Vừa qua có một số ý kiến khác nhau về cách gọi “tòa trọng tài” trong vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông. Vậy đúng sai quanh chuyện này như thế nào?
Ngày 12/7 vừa rồi, một Tòa trọng tài quốc tế đã đưa ra phán quyết lịch sử trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông trên tinh thần của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Phán quyết cuối cùng của Tòa này đã bác bỏ hoàn toàn giá trị pháp lý của “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự tiện vẽ ra trên Biển Đông. Phán quyết mang tính bản lề này nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế và tạo ra một án lệ quan trọng cho việc giải quyết tranh chấp biển sau này.
Chuyên gia lên tiếng
Trong các tin bài của các cơ quan báo chí thời gian qua đã có nhiều cách gọi khác nhau đối với tòa phán xử nói trên. Không ít tờ báo và hãng truyền thông (kể cả của Việt Nam và nước ngoài) gọi đó là “PCA”, “tòa PCA” hoặc “Tòa Trọng tài Thường trực” (Permanent Court of Arbitration).
Tuy nhiên, một số chuyên gia về luật quốc tế khẳng định rằng cách gọi “PCA” đối với tòa phán xử như thế là sai! Theo họ, phải ít nhất gọi tòa trong vụ kiện đặc biệt này là Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS.
Phụ lục VII của UNCLOS bao gồm 13 điều. Điều 9 của Phụ lục này nêu rõ, nếu một bên tranh chấp không ra tòa trọng tài và cũng không phản biện bảo vệ mình thì bên kia vẫn có thể yêu cầu tòa tiếp tục tiến trình pháp lý và đưa ra phán quyết.
Quả thực tên gọi chính thức của tòa xử vụ Philippines kiện Trung Quốc đúng là như vậy. Thực tế Tòa Trọng tài Thường trực (gọi tắt bằng tiếng Anh là PCA) tại La Hay tự nó không phải là cơ quan tài phán (mặc dù tên của nó chứa chữ “Tòa”). PCA là một tổ chức liên chính phủ của 121 nước, là tổ chức trung gian hỗ trợ thành lập các tòa trọng tài cụ thể để xét xử các vụ cụ thể.
Trong trường hợp vụ kiện của Philippines, PCA đã hỗ trợ việc thành lập tòa phân xử, đồng thời làm ban thư ký cho tòa này. Bản thân PCA không ra phán quyết về vụ kiện này, nhưng các phán quyết, các hướng dẫn về thủ tục pháp lý, tiến trình xét xử, các thông cáo liên quan đều do PCA công bố. PCA là đầu mối của tòa cụ thể trong việc liên hệ với truyền thông và các bên đương sự của vụ kiện.
Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông (với điểm nhấn là về tính pháp lý của “đường lưỡi bò”), Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS là một tòa sự vụ cụ thể, được thành lập vào ngày 21/6/2013, sau khi Philippines khởi xướng vụ kiện vào ngày 22/1/2013. Tòa do “đương sự” Philippines và Chánh án Tòa Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) lập ra để giải quyết tranh chấp.
Tòa trọng tài nói trên gồm 5 trọng tài viên trong đó 4 người là do Chánh án ITLOS tại thời điểm đó – ông Shunji Yannai (người Nhật Bản) chỉ định, và 1 người là do Philippines chỉ định. Do Trung Quốc từ chối tham gia vụ phán xử nên Chánh án ITLOS chỉ định thẩm phán Pawlak (quốc tịch Ba Lan) làm trọng tài viên cho bên Trung Quốc.
Tòa trọng tài Phụ lục VII UNCLOS này đã tổ chức các phiên tranh tụng ngay trong trụ sở của PCA ở Cung điện Hòa Bình ở thành phố La Hay, Hà Lan.
>> Xem thêm: Philippines và cuộc chiến pháp lý chống Trung Quốc
Như vậy có 2 loại tòa, là cơ quan tòa án thường trực (như Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa án Quốc tế về Luật Biển) và tòa sự vụ cụ thể (như Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS trong vụ kiện của Philippines).
Oan cho nhà báo?
Việc báo chí “gọi nhầm” (nếu được phép nói như vậy) Tòa cụ thể này có thể xuất phát từ mấy nguyên nhân sau: 1- Người viết chưa nắm rõ về tổ chức PCA và tòa Phụ lục VII; 2- Các vấn đề liên quan đến PCA khá “rắc rối”; 3- Có nhiều yếu tố “gây nhiễu” như chữ “tòa” trong PCA (Tòa Trọng tài Thường trực), và các thông tin như phiên tranh tụng của tòa diễn ra ở ngay trụ sở của PCA, các thông cáo báo chí liên quan đến thủ tục pháp lý trong vụ kiện của Philippines đều được gửi đi từ đầu mối PCA!
Một đại diện của Philippines tại một phiên điều trần của Tòa trọng tài UNCLOS ở PCA vào tháng 11/2015. Ảnh: PCA. |
Ngoài ra còn có một vấn đề khác nữa.
Trong các bài báo nếu lúc nào cũng viết “Tòa trọng tài quốc tế thành lập theo các thủ tục pháp lý đề ra trong Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển để phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông” thì sẽ khá dài. Đối với báo điện tử, cách gọi đó còn thiếu “từ khóa” PCA.
Như vậy, không hẳn các nhà báo (bao gồm cả nhà báo của các tờ báo và hãng truyền thông lớn trên thế giới) đều “nhầm lẫn”. Có thể ở đây họ lựa chọn cách gọi “tòa PCA” là để bảo đảm ngắn gọn (nhất là ở tít bài) và có “từ khóa”.
Nhưng ngắn như thế thì liệu có sai không? Cũng khó có câu trả lời chắc chắn ở đây. Ngôn ngữ báo chí có những điểm khác với ngôn ngữ trong các văn bản pháp lý vốn đòi hỏi sự chặt chẽ cao độ. Ngôn ngữ báo chí chứa đựng sự linh hoạt và đa nghĩa. Trong trường hợp này, “PCA” hoặc “tòa PCA” hoàn toàn có thể được hiểu là “nói tắt” của “Tòa trọng tài liên quan đến PCA, được thành lập với sự hỗ trợ của PCA, có PCA làm ban thư ký”. Từ góc độ này, cách nói “tòa PCA” vẫn ổn dù không hoàn toàn chính xác và cụ thể. Tất nhiên, để đảm bảo chặt chẽ và rõ ràng thì trong các bài viết, nếu có điều kiện, nhà báo rất nên đề cập tên gọi “đầy đủ và cụ thể” của tòa này.
Đối với phán quyết cuối cùng trong vụ kiện của Philippines, để đảm bảo chính xác mà vẫn ngắn gọn, nhà báo có thể dùng cụm từ “phán quyết từ PCA” hoặc “phán quyết do PCA công bố” (tránh nói “phán quyết của PCA” hoặc “PCA ra phán quyết”)./.