Saturday, July 27, 2024
Trang chủBiển nóngTQ đặt kho chứa máy bay trên biển: Chuyện không mới

TQ đặt kho chứa máy bay trên biển: Chuyện không mới

Trung tâm Mỹ công khai các kho chứa máy bay được xây dựng trên Biển Đông vào thời điểm nước này bị tuyên bố thua trong vụ kiện với Philippines.

Trao đổi với Đất Việt về việc Trung Quốc lộ các kho chứa máy bay trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông, TS. Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao cho rằng cần chú ý vào thời điểm công khai các thông tin này.

“Việc mới đây Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ công khai các kho chứa máy bay của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy một điều là bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, Trung Quốc đã tiếp tục các hành động để củng cố sự chiếm đóng của họ trên thực tế”, ông Thái nhận định.

Điều này lại thêm một động thái mang tính quân sự nữa của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp.

Trước khi thông tin về kho chứa máy bay này được đăng tải công khai, Nhật Bản cũng đã cáo buộc phía Trung Quốc đưa 6 tàu hải giám cùng 230 tàu cá “đến và đi” ở khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời còn lắp đặt radar quân sự trên các giàn khoan ở Biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, theo TS. Thái, ông nghi ngờ việc radar của Trung Quốc được lắp đặt trên giàn khoan này có mục đích quân sự.

“Tôi không ngạc nhiên về việc Trung Quốc lắp đặt radar trên giàn khoan kể cả là di động hay cố định. Về mặt kỹ thuật, tôi nghi ngờ về động thái Trung Quốc lắp đặt  radar trên giàn khoan này”, ông nói.

Radar vốn là một thiết bị bắt sóng thẳng, dễ bị cản trở bởi đường chân trời và về nguyên tắc, radar cần phải đặt càng cao, khu vực càng rộng thoáng mới quan sát được càng xa.

Lấy ví dụ radar được đặt trên các tàu hải quân thì chỉ quan sát được khoảng 14- 15 hải lý/h, chỉ phục vụ cho mục đích nhất định, trong ngắn hạn.

Đặc trưng radar đặt trên tàu hải quân là loại tàu cơ động nên radar của nó cũng cơ động. Trong khi giàn khoan là vật thể không cố định nhưng sức di chuyển của nó đương nhiên không thể như tàu chiến và rất hạn chế.

Giàn khoan nếu chỉ di chuyển 4-5 hải lý/h thì radar được lắp đặt trên đó không có tác dụng gì nhiều.

 Do vậy, nếu đặt radar trên giàn khoan cao chỉ khoảng 20m thì  thực sự rất bị hạn chế tầm quan sát.

Bên cạnh đó, loại radar được lắp đặt trên giàn khoan là loại nào cũng đặc biệt quan trọng.

Radar luôn đi cùng các hệ thống như radar ngắm bắn, radar chỉ thị mục tiêu, radar quan sát, radar cảnh bảo sớm, radar dẫn đường tên lửa…. Nếu xét về tính năng kỹ thuật và tác dụng thì nó rất là hạn chế.

Hơn nữa, để vận hành được những loại radar như thế trong điều kiện chập hẹp như ở giàn khoan, trang thiết bị phát điện, các khâu vận hành… rất phức tạp.

“Thông thường những radar đặt ở tầm thấp như vậy sẽ không có nhiều tác dụng. Nếu cho rằng mục đích lắp radar quân sự trên giàn khoan của Trung Quốc phục vụ cho công tác thăm dò các thiết bị quân sự là điều rất khó nói”, TS. Thái khẳng định.

“Radar được lắp trên giàn khoan chắc chắn không phải biện pháp dài hạn mà Trung Quốc dự tính sẽ tiếp tục “diễn” ở vùng biển tranh chấp.

Do vậy, hành động của Trung Quốc lần này chỉ có thể là thử thái độ của Nhật Bản như thế nào thôi”, TS. Thái phân tích.

Bởi sau vụ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực, Trung Quốc nếu tiếp tục làm găng ở Biển Đông sẽ gây ra những căng thẳng phức tạp. Đặc biệt là khi phán quyết tuyên bố tích cực cho Philippines và nước này cũng đang cử đặc phái viên để đưa ra các giải pháp ổn định tình hình.

“Khi đó, không thể làm căng thẳng trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ nhảy sang Biển Hoa Đông”, TS. Thái khẳng định.

Trung Quoc dat kho chua may bay tren bien: Chuyen khong moi
Giàn khoan được lắp đặt radar quân sự của Trung Quốc. Ảnh: AP

Đây là thời điểm cao trào để Trung Quốc chuẩn bị trong Đại hội 19, do vậy, động thái này cũng ảnh hưởng tới các chính sách đối nội và ngoại của họ.

Xét trên góc độ rộng hơn, kể cả về mặt kỹ thuật và tính toán chiến lược thì động thái này cũng khó có thể nhằm mục đích củng cố cho vùng nhận diện phòng không ADIZ.

Thiết bị radar nhỏ sẽ không quét được nhiều và không có tác dụng trong nhận diện và quản lý hàng không như một vùng nhận diện phòng không.

Việc Nhật Bản phản ứng gay gắt đối với radar này của Trung Quốc là bởi nó nằm trong chuỗi các hành động của Trung Quốc gần đây tại khu vực này.

Cùng thời điểm radar của Trung Quốc bị Nhật Bản phát hiện trên giàn khoan và hàng trăm tàu cá của Trung Quốc áp sát vào khu vực biển của nước này, ảnh hưởng tới chủ quyền, an ninh, an toàn của Nhật Bản.

Đặc biệt là Trung Quốc đã đưa cả tàu hải giám cùng dàn tàu cá đông đảo vào vùng biển tranh chấp. Động thái này rõ ràng đã cho thấy việc Trung Quốc mượn vỏ bọc dân sự để ngụy trang cho động thái quân sự của mình.

Hiện nay, nếu xảy ra một cuộc chiến, nó đã là cuộc chiến toàn cầu, Trung Quốc đương nhiên không thể thực hiện cuộc chiến quân sự mà phải núp bóng dưới những biện pháp bán quân sự.

 
Số tàu cá Trung Quốc trong lần ra khơi lên đến hàng ngàn – Ảnh: Daily Mail

Trung Quốc đã bất chấp dư luận, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực về Biển Đông và tiếp tục các hoạt động, cơ sở quân sự trên vùng biển tranh chấp với các nước khác.

“Trong tình hình này, chúng ta hoàn toàn có thể công khai các thông tin liên quan tới hoạt động của Trung Quốc, các động thái ngang ngược và các tuyên bố của Tòa Trọng tài Thường trực nhằm đối phó với các thông tin tuyên truyền xảo trá của truyền thông Trung Quốc. Bởi, như người ta vẫn nói, lời nói dối không khi nào nói được lâu”, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới