Wednesday, December 25, 2024
Trang chủĐàm luậnChiến tranh nhân dân trên biển – TQ định dọa ai?

Chiến tranh nhân dân trên biển – TQ định dọa ai?

Vài tuần sau khi Tòa Trọng tài, The Hague, Hà Lan, ngày ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” phi lí của Trung Quốc trên Biển Đông, hôm 2-8 ông Thường Vạn Toàn, khi đi thị sát tại tỉnh Triết Giang, đã tuyên bố: “Kêu gọi công nhận sự nghiêm trọng của tình hình an ninh quốc gia, đặc biệt là mối đe dọa từ ngoài biển”…

Theo đó, ông Thường yêu cầu quân đội, cảnh sát và người dân chuẩn bị sẵn sàng cho “chiến tranh nhân dân trên biển”, để thực hiện cái gọi là bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Lẽ ra sau phán quyết của Tòa trọng tài LHQ, giới lãnh đạo chóp bu ở Bắc Kinh cần ngồi lại bàn định về việc chấp hành luật pháp quốc tế. Nhưng Trung Quốc một mực phản đối và phớt lờ. Sau hàng loạt động thái nhằm phản ứng phán xét của Tòa, cho đến nay tình hình thực hiện các yêu cầu pháp lý trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy sự xuống thang của “kẻ thua kiện”. Không những thế, tranh thủ mọi diễn đàn quốc tế, nhất là tại diễn đàn của các hội nghị quan chức các nước ASEAN, Trung Quốc tìm mọi cách tranh thủ các “láng giềng bé”, thực hiện chiến dịch “ngoại giao bằng những tấm séc” để “mua bán” các lá phiếu ủng hộ. Trong số các quốc gia ngả nghiêng, thậm chí là tráo trở, phải kể đếm Campuchia. Ông Thủ tướng Hun Sen đã vội túm chặt cánh tay ngoại giao lông lá chỉ vì mấy khoản viện trợ béo bở. Vừa nhận tiền ông này vừa lớn tiếng, rằng Campuchia có lập trường của mình, quyết không phải là con rối của cả Mỹ và Trung Quốc.

Nhưng thôi, chuyện này dài. Các nhà làm sử Trung Quốc và Campuchia đời sau có thể cùng nhau viết nhiều bộ tiểu thuyết như kiểu Tam Quốc chí. Đó là Tam Quốc trong thế kỷ XXI. Bây giờ trở lại chuyện ông Tập Cận Bình sắp châm ngòi cho một cuộc đánh nhau to trên biển.

Họ sẽ đánh như thế nào và bằng cách gì trên Biển Đông? Trước mắt Trung Quốc tiếp tục các hoạt động quân sự hóa, cải tạo các đá chiếm phi pháp, biến chúng thành đảo nhân tạo rồi xây đường băng cùng các công trình trên đảo. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục tuần tra trên biển sát khu vực các đá để khẳng định nguyên tắc tự do đi lại. Động thái này khiến Bắc Kinh điên đầu và la lối: Mỹ chính là kẻ gây bão trên biển Đông!

Cùng với tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không (ADIS), Bắc Kinh vừa ban hành bản diễn giải về cái gọi là “các vùng biển của Trung Quốc” ở Biển Đông, đe dọa sẽ phạt tù một năm với hoạt động đánh bắt ở đây. Tại sao lại phạt tù ngư dân các nước lân cận? Động thái này được cho là nhằm tăng cường sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với Biển Đông. Lập tức Nhật Bản trong ngày đã ra sách trắng quốc phòng cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ tạo ra xung đột với các quốc gia khác trong khu vực. Sách trắng cho rằng, bất kỳ quốc gia nào có những phản ứng liên quan đến lập trường của Bắc Kinh về tranh chấp trên biển thì sẽ trở thành đối thủ của họ.

Họ sẽ dấy lên làn sóng chiến tranh trên biển như thế nào? Theo các học giả ngay tại nước sở tại, các lực lượng trong quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh việc trang bị vũ khí nhằm nhắm vào Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Thông tin này có được là từ theo những cuộc phỏng vấn các quan chức trong quân đội và các nguồn tin có liên quan đến quân sự và lãnh đạo nước này.

“Quân đội Giải phóng Nhân dân đã sẵn sàng”. Không chỉ diễu võ giương oai, báo chí Trung Quốc còn đưa tin, bình luận ồn ào về khí thế của Quân đội của họ,nhất là lực lượng không quân, hải quân đang luyện tập trong mọi tình huống khó khăn nhất để làm chủ các lại vũ khí, trang bị hiện đại. Đáng chú ý là, quân đội Trung Quốc vừa khánh thành Đài tưởng niệm liệt sỹ trên đảo Quang Hòa (tên quốc tế là Duncan, tiếng Trung Quốc là Sâm Hàng) thuộc nhóm Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa).

Hiện Hoàng Sa hoàn toàn nằm trong tay Trung Quốc từ sau trận hải chiến với quân của Việt Nam Cộng hòa hồi tháng 1-1974. Trong một trận đánh đẫm máu đã làm cho khiến 74 thủy thủ Việt Nam (Quân đội VIệt Nam Cộng hòa trước đây) tử trận. Trong trận này phía Trung Quốc bỏ mạng 18 người. Việc Trung Quốc dựng Đài tưởng niệm những người chết trận ở Hoàng Sa là một động thái cần chú ý, không đơn thuần là chỉ để “tưởng niệm”, “tri ân”. Xưa nay, thái độ của nhà đương cục Trung Quốc bao giờ cũng thận trọng từ cái lắc đầu, từ ánh mắt nhìn lên hay nhìn xuống đều là dấu hiệu của những cơn mưa bão, sấm sét sắp xảy ra.

Nhưng Trung Quốc liệu dễ dàng nổ súng trên Biển Đông? Theo các nhà phân tích, điều này là điều không dễ. Không dễ trong thời các quốc gia liên kết chặt chẽ thông qua luật pháp quốc tế và rất nhiều ràng buộc pháp lí, ràng buộc về kinh tế, chính trị. Phát động một cuộc chiến tranh nhân dân trên biển hay trên Biển Đông không giống như việc các nhà cầm quyền Trung Nam Hải xua đàn chó sang nhà hàng xóm. Bởi phát động chiến tranh liên quan đến an ninh-quốc phòng trong khu vực, các nước ASEAN và thế giới.

Ngày nay, không riêng ASEAN, rất nhiều quốc gia khác có quyền lợi ở Biển Đông. Khối các nước ASEAN đã hình thành những hiệp ước ký kết rõ ràng và bắt tay nhau nghiêm túc thực hiện những cam kết đó. Tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế. Bất cứ quốc gia nào nhắm mắt làm ngơ trước dư luận thế giới, cậy thế làm càn gây chiến trên Biển Đông sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

RELATED ARTICLES

Tin mới