Chủ trương này, theo báo Hong Kong, do chính lãnh đạo tối cao Trung Quốc vạch ra và trở thành nguyên nhân chủ chốt khiến Bắc Kinh cứng rắn sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông.
Từ khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vạch ra trên Biển Đông, Bắc Kinh không những tái khẳng định lập trường không tham gia, không chấp nhận, không thừa nhận kết quả pháp quyết, mà còn có phản ứng cứng rắn về cả ngoại giao lẫn quân sự.
Nguồn tin từ Bắc Kinh của tờ Minh báo phát hành ở Hong Kong (Trung Quốc) tiết lộ trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, ông Tập Cận Bình đã phát biểu trong một cuộc họp nội bộ rằng:
“Vấn đề Nam Hải (Biển Đông), hiện nay chúng ta không ra tay, tương lai chỉ còn lại một đống tư liệu lịch sử, nói cũng không có tác dụng gì; Chúng ta hành động liền duy trì được trạng thái tồn tại, trạng thái tranh chấp”.
Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nhóm họp, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình cho rằng một nước lớn thực sự thì không sợ có vấn đề, mà có thể kìm kiếm lợi ích từ vấn đề.
Theo báo trên, tiết lộ của nguồn tin cho thấy Trung Quốc đã có một số điều chỉnh về sách lược ngoại giao và đây cũng là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc cứng rắn, không chịu nhượng bộ sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông vào ngày 12/7 vừa qua.
Tại buổi tiếp Đô đốc John Richardson, Cục trưởng Tác chiến hải quân Mỹ hôm 18/7, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Thượng tướng Ngô Thắng Lợi nhấn mạnh hải quân Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi thách thức xâm phạm chủ quyền.
Trung Quốc tuyệt đối không bỏ dở giữa chừng, sẽ thúc đẩy và hoàn thành theo kế hoạch việc xây dựng (phi pháp) đảo bãi (ở Biển Đông).
Ngoài ra, tướng Ngô còn khẳng định Trung Quốc sẽ không hi sinh quyền chủ quyền ở Biển Đông. Đây là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, liên quan tới nền tảng cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, an ninh ổn định của đất nước, lợi ích căn bản của dân tộc Trung Hoa.
Sau đó, ngày 2/8, Tân Hoa xã đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã lên tiếng kêu gọi chuẩn bị cho “cuộc chiến tranh nhân dân trên biển” để “bảo vệ chủ quyền”.
Về mặt ngoại giao, nhiều quan chức Trung Quốc tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng tài là “tờ giấy bỏ đi”, nhấn mạnh Bắc Kinh không bao giờ chấp nhận bất kỳ chủ trương và hành động nào dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài.