Trung Quốc vừa tùy tiện ra luật bắt bớ ngư dân nước ngoài đánh bắt ở vùng biển mà họ tự tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Hành động này chẳng khác nào sự khơi mào cho một cuộc chiến ở Biển Đông.
Tàu Trung Quốc đâm va vào tàu Việt Nam
Tòa án Tối cao Trung Quốc hôm 2/8 tuyên bố rằng những ai bị bắt đánh cá trái phép trong lãnh hải của họ có thể bị phạt tới một năm tù.
Tòa trên không đề cập phán quyết của cơ quan trọng tài ở La Haye, Hà Lan, nhưng tuyên bố rằng việc diễn giải các khu vực cấm đánh bắt của nước này dựa trên luật pháp Trung Quốc cũng như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Ngoài vùng đặc quyền kinh tế, biện pháp truy tố và bắt giam ngư dân nước ngoài của Trung Quốc còn áp dụng đối với cả vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền tại Biển Đông vừa bị tòa trọng tài bác bỏ.
Tòa trên cũng tuyên bố sẽ tích cực áp dụng các luật lệ nhằm “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền lợi hàng hải của Trung Quốc”.
Theo đó, những ai xâm nhập trái phép vào “lãnh hải Trung Quốc” rồi từ chối rời đi sau khi bị xua đuổi, hoặc những ai lại tái diễn việc xâm phạm sau khi bị đuổi đi hoặc bị phạt trong năm trước đó, sẽ bị coi là phạm tội hình sự “nghiêm trọng”, và có thể bị tống giam tới một năm tù.
Thông báo này được đưa ra hơn nửa tháng sau khi Tòa trọng tài tuyên bố Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông, và cũng không có cơ sở pháp lý ở khu vực được gọi là “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vẽ ra để chiếm gần hết diện tích của Biển Đông, cũng như không có quyền tuyên bố bất cứ vùng đặc quyền kinh tế ở những hòn đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ tại Trường Sa.
Cách hành xử mới nhất của Trung Quốc cho thấy họ đang bất chấp luật pháp quốc tế và áp dụng luật rừng ở Biển Đông, mà ở đây rõ ràng Trung Quốc là con cá lớn muốn nuốt trọn những nước nhỏ khác trong khu vực.
Câu hỏi đặt ra là các nước trong khu vực đang bị Trung Quốc chèn ép ngoài Biển Đông sẽ làm gì trước cách “cướp biển” trên của Bắc Kinh? Để chống lại bạo lực thì chỉ còn cách tự bảo vệ mình. Các nước khu vực không thể cứ mãi hô hào cách “giải quyết hòa bình” trong khi Trung Quốc bắt đầu dùng vũ lực.
Nếu Trung Quốc áp dụng triệt để thứ “luật” mà họ vừa ban hành sẽ đẩy các nước trong khu vực tiến tới lựa chọn duy nhất là chống lại bằng vũ lực và khi ấy chiến tranh trên Biển Đông là điều khó tranh khỏi. Bởi không quốc gia nào có thể ngồi yên, khi mà ngư dân của họ đang hoạt động trên vùng biển mà họ đã và đang sinh sống từ ngàn đời nay, giờ lại bị kẻ khác bắt, tống giam…
Các nhà quan sát quốc tế cho rằng quyết định của Tòa Tối cao Trung Quốc nhằm vào ít nhất ba mục tiêu. Thứ nhất là gia tăng sự hứng khởi cho ngư dân Trung Quốc trong việc tham gia cuộc “chiến tranh nhân dân ngoài biển”. Thứ hai là gieo rắc sợ hãi đối với ngư dân nước ngoài, trong cái gọi là “dọn dẹp sạch sẽ Biển Ðông” và cuối cùng là củng cố yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông.
Cùng với việc ra luật rừng ở Biển Đông, ngày 2/8, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã hung hăng kêu gọi chuẩn bị một cuộc “chiến tranh nhân dân trên biển” nhằm ứng phó các đe dọa an ninh nước ngoài và bảo vệ chủ quyền.
Những đe dọa trên của Trung Quốc cho thấy nước này đang muốn chiếm trọn Biển Đông bằng vũ lực. Nhưng từ xưa đến nay, các nước láng giềng của Trung Quốc vốn rất yêu chuộng hòa bình chưa bao giờ bị khuất phục trước nước lớn nào.