Tokyo lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng giàn khoan làm “công cụ quân sự” tại Hoa Đông.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc và Nhật Bản hiện diện tại khu vực biển Hoa Đông.
Theo hãng thông tấn Kyodo News, Nhật Bản đã 2 lần lên tiếng phản đối Trung Quốc sau khi phát hiện 13 tàu hải cảnh Trung Quốc (trong đó một số còn trang bị hỏa lực) xuất hiện tại vùng biển quanh quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Đây là con số kỷ lục kể từ sau khi Chính phủ Nhật Bản mua gần hết quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) từ một công dân Nhật vào tháng 9/2012.
Ngay sau vụ mua bán, Trung Quốc đã phản ứng dữ dội và điều 12 tàu hải cảnh vào khu vực biển Hoa Đông – số lượng này là nhiều nhất cho tới cuối tuần qua.
Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết: họ đã phát hiện 7 tàu hải cảnh cùng 230 tàu cá vào ngày 6/8. Sáng 7/8, 2 tàu hải cảnh nữa xuất hiện và tới buổi chiều cùng ngày, lại có thêm 4 chiếc.
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc tuyên bố, động thái này của Bắc Kinh nhằm thể hiện “chủ quyền của Trung Quốc”, trong bối cảnh mối quan hệ giữa 2 bên đang có nhiều rạn nứt sau khi Tokyo thể hiện lập trường của mình trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á trên biển Đông.
“Việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh vào khu vực Điếu Ngư để bảo vệ tàu cá là bình thường, bởi Điếu Ngư vốn là một phần lãnh thổ của Trung Quốc”, Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Lu Yaodong, giám đốc Viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Học viện KHXH Trung Quốc.
Hôm qua, 7/8, Nhật Bản cũng tuyên bố phát hiện thấy Trung Quốc lắp đặt radar dùng cho tàu tuần tra trên một giàn khoan gần khu vực tranh chấp. Phía Tokyo lo ngại rằng, đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh dự tính sử dụng các giàn khoan trên biển làm công cụ quân sự.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hiện có 16 giàn khoan của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển quốc tế của Hoa Đông.
Sau nhiều lần gửi công hàm phản đối trong 3 ngày qua, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã phải lên tiếng tỏ rõ lập trường của Tokyo trong trường hợp căng thẳng gia tăng.
Ông Suga nhấn mạnh: Tokyo sẽ tiếp tục hối thúc Trung Quốc, tránh làm căng thẳng gia tăng trên biển Hoa Đông, đồng thời đáp trả cứng rắn và kiềm chế. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, bao gồm cả lực lượng phòng vệ bờ biển nên phối hợp chặt chẽ để giải quyết tình huống này.
Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Suga cho biết, trong cuối tuần qua, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã 14 lần xâm nhập khu vực mà Tokyo coi là vùng biển chủ quyền. Hành động này có thể được xem là vi phạm trong lĩnh vực hải quan và nhập cư.
Thể hiện lập trường tương tự ông Suga, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho hay: Quân đội Nhật Bản sẽ tiến hành các cuộc tuần tra trên không để cung cấp thông tin cho lực lượng phòng vệ bờ biển.