Sunday, November 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTại sao doanh nghiệp Việt thích xài đồ Tàu?

Tại sao doanh nghiệp Việt thích xài đồ Tàu?

Việt Nam tổ chức đấu thầu thường chú trọng vào giá cả nên các doanh nghiệp của Trung Quốc dễ dàng chiếm lợi thế và thắng thầu.

Sân bay Nội Bài tắc ứ sau khi bị tin tặc tấn công chiều 29/7.

Lỗi phía Việt Nam

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối 2/8, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã thừa nhận, hiện nay ở Việt Nam đang có tình trạng các nhà mạng lớn sử dụng thiết bị Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Tuấn, tình trạng trên diễn ra là do hoàn cảnh lịch sử để lại, do chính sách, chiến lược ban đầu chưa đồng bộ, rồi do Luật Đấu thầu còn hạn chế, nhất là về  giá thành và cách tiếp cận linh hoạt của các hang viễn thông Trung  Quốc.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Ái Việt – Viện trưởng viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN cho rằng những chia sẻ của người đứng đầu ngành thông tin tin và truyền thông là hoàn toàn có cơ sở.

Trong các điểm trên, điều TS Ái Việt lưu ý nhất đó là việc Việt Nam có những hạn chế, bất cập trong tổ chức đấu thầu, dẫn đến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng kẽ hở để giành chiến thắng rồi đưa những công nghệ với giá thành rẻ vào thị trường trong nước.

“Việt Nam hiện nay đa phần vướng về giá. Khi tiến hành đấu thầu thì đè nhau về giá, chứ không tính đến chấm thầu. Chấm thầu theo ba rem thì ai cũng trúng hết bởi lẽ nhà thầu thấy trúng thì mới nộp.

Luật đấu thầu của Việt Nam quy định rất khác so với thế giới. Điểm kỹ thuật không có nhiều ý nghĩa gì cả mà các doanh nghiệp chỉ tránh điểm liệt là xong.

Giả sử như khi chấm thầu phần kỹ thuật xong, doanh nghiệp A chênh lệch thấp hơn doanh nghiệp B khoảng 20% điểm về kỹ thuật nhưng bên A không bị điểm liệt. Đến khi vào phần giá thì những ưu tiên về kỹ thuật bị xóa đi hết. Trong trường hợp đó, nhà thầu có ưu tiên về kỹ thuật có thể bị trượt ngay nếu giá cả đắt hơn so với nhà thầu có điểm kỹ thuật thấp hơn”, TS Việt nêu thực trạng.

Ngoài phần đấu thầu ra, Viện trưởng viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN còn cho rằng, việc chưa hiểu biết và chưa có một chính sách nhất định đối với việc mua sắm các thiết bị công nghệ cũng là một trong những nguyên nhân để hàng Trung Quốc tràn lan trên thị trường Việt.

“Chúng ta chưa biết được rằng trên những thiết bị đó có thể cài những phần mềm mất an toàn nên không có chính sách để đối phó. Khi có chính sách thì tổ chấm thầu phải xin ý kiến của một nhóm chuyên gia tư vấn. Khi đó, nếu chuyên gia tư vấn bảo không được thì sẽ theo đó để làm.

Pháp luật Việt Nam hiện nay thì vẫn có thể làm được nhưng do chúng ta không có một chính sách hướng dẫn cụ thể nên các Bộ, ngành không làm theo như vậy. Cuối cùng là luật Việt nhưng hướng dẫn luật lại khác. Đó là điểm bất cập”, TS Việt nhấn mạnh.

TS Việt thừa nhận, không phải đến thời điểm này mới có những lo ngại về việc dùng công nghệ từ Trung Quốc có thể dẫn đến việc mất an toàn thông tin mạng, thông tin cá nhân, thậm chí là bí mật quốc gia.

“Một số công ty của Trung Quốc chuyên cung cấp thiết bị về công nghệ thông tin như Hoa Vĩ (Huawei) và Trung Hưng Thông Tấn (ZTE Corp)… đã có thành tích trên thế giới về những chuyện đó rồi. Vừa rồi Mỹ họ cũng đưa ra những cảnh báo rồi, về hiểm họa an ninh đối với Mỹ.

Ngoài việc đưa thầu giá rẻ, chính phủ Trung Quốc còn có một chính sách hỗ trợ, đó là nếu doanh nghiệp thắng thầu nước ngoài tại 1 số quốc gia nhất định thì nhà nước sẽ bù lỗ cho họ. Ở Mỹ có luật chống bán phá giá. Cho nên nếu nhà nước bù lỗ thì họ áp dụng ngày và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ trượt ngay vì vi phạm luật.

Nhiều nước có hoàn cảnh tương tự Việt Nam để hạn chế việc các công ty Trung Quốc trúng thầu cũng đã phải bỏ cả triệu USD để thuê chuyên gia tư vấn của Mỹ, Úc viết bài thầu sao cho Hoa Vĩ vào là trượt ngay mà không phạm luật”, TS Việt khẳng định.

Điều Việt Nam cần làm

Với những sự cố tin tặc tấn công làm tê liệt hệ thống sân bay Tân Sơn Nhật và sân bay Nội Bài vừa qua, vị chuyên gia cho rằng đặt vấn đề bảo mật thông tin an ninh mạng, thông tin cá nhân hay bí mật quốc gia vào thời điểm này là quá muộn.

Đặc biệt, vấn đề chiến tranh mạng giữa các nước để kiềm chế, ngăn cản nhau hiện nay đã xuất hiện phổ biến hơn. Nhưng để tìm ra được những bằng chứng chính xác, quy trách nhiệm thì còn gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy đối với Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng chúng ta phải chủ động phòng chống, làm một cách chặt chẽ, cẩn thận để tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra.

Theo TS Việt, việc đầu tiên Việt Nam cần phải lưu ý và thay đổi đó là chú trọng đến những yếu tố kỹ thuật để loại bỏ nhà thầu Trung Quốc kém chất lượng.

“Chúng ta có thể hiểu rằng các doanh nghiệp Hoa Vĩ, Trung Hưng của Trung Quốc có vấn đề về chất lượng, về mối nguy cơ bảo mật, nhưng không thể tự loại thầu họ được. Theo Luật quốc tế thì không được phép và họ có thể khởi kiện. Phân biệt như vậy là không đúng.

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần phải thuê chuyên gia tư vấn viết bài thầu rồi thẩm định chất lượng. Chúng ta có thể lựa chọn công minh, công khai các chuyên gia. Nếu họ nói thiết bị Trung Quốc không an toàn và đề nghị thẩm định tính an toàn về những phần này chứ không phải về giá thì chúng ta cứ theo đó để làm.

Ngoài ra, chúng ta phải ra một nghị định, một chính sách, một chương trình quốc gia về lỗ hổng bảo mật trong phần cứng. Khi mua sắm thiết bị thì dựa vào những quy định nhất định để làm căn cứ đối chiếu”, TS Việt nói.

So sánh với việc bảo mật thông tin của các nước trên thế giới, Viện trưởng viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN thừa nhận Việt Nam đang xuất hiện 1 số quan điểm, lập trường thiếu nhất quán.

Một số doanh nghiệp, công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin như Viettel, VNPT vẫn có xu hướng theo một nguồn hàng. Với năng lực hiện nay của Việt Nam thì điều này không an toàn. Thành ra nếu bị đục thủng thì dễ dàng bị vô hiệu hóa hết.

Với những cơ quan nhà nước, thiết bị ở các địa điểm trọng yếu, liên quan tới an ninh quốc gia, TS Việt cho rằng chúng ta phải áp dụng những tiêu chuẩn, cách làm của thế giới để chủ động về vấn đề bảo mật, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra những sự cố như vừa qua.

“Các nước trên thế giới từ lâu đã lựa chọn nhiều nhà cung cấp, tức là thiết bị của doanh nghiệp này, hệ thống của đơn vị kia. Phần mềm của ông nọ nhưng điều hành của ông khác. Nhiều thiết bị khác nhau đa dạng thì sẽ tạo thành nhiều tầng phòng thủ. Doanh nghiệp nào sản xuất ra phần mềm, thiết bị thì có thể đụng vào được. Nhưng nếu chúng ta cho nhiều thiết bị từ các nước vào thì để xâm nhập vào các phần là không thể, rất khó khăn.

Về phía Việt Nam, chúng ta có thể sử dụng thiết bị của Hoa Vĩ nhưng cài đặt thêm phần mềm của Mỹ, của Úc, các nước tiên tiến thì tự nhiên chúng tự phòng thủ lẫn nhau. Chúng ta phòng thủ nhiều tầng nhưng tất nhiên trong đó phải có 1 tầng của nội địa, sản phẩm do ở trong nước làm chủ công nghệ hoàn toàn. Tôi nghĩ đó là cái mà Việt Nam phải lưu ý nhất hiện nay”, TS Việt phân tích.

Quy trách nhiệm cá nhân

Một vấn đề khác được TS Việt nhắc đến đó là vấn đề quy trách nhiệm cá nhân đối với những đơn vị, tập đoàn, công ty để xảy ra sự cố về an ninh mạng.

“Quy trách nhiệm về mặt tội phạm thì chúng ta đã có rồi. Nếu ai đó gây rối, làm ảnh hưởng đến vấn đề an ninh, an toàn thông tin thì có thể bắt giữ để quy trách nhiệm, xem như tội phạm. C50, Bộ công an hiện nay họ làm tương đối tốt.

Còn về sự tắc trách, làm không đúng quy trình kỹ thuật, làm không đúng chính sách về an toàn, an ninh, thiếu giải pháp để gây nên hậu quả nghiêm trọng thì chưa có quy định nên khó khăn trong xử lý”, TS Việt thừa nhận.

Từ thực tế trên, vị chuyên gia cho rằng các cơ quan, ban ngành phải ngồi lại với nhau để cùng bàn về 1 hệ thống phòng thủ quốc gia với những chi tiết nhất định và phải chịu trách nhiệm.

“Khi luật và quy định đã có, nếu xảy ra sự cố gì thì chúng ta sẽ quy trách nhiệm ngay. Thiệt hại bao nhiêu, ai chi tiền xây hệ thống đó đều phải chịu trách nhiệm.

Còn về vấn đề đền bù thiệt hại thì sẽ có phí bảo hiểm của một hãng bảo hiểm nào đó chi trả. Nếu chúng ta không có luật thì không bắt được ai cả giống như tình trạng xảy ra thời gian vừa qua”, TS Việt nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới