Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐừng biến Nga thành "tay lái súng có hạng" ở Biển Đông

Đừng biến Nga thành “tay lái súng có hạng” ở Biển Đông

Petr Akopov và những phát biểu của ông trên Sputnik News đang làm xấu hình ảnh nước Nga, đang cố vẽ nước Nga thành tay lái súng có hạng ở Biển Đông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh: linkedin.com.

Ngày 4/8 tờ Sputnik News của Nga có bài bình luận đáng chú ý với tiêu đề: “Một người bạn trong lúc cần: Trung Quốc hợp sức với Nga trên Biển Đông”, trong đó đưa ra nhận xét về cục diện Biển Đông, vai trò và ý đồ của Nga trong khu vực từ một số nhà phân tích. 

Đổ mọi trách nhiệm lên đầu Mỹ, tìm cách vớt vát danh dự cho Bắc Kinh

Nhà nghiên cứu Vladimir Terehov từ tạp chí New Eastern Outlook nói với Sputnik News:

“Sau phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông, Bắc Kinh đã ghi được một bàn thắng ngoại giao với các nước ASEAN. Còn về phần mình, Nga đã chứng tỏ sự đoàn kết với Bắc Kinh bằng cách chống lại quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông.

Trung Quốc có thể thúc đẩy lập trường của mình trong ASEAN thông qua sự giúp đỡ của Campuchia và ở một mức độ nào đó là Lào, cả hai đều là bạn bè thân thiết của Bắc Kinh.

Nguyên tắc chỉ đạo của ASEAN là đồng thuận, do đó chỉ cần Campuchia phủ quyết là có thể ngăn chặn bất kỳ lời quở trách mạnh mẽ nào.”

Bình luận về điều này, Victor Sumsky – Giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Đại học MGIMO nói với Sputnik News, tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Vientiane, Lào vừa qua báo hiệu rằng, ASEAN từ chối “tự tử” bất chấp áp lực của Washington.

Cũng trong ngày 4/8, Sputnik News phỏng vấn riêng nhà báo Petr Akopov của tờ Vzglyad một bài. Trong đó Akopov bình luận: 

“Từ lâu Mỹ đã tìm cách kiềm chế Nga ở châu Âu và Trung Quốc ở châu Á, nhưng đối tượng thứ 2 quan trọng hơn với Mỹ. Không chỉ vì chẳng có mối đe dọa thực sự nào ở châu Âu từ Nga, trong khi Trung Quốc đang trỗi dậy với tuyên bố của riêng họ ở Thái Bình Dương.

Ngăn chặn Trung Quốc là một ưu tiên trong chính sách của Mỹ nhiều năm qua. Gần đây khu vực Thái Bình Dương đã trở thành mục tiêu chính thức của Hoa Kỳ.

Ngày nay Mỹ xây dựng vành đai ngăn chặn Trung Quốc từ phía Đông, chạy từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines cho tới các căn cứ ở Singapore. Căn cứ của Mỹ vây Trung Quốc trải dài từ phía Đông và ngăn cản sự lan truyền, ảnh hưởng quân sự (của Bắc Kinh) ở phía Nam.”

Cá nhân người viết cho rằng, cạnh tranh giữa các siêu cường Mỹ – Trung Quốc và có thể bây giờ thêm Nga ở Biển Đông là một sự thật. Mỗi nước đều có tính toán của riêng mình. Muốn biết hành động cạnh tranh của từng nước lớn có mang lại hòa bình, ổn định, bảo vệ luật pháp quốc tế và công lý ở Biển Đông hay không, phải căn cứ vào luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên việc Sputnik News dẫn lời một số nhà phân tích Nga phớt lờ mọi hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông mà chỉ xoáy mũi nhọn chỉ trích vào Hoa Kỳ, trong khi không đưa ra được bằng chứng thuyết phục cho lập luận buộc tội của mình cho thấy, tờ báo Nga này muốn mượn chuyện Biển Đông để công kích, bôi nhọ Hoa Kỳ hơn là phân tích mổ xẻ dưới góc độ pháp lý quốc tế.

Nhận định Trung Quốc “ghi bàn thắng” vì ASEAN không ra tuyên bố chung ủng hộ phán quyết trọng tài hoặc lên án đích danh Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông với thái độ hả hê, đồng thời nhận định Nga đang “chứng tỏ sự đoàn kết với Bắc Kinh chống quốc tế hóa Biển Đông” chỉ thể hiện nhận thức ấu trĩ, ích kỷ, có động cơ chính trị hẹp hòi.

Phán quyết trọng tài ngày 12/7 là một văn kiện pháp lý có giá trị trong việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông mà mọi thành viên Công ước đều có nghĩa vụ tuân thủ. Phán quyết không phải là một tuyên bố chính trị để cho ai đó lợi dụng đục nước béo cò.

Xúi dại các nước Đông Nam Á ngoan ngoãn quy hàng Trung Quốc

Theo Petr Akopov: “Trong khi ở miền Nam, từ lâu Trung Quốc đã tập trung ảnh hưởng. Trong nhiều thế kỷ, nền văn minh của người Hán đã mở rộng theo hướng này. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là Trung Quốc đang chuẩn bị tiếp quản khu vực Đông Nam Á về quân sự.

