Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngHải cảnh TQ đã "hỏi thăm" nhà Malaysia

Hải cảnh TQ đã “hỏi thăm” nhà Malaysia

Nhà khảo cổ nghiệp dư Malaysia tố Trung Quốc thường trực tại bãi cạn Luconia, quấy nhiễu vùng biển.

Trung Quốc nhiều lần tập trận và chào cờ ở bãi cạn James, sát bờ biển Malaysia.

ABC News của Úc mới đây phỏng vấn một nhà khảo cổ nghiệp dư tham gia tìm kiếm cổ vật từ một con tàu đắm cho bảo tàng ở Malaysia cho hay, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đồn trú tại bãi cạn Luconia vài năm và thường trực ở đây đã uy hiếp ông.

Nhà khảo cổ có tên Han Berekoven, ngoài thời gian làm việc ở nông trại tại bang  New South Wales – Úc, ông thường lui tới bãi cạn  Luconia để lặn tìm cổ vật.

“Họ tìm cách đẩy chúng tôi ra ngoài. Khi chúng tôi tới đó và bắt đầu lặn tìm cổ vật, tàu của họ thả neo và quây vòng tròn xung quanh chúng tôi, có lúc họ tiếp cận rất sát. Tôi cho rằng đó là một sự đe dọa”- ông Berekoven kể lại.

Ông Berekoven cho biết ông rất giận dữ vì sự hủy hoại từ việc thả neo của tàu hải cảnh Trung Quốc đối với cụm đá ở bãi cạn Luconia.

“Họ thả cái neo khổng lồ. Mỗi lần gió đổi chiều hay dòng nước biến động, cái neo lớn khiến cụm đá bị phá hoại” – ông Berekoven nói.

Năm ngoái, ông Berekoven cũng chọn ngày Độc lập của Malaysia 31-8 để phản đối sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực này bằng cách cùng một số người bạn Malaysia cắm cờ Malaysia trên bãi Luconia.

Tuy nhiên, sáng hôm sau, một máy bay của Malaysia đã tiếp cận tàu của ông Berekoven và tới bãi Luconia. Ông cho biết: “Tàu của lực lượng tuần duyên Malaysia đã có mặt. Họ tới đó và nhổ lá cờ”.

Theo giáo sư người Úc chuyên về vấn đề pháp lý biển Đông Clive Schofield, cách bãi biển Borneo 84 hải lý, bãi cạn Luconia rõ ràng là thềm lục địa của Malaysia và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Malaysia theo Công ước về Luật biển.

Giáo sư Schofield nói rằng ông không bất ngờ vì hành động này của Malaysia bởi Kuala Lumpur có truyền thống âm thầm giải quyết những vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông qua đường ngoại giao với Trung Quốc và hạn chế xung đột.

Vị giáo sư cho rằng sự phản ứng của Malaysia hồi đầu năm nay đối với 100 tàu cá Trung Quốc vào bãi cạn Luconia là một ngoại lệ hiếm thấy.

Lúc bấy giờ, Kuala Lumpur đã triệu đại sứ Trung Quốc tới để phản đối, một phải ứng được đánh giá là mạnh mẽ hiếm thấy.

Thậm chí Hải quân Malaysia được huy động tới khu vực gần bãi cạn Luconia để giám sát tình hình.

Trung Quốc đã ngày càng can thiệp và có mặt ở gần Malaysia cùng chuỗi hành động mạnh mẽ.

Hồi tháng 10/2015, Chỉ huy Hải quân Hoàng gia và Cơ quan chấp pháp biển Malaysia (MMEA) khu vực Sarawak, ông Ismaili Bujang Pit cho biết một tàu hải cảnh Trung Quốc đang neo đậu ở cụm bãi cạn Luconia, cách thành phố biển Miri, bang Sarawak, khoảng 84 hải lý.

Song phía Malaysia xác nhận con tàu chỉ ở đó và có thể có một số yêu sách.

Kể từ năm 2013, các lực lượng chức năng Malaysia đã giám sát sự hiện diện của tàu hải cảnh Trung Quốc và phía Bắc Kinh cũng làm điều tương tự. Tuy nhiên, không có hành động khiêu khích từ cả hai phía.

Theo báo cáo, nhiều ngư dân vùng biển Miri sợ đến gần cụm bãi cạn Luconia vì tàu của Trung Quốc ở đó.

Cuối tháng 3/2013, Trung Quốc đã điều đội tàu 4 chiếc, dẫn đầu là tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn tới bãi ngầm James – cách Malaysia khoảng 80km, cách Brunei chưa đầy 200km và cách bờ biển Trung Quốc tới 1.800km, vượt ra cả ngoài giới hạn “bản đồ 9 đoạn” phi pháp mà Trung Quốc tự đưa ra với yêu sách bao trùm hầu hết Biển Đông.

Đến tháng 1/2014, Trung Quốc lại tiếp tục triển khai đội gồm 3 tàu tới bãi ngầm James. Các quan chức Malaysia vào thời điểm đó bác bỏ các thông tin trên truyền thông địa phương về ý định xây một căn cứ quân sự mới trên đảo Borneo để đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc.

Trước đây, Malaysia vốn im lặng trước những lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Song sau động thái điều tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn dài 200m của Trung Quốc ở bãi James khi đó đã kéo sự chú ý của quốc gia này.

RELATED ARTICLES

Tin mới