Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngTQ muốn gì khi xây cảng cá khổng lồ?

TQ muốn gì khi xây cảng cá khổng lồ?

Cảng cá lớn nhất ở đảo Hải Nam sẽ khuyến khích ngư dân Trung Quốc đóng tàu to hơn, đi xa hơn xuống Biển Đông và sẵn sàng chống lại tàu chấp pháp các nước.

Hồi đầu tuần, chính quyền thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã khánh thành cảng cá trung tâm Á Châu, cảng phục vụ tàu cá lớn nhất tỉnh và nằm gần với quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhất, trong một động thái được giới phân tích cho là nhằm giúp Trung Quốc “thò tay” xuống xa hơn trên Biển Đông, theo SCMP.

Cảng trung tâm Á Châu hiện có thể chứa một lúc khoảng 800 tàu cá, và có thể sẽ tiếp nhận ít nhất 2.000 tàu sau khi dự án xây dựng hoàn thành với tổng mức kinh phí khoảng ba tỷ nhân dân tệ, tờ Hainan Daily đưa tin. Cảng này sẽ có thể tiếp nhận được các tàu thuyền có trọng tải lên tới 3.000 tấn.

Cảng cá trên được khánh thành trong bối cảnh hạm đội tàu cá hàng chục nghìn chiếc của Trung Quốc bắt đầu ào ạt đổ xuống Biển Đông từ ngày 5/8, sau khi lệnh cấm đánh bắt đơn phương của Bắc Kinh trên vùng biển này hết hiệu lực. Đây hầu hết là những chiếc tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, được chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm để có thể kéo xuống đánh bắt ở các ngư trường xa, thậm chí đến cả bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đang tranh chấp với Philippines.

Hồi tháng 6, chính quyền Hải Nam còn thông báo sẽ tiếp tục xây dựng một cảng cá lớn thứ hai ở khu vực phía tây nam. Sau khi hoàn thành vào đầu năm 2018, cảng cá này có thể chứa được ít nhất 600 tàu cỡ 300 tấn.

Theo giới phân tích, các động thái trên nằm trong nỗ lực xây dựng một lực lượng “dân binh” hùng hậu của Trung Quốc, nhằm phục vụ cho tham vọng chủ quyền quá đáng trên Biển Đông. Từ lâu, Trung Quốc đã được cho là cung cấp hỗ trợ về tài chính, xăng dầu để ngư dân nước này có thể đóng được những tàu cá lớn hơn, đi xa hơn, thậm chí là huấn luyện cả kỹ năng quân sự cho họ.

Riêng chính quyền tỉnh Tam Á trong thời gian vừa qua đã chi ra hơn 64 triệu tệ để hỗ trợ ngư dân, và ít nhất 25 tàu cá nặng hơn 500 tấn đã được hạ thủy chỉ trong hai tháng qua.

Lin Yongxin, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia Trung Quốc, cho rằng với việc xây dựng những cảng cá lớn như vậy, ngư dân Trung Quốc sẽ sẵn lòng đóng những tàu cá lớn hơn. “Những tàu cá lớn này có thể đi xa hơn xuống Biển Đông, sẵn sàng đối đầu với tàu cảnh sát biển của Philippines và Trung Quốc ở những khu vực gần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Lin nói.

xay-cang-ca-khong-lo-trung-quoc-muon-tho-tay-xa-hon-xuong-bien-dong-1

Hải quân Indonesia huy động tàu chiến, cano truy bắt tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép. Ảnh: SCMP

Ông này gọi các ngư dân Hải Nam là “biểu tượng cho sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông”, đồng thời cho rằng họ sẽ được hỗ trợ tốt hơn bằng các cảng cá khổng lồ. “Với sự hậu thuẫn này, họ có thể tiếp tục phát triển nghề cá trong khu vực”, ông này biện hộ.

Taylor Fravel, phó giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho rằng việc mở thêm các cảng cá lớn chứng tỏ Trung Quốc vẫn quyết xua ngư dân đến đánh bắt ở nhiều khu vực trên Biển Đông, kể cả ở những vùng biển mà Tòa Trọng tài đã phán quyết rằng Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” đối với các nguồn tài nguyên.

Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn khăng khăng rằng “đường lưỡi bò” mà họ đơn phương vẽ ra trên Biển Đông thể hiện quyền lịch sử của họ đối với vùng biển này, do vậy ngư dân Trung Quốc có quyền đánh bắt cá ở cả những khu vực nằm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia khác.

“Hành động này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông, và sẽ là bước đầu tiên để họ thực hiện tham vọng kiểm soát vùng biển này”, Fravel nhận định.

Phó giáo sư Andrew Erickson thuộc Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ, từng cảnh báo rằng Trung Quốc đang tìm cách xây dựng một lực lượng bán quân sự trên biển bằng cách biên chế các tàu cá vào lực lượng dân quân biển của mình, nhằm đối phó với lực lượng hành pháp của các quốc gia láng giềng.

xay-cang-ca-khong-lo-trung-quoc-muon-tho-tay-xa-hon-xuong-bien-dong-2

Hạm đội tàu cá Trung Quốc có thể giúp nước này mở rộng sự hiện diện trên Biển Đông. Ảnh: Chinanews

Ngoài việc đánh bắt, lực lượng “dân quân biển” này sẵn sàng đâm va, chống trả các tàu cảnh sát biển của nước khác, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ như vận chuyển vật liệu xây dựng ra đảo, thu thập thông tin tình báo, tuyên bố chủ quyền phi pháp.

“Bình thường họ là ngư dân, nhưng khi mặc đồng phục màu xanh, các ngư dân Trung Quốc sẽ trở thành dân quân biển. Khi họ núp dưới bóng tàu cá để tiến hành các hoạt động trinh sát do thám, hải quân các nước sẽ không thể cản trở hay đe dọa”, Erickson khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới