xác định rằng đó là những lời bôi nhọ với ý đồ xấu” – thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc viết.
Thông cáo này cũng nói rằng “Nhật Bản và các nước không liên quan đã nhúng tay vào những sự kiện tranh chấp ở Biển Đông, phá hoại hòa bình, an ninh và sự ổn định chính trị trong khu vực”. Đồng thời, thông cáo này ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với đảo Senkaku/Điếu Ngư (hiện nay đang bị Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp).
Được biết, trong Sách Trắng, Nhật Bản bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng (tăng 5% mỗi năm) chỉ để nhằm vào việc tăng cường các hoạt động quân sự của mình tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
Nhật Bản đặc biệt quan ngại về việc các tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện ở khu vực gần vùng lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp với Trung Quốc Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản khẳng định là lãnh thổ của mình. Sách Trắng Nhật Bản cũng lưu ý rằng trong thời gian gần đây, máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã phải xuất kích nhiều lần để cảnh cáo các máy bay quân sự của Trung Quốc xuất hiện (thường xuyên) trong vùng trời của Nhật Bản.
Sách Trắng cũng lên án việc Trung Quốc đã cải tạo 7 bãi cạn, đảo san hô, xây dựng trên đó các sân bay quân sự, trạm radar, bến cảng hải quân…
Bộ Quốc phòng mỏi miệng, đến lượt Bộ Ngoại giao
Sau Bộ Quốc phòng, đến lượt Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng về Sách Trắng của Nhật Bản.
“Sách Trắng năm nay của Nhật Bản đã chỉ trích một cách vô căn cứ việcTrung Quốc hoàn thiện hóa việc xây dựng nền quốc phòng của mình. Đó là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của CHND Trung Hoa. Trung Quốc cực lực phản đối và coi thường những nhận xét về CHND Trung Hoa trong Sách Trắng Nhật Bản” – bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu.
Bà Hoa nói rằng Trung Quốc có chủ quyền cố hữu đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và toàn bộ vùng biển xung quanh, vì vậy cũng có quyền thực hiện mọi hạn chế lưu thông hàng không và hàng hải ở khu vực này, trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia của nước mình. Đồng thời, bà cũng nhắc lại rằng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế The Hague về Biển Đông nhưng vẫn giữ ý định tiếp tục giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại với các nước tham gia tranh chấp và với tất cả các nước ASEAN “để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực” (!).
Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh kêu gọi Tokyo nên thực hiện nhiều động thái tích cực để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước láng giềng và duy trì sự phát triển ổn định của khu vực.
Hiện Tokyo chưa có ý kiến chính thức về những phản ứng mà dư luận Nhật Bản coi là cay cú này của phía Trung Quốc.