Tuy nhiên họ có quyền để xem xét các nước này rằng, từ thời cổ đại họ đã chịu ảnh hưởng to lớn từ văn hóa, kinh tế đến cả dân tộc của Trung Quốc trong các lĩnh vực của đời sống quốc gia.

Còn đối với Washington, vấn đề ngăn chặn Trung Quốc ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á có tầm quan trọng cơ bản mà nếu không có nó, tất cả kỳ vọng của Mỹ để duy trì vị thế bá chủ toàn cầu trở nên vô nghĩa.

Thật không may cho các nhà hoạch định Hoa Kỳ, các nỗ lực của người Mỹ để tiếp tục kiềm chế Trung Quốc đang đi đến thất bại, không chỉ vì trào lưu của lịch sử đang ủng hộ Bắc Kinh, mà còn sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang tăng trưởng, đặc biệt là hải quân.

Tuy nhiên trong thời điểm xung đột ở Biển Đông, Mỹ cần quan hệ căng thẳng giữa các nước với Bắc Kinh để tiếp tục có cái cớ duy trì căn cứ quân sự của mình trên lãnh thổ các nước, ví dụ như Philippines, hoặc tiếp tục ảnh hưởng của mình như với Singapore, và cung cấp hỗ trợ Việt Nam chống bành trướng từ Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là, liệu các nước Đông Nam Á có hiểu rằng Mỹ đang cố tình khuấy rắc rối ở Biển Đông? Họ hiểu rằng Trung Quốc là hàng xóm láng giềng của họ, còn Mỹ chỉ là một kẻ ngoài lề muốn lợi dụng họ?

Đối với hầu hết các nước (ASEAN), câu trả lời là có, bởi 3 nước Đông Dương đã từng phải chống chọi với cỗ máy quân sự khổng lồ của Mỹ, trong khi Philippines từng là thuộc địa của Hoa Kỳ. Ngay cả khi độc lập, Philippines vẫn không thoát khỏi các căn cứ Mỹ nằm trên lãnh thổ của mình.

Mọi người đều hiểu rằng Mỹ có thể làm rất ít để chống lại Bắc Kinh trong khu vực. Mỹ chỉ đơn giản là không có công cụ để gây áp lực với Trung Quốc, tất nhiên ngoại trừ cách sử dụng sự bất mãn của các nước láng giềng.” 

Người viết không thể chấp nhận được quan điểm này của ông Petr Akopov và tin rằng những người dân Đông Nam Á cũng không bao giờ chấp nhận.

Petr Akopov muốn nói xấu Mỹ là việc của ông ấy. Nhưng xui các nước Đông Nam Á khoanh tay quỳ gối chấp nhận làm chư hầu kiểu mới cho bất kỳ thế lực thực dân kiểu mới nào đều là điều không tưởng.

Trung Quốc thời phong kiến đã từng cất quân xâm lược nhiều nước láng giềng nhỏ hơn, trong đó có Việt Nam. Nhưng cha ông người Việt không bao giờ khuất phục, dù khó khăn đến mấy cũng giữ cho được giống nòi, văn hóa, truyền thống dân tộc và khi có thời cơ là vùng lên giành độc lập, giữ vững nền độc lập tự chủ.

Dù luôn thể hiện thiện chí hòa hiếu với láng giềng, nhưng trong tiềm thức người Việt chưa bao giờ mất cảnh giác.

Trung Quốc đang trỗi dậy không sai. Các nước lớn luôn muốn có sân sau, không sai. Nhưng dưới mái nhà chung của Liên Hợp Quốc, trong thời đại văn minh của nhân loại hiện nay, mọi thành viên đều bình đẳng. Một nước chỉ có thể trở thành cường quốc nếu biết thượng tôn pháp luật quốc tế, bảo vệ pháp luật quốc tế.

Quyền lực có thể đi ra từ nòng súng. Nhưng uy tín và thương hiệu thì không bao giờ.

Đừng cố tình biến Nga thành tay lái súng có hạng ở Biển Đông

Ankopov lưu ý: “Về phần mình, Nga đang chứng tỏ tình đoàn kết với Trung Quốc, đồng thời Moscow tiếp tục chính sách không can thiệp vào các tranh chấp khu vực, mà chỉ nhấn mạnh các lực lượng bên ngoài không nên gây ảnh hưởng đến việc giải quyết các tranh chấp giữa các nước láng giềng.

Đồng thời điều rất quan trọng đối với Nga là không được để bị đẩy vào thế kẹt trong quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam. Rất có thể Nga sẽ phục vụ như một bên trung gian trung thực trong một cuộc xung đột (tiềm tàng) giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Trường Sa.

Nga là một đất nước có mối quan hệ mật thiết với cả Việt Nam và Trung Quốc. Nga chính thức ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông bởi vì chúng tôi tin rằng nếu không có sự hiện diện của Mỹ, khu vực này sẽ an toàn hơn và bình yên hơn cho tất cả các dân tộc sống ở đó, bởi vì Trung Quốc trở lại vị thế siêu cường là một quá trình lịch sử tự nhiên.” 

