Trang báo chuyên ngành tài chính và kinh tế của Nga Vestifinance hôm 8/8 nhận định, Việt Nam có mọi cơ hội để trở thành câu chuyện thành công tại châu Á.
Theo báo Nga, Việt Nam có đầy đủ mọi tiền đề để phát triển bền vững và nhanh chóng
Trong bài viết với tiêu đề “Việt Nam có thể trở thành con hổ châu Á mới hay không?”, Vestifinance cho biết thông qua thực tiễn thu hút đầu tư nước ngoài 7 năm qua, Việt Nam có đầy đủ mọi tiền đề để phát triển bền vững và nhanh chóng.
Tờ báo so sánh nếu trong một thập kỷ tới đất nước giữ được tăng trưởng hàng năm ở mức 7% thì con đường phát triển của Việt Nam sẽ giống với các “con hổ” châu Á khác.
Thậm chí, nếu tốc độ tăng trưởng có giảm xuống 4%, Việt Nam cũng sẽ xếp ngang hàng với tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế bậc trung thế giới như Brazil, Thái Lan.
Những thế mạnh của Việt Nam trong tăng trưởng thứ nhất là vị trí địa lý và dân số trẻ. Đặc biệt, chính sách cởi mở trong thương mại và đầu tư mà Việt Nam tiến hành kể từ đầu những năm 1990 chính là điểm mấu chốt để tạo niềm tin tưởng cho giới đầu tư, thúc đẩy họ mở doanh nghiệp tại đây.
Từ đó bài báo đi đến kết luận mặc dù các định chế tài chính uy tín như Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra rằng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề kìm hãm tăng trưởng như hệ thống ngân hàng chưa hồi phục sau khi vỡ “bong bóng bất động sản” vào năm 2011 hay tỷ lệ tham gia vào ngành công nghiệp xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn còn thấp, nhưng Việt Nam đã đạt được những điểm then chốt trên con đường phát triển.
Cơ hội đã có đầy đủ, Việt Nam chỉ cần thêm một chút mạnh dạn để đạt mục tiêu, đồng thời Chính phủ Việt Nam cần phải tích cực xây dựng các dây chuyền khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
Đầu năm nay, báo Tin tức nhân dân của Nga cũng có bài viết đánh giá cao những thành tựu kinh tế của Việt Nam. Theo đó, trong bài viết nhan đề “Việt Nam khẳng định chính sách đổi mới” ra ngày 20/1, báo này khẳng định, công cuộc cải cách được triển khai từ năm 1986 đã mang đến sự tăng trưởng đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam và Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu vào năm 1990, tổng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ ở mức 220 USD, đến năm 2014, con số này đã tăng lên 2.052 USD.
Dù trong hoàn cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu đáng kể với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 đạt 6,68%. Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo từ 2016-2020, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5-7%/năm.
Theo bài báo, trong năm 2015, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu, đồng thời tham gia vào nhiều cơ chế khác như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các chuyên gia cho rằng đây thực sự là một thành tựu lớn.
Theo đánh giá của Viện kinh tế thế giới Peterson, với việc tham gia TPP, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn các quốc gia khác do sẽ được tiếp cận thị trường tiêu dùng khá lớn. Xuất khẩu quần áo, giày dép của Việt Nam có thể tăng 46%, đạt 165 tỷ USD vào năm 2025 nhờ thuế giảm xuống mức 0%.