Sputnik News thì nhận định: “Quan điểm của Nga về những diễn biến ở Biển Đông cũng đáng được chú ý. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhiều lần tuyên bố Moscow phản đối quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông.

Theo Điện Kremlin, các tranh chấp trong khu vực này cần được giải quyết chỉ bởi (đàm phán) giữa các bên liên quan.”

Ngày 28/7 người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố, Nga và Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận hải quân chung ở Biển Đông vào tháng 9 với lưu ý, cuộc tập trận không nhằm vào nước thứ 3 nào.

Theo Petr Akopov: “Tháng trước Hoa Kỳ và các đồng minh đã thực hiện cuộc tập trận của họ ở Biển Đông. Tính chất phô trương của cuộc tập trận không có gì phải nghi ngờ. 

Nga và Trung Quốc tuy không phải đồng minh chính thức, nhưng đã được chứng minh rõ trong vài năm qua rằng hai nước có nhiều lợi ích và mục tiêu chung phổ biến. Hai nước đang chuẩn bị làm việc cùng nhau để chống lại áp lực của Hoa Kỳ.”

Cá nhân người viết cho rằng, những phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thời điểm trước phán quyết trọng tài 12/7 đã khiến các nước liên quan ở Biển Đông thực sự lo ngại về ý đồ tác động đến Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 từ 2 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Dư luận đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều, khác nhau xung quanh những phát biểu của Nga về Biển Đông. Chính người viết cũng đã đặt thẳng vấn đề ý đồ của Nga là gì khi đưa ra những phát biểu nhạy cảm để Trung Quốc tha hồ chộp lấy nhằm lèo lái dư luận quốc tế như vậy. 

Và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, rồi Đại sứ Nga tại Việt Nam đã chính thức lên tiếng “nói lại cho rõ” lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông. 

Phát biểu chính thức gần đây nhất về lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông nổi lên mấy điểm đáng chú ý:

Một là Nga trung lập trong vấn đề “tranh chấp lãnh thổ” ở Biển Đông; Hai là Nga chống sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ở Biển Đông; Ba là Nga đề cao UNCLOS 1982 ở Biển Đông, nhưng không trực tiếp đưa ra bất cứ bình luận nào về phán quyết trọng tài liên quan đến việc áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông.

Như vậy có thể thấy, phát biểu mới nhất của Nga về vấn đề Biển Đông mang tính trung lập, trung dung, không đi vào các vấn đề cụ thể, không làm mất lòng bên nào, không bình luận về phán quyết. 

Tuy nhiên ông Petr Akopov và Sputnik News khẳng định như đinh đóng cột: Nga đang chứng tỏ tình đoàn kết với Trung Quốc ở Biển Đông. Tình đoàn kết này biểu hiện như thế nào và có tác động ảnh hưởng gì tới Biển Đông cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam và các bên hay không?

Theo những gì Petr Akopov nói trên Sputnik News người viết thấy có mấy điểm đáng chú ý:

Một là Nga phản đối quốc tế hóa Biển Đông và theo Petr Akopov, rất có thể Nga – Trung hợp sức nhằm tạo sức ép ngăn Mỹ, Nhật Bản và các nước khác can thiệp vào khu vực để Trung Quốc và các nước “tự giải quyết với nhau”.

Thứ hai, về “tranh chấp lãnh thổ” ở Biển Đông thì theo Petr Akopov, phải chăng Nga mặc kệ các nước liên quan đàm phán giải quyết với Trung Quốc thế nào thì tùy để giữ tiếng là “trung lập”, trong khi đó Nga đứng canh chừng không cho Mỹ, Nhật hay nước nào khác nhảy vào?

Nếu quả thực đúng như thế, thì chính Nga đang can thiệp thô bạo vào Biển Đông.

Thứ ba, theo Petr Akopov, quan trọng đối với Nga là không được để bị đẩy vào thế kẹt trong quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam. Rất có thể Nga sẽ phục vụ như một bên trung gian trung thực trong một cuộc xung đột (tiềm tàng) giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Trường Sa.

Thế nào là “bên trung gian trung thực” trong khi Nga đang bán vũ khí cho cả Việt Nam lẫn Trung Quốc? Cứ luận theo logic Petr Akopov phát biểu trên Sputnik News thì phải chăng ông đang xúi nước Nga đừng để Mỹ, Nhật nhảy vào, cứ để cho Trung Quốc và các bên, cụ thể là Việt Nam cạnh tranh với nhau và Nga sẽ ngư ông đắc lợi?

Petr Akopov và những phát biểu của ông trên Sputnik News đang làm xấu hình ảnh nước Nga, đang cố vẽ nước Nga thành tay lái súng có hạng ở Biển Đông.

Người viết không tin và không mong muốn đây là tính toán của nước Nga, nhưng khi nhà báo Nga phát biểu công khai trên tờ báo lớn của Nga đã đặt những vấn đề có thể gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế, thì cũng xin nói thẳng những băn khoăn, trăn trở của mình mà không ngại ai đó phật lòng.

RELATED ARTICLES

Tin mới